Dòng vốn ngoại đang âm thầm “rình rập” thị trường Việt Nam

Dòng vốn ngoại đang âm thầm “rình rập” thị trường Việt Nam

Vốn ngoại vào bất động sản nửa đầu năm 2017: “Sóng ở đáy sông”

(ĐTCK) Mặc dầu đã rơi khỏi Top 3 lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2017, bất động sản vẫn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại với hàng loạt dự án đang thai nghén.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cho biết, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong số này, bất động sản đứng thứ 4 với 27 dự án cấp mới và 10 dự án tăng vốn, với tổng số vốn FDI là 560 triệu USD.

Theo ông Felix Lai, Giám đốc Đầu tư thuộc Tập đoàn Gaw Capital, dù những thông tin công bố về việc các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp đầu tư hoặc liên doanh với đối tác nội địa để triển khai dự án thời gian qua là không nhiều, nhưng thực tế sự quan tâm, tìm kiếm cơ hội tại thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất lớn. Việt Nam vẫn được coi là thị trường có tiềm năng lớn đối với các nhà dầu tư nước ngoài.

“Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt và ổn định, dân số đông, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, các thành phố đang trong giai đoạn đô thị hóa cao chính là các yếu tố chính giúp thị trường bất động sản Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm”, ông Lai nói.

Gaw Capital là công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân tại Hồng Kông với tổng tài sản quản lý lên đến hơn 16 tỷ USD hiện nay. Gaw Capital đã nhận chuyển nhượng 4 dự án lớn của Indochina Land và cũng liên doanh cùng với Công ty Bất động sản Tiến Phước, Công ty Bất đông sản Trần Thái và Kepple Land của Singapore đầu tư dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Empire City trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với số vốn lên đến trên 1 tỷ USD.

Cùng chung quan điểm với ông Lai, ông Andre Lim, Tổng giám đốc khu vực miền Bắc của CapitaLand Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đầy tiềm năng, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015, cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu đa dạng đối với bất động sản cho nhiều mục đích khác nhau như để ở, cho thuê lại, thế chấp và thừa kế. Đây được xem là động lực rất lớn phát triển lĩnh vực nhà ở tại Việt Nam.

Chủ đầu tư ngoại Capital Land lựa chọn đại sứ thương hiệu là Á hậu Thụy Vân để tiếp thị dự án Mulberry Lane 

“Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của CapitaLand tại châu Á. Thị trường bất động sản ở Việt Nam được sự hậu thuẫn từ nền kinh tế phát triển tốt và tốc độ đô thị hóa nhanh và dân số còn trẻ”, ông Andre Lim nói thêm.

CapitaLand là một trong những tập đoàn hàng đầu của Singapore đã có quá trình phát triển lâu dài và lớn mạnh tại Việt Nam. Cho đến nay, CapitaLand đã cung cấp cho thị trường Hà Nội và TP.HCM khoảng 9.100 căn hộ tại 9 dự án nhà ở.

Bà Mira Christanto, Giám đốc cao cấp danh mục đầu tư thuộc Công ty Quản lý Tài sản APG cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục là đích đến cho các nhà đầu tư nước ngoài ít nhất là trong thập kỷ tới.

Kể từ giữa năm 2016 đến nay, bất động sản tại Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài. Báo cáo mới nhất của các hãng nghiên cứu bất động sản lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam như Savills, CBRE và JLL đều khẳng định, sức mua và thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá có ưu thế nhất trong số các nước ASEAN và châu Á nói chung.

Cụ thể, gần đây, theo hãng nghiên cứu thị trường bất động sản JLL, Việt Nam được xếp chung thứ bậc với Thái Lan, Singapore và Hồng Kông do các thị trường này đang nhận được sự quan tâm lớn của giới tài phiệt châu Á, châu Âu về lợi nhuận đầu tư bất động sản và thị trường tài chính.

Trong đó, lợi nhuận lớn đến từ kinh doanh bất động sản cao cấp tại Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá ở mức chấp nhận được so với các thị trường truyền thống khác nhưng không còn nhiều hấp dẫn như Trung Quốc, Singapore.

Hiện tại, theo JLL, Việt Nam là một trong các nước Đông Nam Á có sự tăng trưởng trong đầu tư và có nhiều triển vọng tốt về tăng trưởng cho thuê.

Cũng chung nhận định này, ông Neil Mac Gregor, Giám đốc điều hành công của Savills Việt Nam chia sẻ rằng, Việt Nam vẫn luôn luôn trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Đặc biệt, ngoài việc tăng trưởng về số lượng, chúng tôi đã chứng kiến sự cải thiện liên tục về chất lượng nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt rõ nét trong lĩnh vực bất động sản. Chúng tôi vui mừng khi thấy một lượng lớn dự án bất động sản được lập kế hoạch rõ ràng, bền vững bởi các chuyên gia và các nhà tư vấn tốt nhất trong khu vực”, ông nói.

Bên cạnh sự phát triển của các khu công nghiệp, bất động sản cũng được hưởng lợi từ dòng chảy đáng kể của FDI vào sản xuất, dẫn đến nhu cầu lớn về nhà ở, khu bán lẻ và văn phòng.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đang dẫn đầu về số lượng các dự án cũng như quy mô đầu tư.

Nếu Singapore góp mặt với hàng loạt nhà đầu tư hàng đầu như CapitaLand, Kepple Land, Mapletree and VSIP, thì nhà đầu tư Hàn Quốc đã hiện diện tại thị trường Việt Nam nhiều năm nay như Lotte, Posco, Daewoo.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản mặc dù mới hướng sự quan tâm vào thị trường địa ốc Việt Nam vài năm gần đây, nhưng đã và đang vượt lên các đối thủ khác trong thị trường. Các nhà đầu tư như Meada, Mitsubishi, Kajima, Creed Group, Hankyu Realty and Nippon Railroad đã và đang tiến hành triển khai nhiều dự án đẳng cấp tại thị trường Việt Nam.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan