Vốn lớn đổ vào ngành sợi

Vốn lớn đổ vào ngành sợi

Sự chủ động về nguồn cung trong ngành sợi đang gia tăng nhanh chóng, bởi những năm qua, các doanh nghiệp sợi trong nước đã đầu tư lớn mở rộng sản xuất, để nâng cao năng lực cung cấp sợi.

Với năng lực sản xuất, cung ứng 16.000 tấn sợi/năm, 1.000 sản phẩm dệt kim mộc/năm, sản phẩm nhuộm 1.700 tấn/năm, năm 2013, Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang đã chi xấp xỉ 80 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục đầu tư bổ sung năng lực sản xuất sợi.

Ông Phạm Xuân Trình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang cho hay, khoản vốn đầu tư kể trên được Công ty dùng đầu tư bổ sung công suất 16.000 cọc sợi cho 3 nhà máy Sợi, Sợi 2 và Sợi 3 của Công ty. Đồng thời, Công ty cũng đầu tư bổ sung dây bông chải cotton để đa dạng hóa và chuyển đổi mặt hàng từ sợi PE sang sợi P/C chải kỹ cho Nhà máy Sợi 3.

Việc đầu tư tăng nhanh năng lực sản xuất sẽ giúp Công ty đạt mục tiêu doanh thu 1.304 tỷ đồng trong năm 2014, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2013, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 45 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với 2013.

Ngoài Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang, trong năm nay, một loạt doanh nghiệp sản xuất sợi quy mô lớn đều có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư. Một dự án trong ngành sợi vừa được khởi động đầu tháng 5 vừa qua là Dự án Đầu tư Nhà máy sợi Chi nhánh Trảng Bàng tại Khu công nghiệp Trảng Bàng, Tây Ninh của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ.

Dự án Đầu tư mở rộng năng lực sản xuất của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ có tổng vốn đầu tư lên tới 33,9 triệu USD, tương đương 729 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường về sợi microfilament DTY cao cấp. Dự án được kỳ vọng lớn về khả năng cung cấp sợi cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trong dự án này, Sợi Thế Kỷ sẽ đầu tư toàn bộ máy kéo sợi DTY tự động có công nghệ hiện đại nhất hiện nay do Tập đoàn hàng đầu châu Âu Oerlikon Barmag sản xuất. Dự kiến, 50% công suất sẽ được đưa vào khai thác thương mại từ đầu quý III/2015 và 50% còn lại sẽ tiếp tục được đưa vào khai thác từ quý I/2016.

Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, sản lượng 50.000 tấn DTY, FDY/năm là công suất tối ưu đối với một nhà máy sản xuất sợi. Khi đạt được con số này, Công ty sẽ có điều kiện để tối đa hóa các giá trị gia tăng.

Là doanh nghiệp sản xuất sợi quy mô lớn, Sợi Thế Kỷ được đánh giá là doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Việc đầu tư nhà máy với tổng vốn 33,9 triệu USD kể trên nằm trong chiến lược tăng nhanh năng lực sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khai thác các cơ hội đến từ TPP. Công ty còn có kế hoạch liên doanh, liên kết, M&A, mời đối tác đầu tư mở rộng sản xuất vào lĩnh vực dệt, nhuộm, may…, nhằm hoàn chỉnh chuỗi cung ứng.

Được thành lập từ năm 2000, với công suất ban đầu 4.800 tấn sợi DTY, sau 13 năm phát triển, Sợi Thế Kỷ đã tăng công suất gấp 8 lần, lên 37.000 tấn sợi mỗi năm, đồng thời mở rộng sản xuất các sản phẩm POY, DTY và FDY chất lượng cao và ổn định. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty cũng tăng khá, năm 2013 đạt doanh thu 1.453 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 74,4 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sợi Phú Nam, đóng tại Khu công nghiệp Phú Bài (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), có năng lực cung ứng sợi tính đến cuối năm 2013 là gần 30.000 cọc sợi, trong đó 50% được bán tại thị trường nội địa. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu, năm 2014, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư để nâng sản lượng vượt ngưỡng 30.000 cọc sợi.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, việc tăng nhanh năng lực cung cấp sợi tại chỗ bằng việc khởi động các dự án đầu tư lớn trong thời gian qua không chỉ giúp ngành dệt may giảm dần giá trị nhập khẩu. Thống kê của Vitas còn cho thấy, xuất khẩu nguyên phụ liệu, mà chủ yếu là xơ sợi của Việt Nam, đang tăng khá, năm 2013 đạt 2 tỷ USD, 4 tháng đầu năm 2014 đạt gần 800 triệu USD.

“Với tốc độ đầu tư vào ngành sợi như hiện nay, câu chuyện giảm tối đa lượng sợi nhập khẩu sẽ trở thành hiện thực trong một thời gian ngắn nữa”, Vitas dự báo.

Tin bài liên quan