Vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam

Vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam

(ĐTCK) Dòng vốn ngoại có xu hướng chảy mạnh vào TTCK trong 6 tháng đầu năm 2014 và được rút ra trong các tháng cuối năm. Riêng quý IV/2014, các NĐT nước ngoài đã rút ròng khoảng 100 triệu USD. 

Tuy nhiên, xu hướng rút vốn khỏi TTCK Việt Nam của các NĐT nước ngoài trong thời gian gần đây chỉ là tạm thời. Về dài hạn, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng vẫn là một địa chỉ hấp dẫn với các NĐT nước ngoài. 

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong đó, nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào TTCK đóng vai trò kích thích thị trường tài chính phát triển theo hướng mở rộng quy mô, tăng tính thanh khoản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới, tăng tính minh bạch và chất lượng quản trị doanh nghiệp. Trên TTCK Việt Nam, dòng vốn ngoại luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể đối với giao dịch toàn thị trường (10 - 15%) và có tác động đáng kể đến xu hướng của các chỉ số VN-Index và HNX-Index, do dòng vốn này thường tập trung vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Trong năm 2014, tổng nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài chảy vào TTCK Việt Nam vẫn ở mức khả quan, mặc dù có giảm so với năm ngoái. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trị giá 122 triệu USD, giảm 112 triệu USD so với năm ngoái. So với các TTCK trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn do quy mô thị trường còn nhỏ (TTCK Việt Nam chỉ được xếp loại thị trường cận biên), song xu hướng vẫn hứa hẹn khả quan trong tương lai.

Dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chảy mạnh vào thị trường trong 6 tháng đầu năm và được rút ra trong các tháng cuối năm, tuy mức độ rút ra không lớn. Trên thực tế, dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam suy giảm không đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam, mà do các nguyên nhân khách quan là sự biến động của nền kinh tế thế giới.

Với sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chấm dứt hoàn toàn gói nới lỏng định lượng QE3, đồng thời phát đi thông điệp sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ năm 2015, do đó, dòng vốn giá rẻ từ Mỹ có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và các thị trường sơ khai. TTCK Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng chung này. Tuy nhiên, mức độ rút vốn tại TTCK Việt Nam không quá mạnh, do trong các năm trước, dòng vốn từ nguồn này đổ vào TTCK Việt Nam không nhiều. Cụ thể, trong quý IV/2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi TTCK Việt Nam khoảng 100 triệu USD.

Có thể thấy, xu hướng rút vốn khỏi TTCK Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây chỉ là tạm thời. Về dài hạn, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng có tiềm năng tăng trưởng tốt. Điều này sẽ là tiền đề vững chắc để dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Nền kinh tế Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá đang có sự tiến triển so với thời gian trước. Cụ thể, ADB đã nâng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2014 và 2015 với dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5,6% trong năm 2014 và 5,8% trong năm 2015. Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ B+ lên BB-, triển vọng cũng được nâng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã ra thông cáo báo chí công bố việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Theo đó, mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ được tăng từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là Ổn định.

Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam dựa trên các yếu tố cơ bản: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định kể từ năm 2013 với tăng trưởng GDP tăng dần và lạm phát giảm dần. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh các sản phẩm xuất khẩu tăng trưởng mạnh góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cán cân thanh toán thặng dư nhờ xuất khẩu khả quan giúp cải thiện cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại của Việt Nam. Dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất là 35,9 tỷ USD vào cuối tháng 4/2014 và duy trì ổn định tỷ giá. Hoạt động của khu vực ngân hàng đã dần ổn định sau tái cơ cấu và tỷ lệ nợ xấu giảm.

Tin bài liên quan