VN30: Những dấu ấn để lại

VN30: Những dấu ấn để lại

(ĐTCK) Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào trụ sở Sở GDCK TP. HCM (HOSE) là bức tường cao gần 8 mét với rất nhiều bảng hiệu mã chứng khoán - đó là 30 mã chứng khoán dẫn đầu TTCK Việt Nam về giá trị vốn hóa cũng như tính thanh khoản.

Đây cũng là chỉ số đầu tiên trên TTCK Việt Nam áp dụng hệ số tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng vào công thức tính toán, nhằm giúp chỉ số phản ánh chính xác hơn lượng cổ phiếu được tự do giao dịch trên thị trường.

Ngày 6/2/2015 là ngày đánh dấu chỉ số VN30 tròn 3 tuổi. Suốt thời gian vận hành an toàn và liên tục, trải qua 769 phiên giao dịch (1), chỉ số VN30 đạt 585,47 điểm, tăng 30,28% so với ngày đầu tiên được áp dụng. Mặc dù thời gian 3 năm chưa phải là quá dài, nhưng chừng đó thời gian cũng đủ để VN30 được xem là chỉ báo về sự biến động của các cổ phiếu bluechips nói riêng và của TTCK nói chung.

Bên cạnh chỉ số VN-Index truyền thống, sự ra đời của VN30 và bộ chỉ số HOSE Index đã giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về TTCK. Dưới góc độ của các nhà đầu tư nước ngoài, họ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với chỉ số VN30 mà điển hình là việc niêm yết của chứng chỉ quỹ VFMVN30 - sản phẩm ETF đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10/2014 tại HOSE. Như vậy, bên cạnh việc cung cấp cho nhà đầu tư thêm một chỉ số để tham chiếu, VN30 giúp tạo thêm hàng hóa mới trên TTCK, gián tiếp cung cấp cho các nhà đầu tư thêm sự lựa chọn đầu tư.

Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh từng chia sẻ: “Chỉ số VN30 được các nhà đầu tư đánh giá cao về chất lượng cổ phiếu niêm yết, với trên 50% cổ phiếu trong danh mục tăng trưởng cao hơn mức bình quân thị trường. Chính vì vậy, chỉ số VN30 có thể được xem như là một hình thức phân bảng, phân loại các công ty niêm yết dẫn đầu thị trường về vốn hóa, thanh khoản, độ minh bạch và hiệu quả hoạt động kinh doanh, làm gia tăng thêm giá trị tài sản vô hình của các công ty niêm yết được chọn lựa vào chỉ số. Các công ty niêm yết nằm trong rổ chỉ số VN30 được đánh giá cao về mặt quản trị công ty so với mặt bằng chung”. Trên thực tế, thông qua việc tiến hành tính toán và sàng lọc định kỳ 6 tháng một lần, vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm, với các tiêu chí cụ thể, khắt khe cho thấy, chỉ số VN30 đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng và mức độ minh bạch thông tin của cổ phiếu niêm yết. Đây cũng chính là một trong những yếu tố tạo nên “thương hiệu” VN30.

Đối với những doanh nghiệp niêm yết, việc mã chứng khoán của doanh nghiệp được hiển thị trên bức tường cao nhất tại đại sảnh HOSE không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực để doanh nghiệp vững bước trên con đường phát triển. Để có thể duy trì và được chọn vào “rổ” VN30, không có cách nào khác doanh nghiệp phải cố gắng hết sức mình trên mọi phương diện, từ phát triển sản xuất - kinh doanh, quản trị công ty, hay thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin… Ở một khía cạnh khác, chính bởi những “rào cản” khó khăn để sàng lọc vào rổ VN 30, vô hình chung chỉ số VN 30 như một cột mốc để các doanh nghiệp trên TTCK phấn đấu không ngừng nghỉ. Các con số tổng kết về VN30 là minh chứng cụ thể nhất về điều này. Tính tới cuối năm 20014, giá trị vốn hóa của các cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 đạt 603.003 tỷ đồng, chiếm 61,71% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường; giá trị giao dịch bình quân của rổ VN30 đạt 1.295 tỷ đồng/phiên, chiếm 54,76% tổng giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường.

Quả ngọt là những gì mà doanh nghiệp sẽ được “hái” sau bao ngày vất vả gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ VN30. Doanh nghiệp có quyền tự hào bởi những thành tích, những đóng góp cho sự phát triển của TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nhưng để có được những thành quả đó, hàng triệu doanh nghiệp Việt Nam cần phải có thêm nhiều cố gắng để đạt được giá trị vốn hóa và thanh khoản đủ tiêu chuẩn xét duyệt vào rổ chỉ số VN30. Và sự cố gắng đó, chắc chắn sẽ phải được bắt đầu từ chính việc doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên HOSE ngày hôm nay!    

(1): 769 phiên giao dịch được bắt đầu tính từ phiên 6/2/2012 -ngày đầu tiên VN30 được áp dụng, tới ngày 3/2/2015

Tin bài liên quan