Vỡ phương án BOT cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa

Ngay cả khi chấp nhận đẩy mức phí lên tới 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian hoàn vốn Dự án BOT Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa vẫn kéo dài tới 32 năm.

Không khả thi

Sau 3 năm nghiên cứu kêu gọi xã hội hóa, vào cuối tháng 3/2019, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 2900/BGTVT - ĐTCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức BOT.

“Phương án tài chính Dự án không khả thi để có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

 Từ năm 2011, Dự án buộc phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.

Vào tháng 6/2015, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bộ này được chuyển đổi hình thức đầu tư các hạng mục còn lại của Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hóa theo hình thức BOT. Năm 2016, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư theo hình thức BOT đối với các hạng mục còn lại của tuyến Chơn Thành - Đức Hòa đã bị tạm đình hoãn, giãn tiến độ cách đó 5 năm, trong đó đề xuất hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt (thu phí hở).

Tuy nhiên, hình thức thu phí dịch vụ như trên có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng tương đối (người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn, nhưng vẫn phải trả phí). Bên cạnh đó, để hoàn vốn Dự án sẽ cần tới 2 trạm thu phí, nên dễ dẫn tới nguy cơ vấp phải phản ứng của các chủ phương tiện và người dân địa phương.

Đó là lý do khiến Bộ GTVT đã phải xin Thủ tướng giao Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu triển khai hoàn thiện, nâng cấp tuyến Chơn Thành - Đức Hòa theo quy mô cao tốc 4 làn xe và áp dụng hình thức thu giá dịch vụ theo km để đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng.

Kết quả nghiên cứu tiền khả thi được tư vấn công bố tháng 6/2018 cho thấy, để hoàn thiện, nâng cấp tuyến Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài 73,55 km đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng mặt đường 17 m, hệ thống hầm chui, cầu vượt... cần tối thiểu 6.964 tỷ đồng. Với mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ khởi điểm là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian hoàn vốn Dự án dự kiến là 24 năm 3 tháng.

Sau khi cập nhật lại lãi suất huy động theo Thông tư số 88/2018/TT - BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với các dự án PPP; đơn giá, định mức mới về vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ, tổng mức đầu tư Dự án đã vọt lên 7.135 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết, quy mô phương án đầu tư đã là tối thiểu để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc; chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá đã tính là 0% nên không thể cắt giảm quy mô và tổng mức đầu tư Dự án.

Để đảm bảo tính khả thi tài chính, Bộ GTVT đã đẩy mức phí sử dụng đường bộ  khởi điểm tại Dự án lên tới 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km (cao hơn 600 đồng/km so với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông) nhưng thời gian hoàn vốn vẫn kéo dài tới 32 năm. Bộ GTVT lo ngại mức phí 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km đã vượt quá sức chi trả của người dân, trong khi thời gian hoàn vốn lên tới 32 năm cũng là quá dài, rất khó thu hút nhà đầu tư bỏ vốn vào Dự án Xây dựng cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa.

Bí lối

Được biết, Bộ GTVT cũng đã từng tính đến việc xây dựng phương án tài chính Dự án xoay quanh mức giá khởi điểm 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km và bù đắp khoản thiếu hụt 1.900 đồng bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Tuy nhiên, Nghị định số 63/2018/NĐ - CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP quy định, trong trường hợp Dự án có phần vốn góp của Nhà nước thì phải thực hiện chủ trương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối đối với phần vốn này, trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, phần vốn trong Dự án PPP phải được tổng hợp trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu thực hiện đúng, đủ các quy định này, nhanh nhất là phải tới năm 2021, Dự án Xây dựng cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa mới có thể triển khai.

“Ngoài ra, do các dự án PPP rất phức tạp, trình tự thủ tục chặt chẽ, mất nhiều thời gian, đặc biệt là phụ thuộc vào thị trường nên chưa thể khẳng định sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thành công cho tuyến Chơn Thành - Đức Hòa”, ông Đông đánh giá.

Do gặp nhiều bế tắc đối với hình thức PPP, loại hợp đồng BOT nên tại Công văn số 2900/BGTVT - ĐTCT, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao bộ này nghiên cứu đầu tư hoàn thiện công trình bằng nguồn vốn ngân sách để tránh lãng phí đầu tư.

Cần phải nói thêm rằng, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được GTVT phê duyệt dự án đầu tư vào cuối năm 2017, thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Dự án đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An này có mục tiêu là cùng với đoạn tuyến N2 là trục đường chính nối các tỉnh khu vực Tây Nam với các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và phía Bắc, đồng thời nối liền Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Tây Nam bộ.

Chính thức triển khai thi công từ quý IV/2009, nhưng đến năm 2011, Dự án buộc phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Dự án chỉ tiếp tục thi công 3 gói thầu (gói 1, 2, 42) để nối thông tuyến 10 km từ Quốc lộ 14 đến Quốc lộ 13 thuộc tỉnh Bình Phước, các gói thầu còn lại tạm dừng triển khai thi công.

Thực hiện Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội về việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn dư của Dự án Nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được bổ sung thêm 430 tỷ đồng. Số vốn này, được Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh trả nợ khối lượng hoàn thành (29,53 tỷ đồng) và hoàn chỉnh cầu vượt Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 và nút giao Quốc lộ 22

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, về tổng thể, Dự án mới hoàn thiện 10/83 km, 73 km còn lại mới xong nền đường, nên chưa thể đưa vào khai thác. Đại diện chủ đầu tư Dự án quan ngại, nếu không được triển khai đầu tư hoàn chỉnh, ngoài việc lãng phí hàng ngàn tỷ đồng đã đầu tư, các cấu kiện bê tông cốt thép, nền đường sẽ hư hỏng nặng sau gần 7 năm đình hoãn.

“Nếu được bố trí khoảng hơn 1.700 tỷ đồng bằng nguồn vượt thu ngân sách, thì Dự án có thể đưa vào khai thác ngay trong năm 2020, mở ra cơ hội lớn cho việc kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên”, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh mong đợi.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa là một dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài toàn tuyến 83 km, đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An.

Tin bài liên quan