Hiện tại, dòng vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam phần lớn đến từ các ngân hàng thương mại

Hiện tại, dòng vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam phần lớn đến từ các ngân hàng thương mại

Vốn phát triển hạ tầng tại Việt Nam: Bài toán khó giải

(ĐTCK) Ông Bambang Susantono, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chuyên trách Quản lý tri thức và phát triển bền vững cho biết, ADB vừa công bố báo cáo mới “Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng của châu Á”, trong đó bao quát các nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ bản trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, viễn thông, cấp nước và vệ sinh.

Đây là những lĩnh vực then chốt cho phát triển kinh tế và giảm nghèo. Báo cáo này nhận thấy rằng, các nước đang phát triển tại châu Á đang cần đầu tư xấp xỉ 8.000 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2020, tức trên 750 tỷ USD mỗi năm.

Số liệu thống kê không đề cập chi tiết nhu cầu đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, bởi theo ông Zhigang Li, chuyên gia kinh tế ADB, đầu tư cho cơ sở hạ tầng là khác nhau giữa các nước. Tuy nhiên, ông Li cung cấp thông tin về số liệu mới nhất đầu tư cho cơ sở hạ tầng trên % GDP do ADB thống kê giai đoạn 2010-2014 tại châu Á cho thấy, Trung Quốc chiếm 6,8%, Bhutan 6,6% và Việt Nam là 5,7% GDP.

“Việt Nam đã tăng trưởng đầu tư rất nhanh cho cơ sở hạ tầng, với mức độ đầu tư lớn, nằm trong nhóm nước đầu tư nhanh nhất ở châu Á”, ông Zhigang Li nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam đến năm 2020 bình quân khoảng 202.000 tỷ đồng/năm, trong đó, một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách như Quốc lộ 1 cần bình quân 22.000 tỷ đồng/năm; Đường Hồ Chí Minh bình quân 27.000 tỷ đồng/năm...

Bà Hạnh còn cho hay, đến cuối năm 2014, chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT, PPP do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, các ngân hàng thương mại tham gia tài trợ tới 135.000 tỷ đồng (chiếm 89% tổng mức đầu tư). Tuy nhiên, đây không phải là điều mà NHNN mong muốn, nên cơ quan thanh tra-giám sát NHNN phải liên tục cảnh báo dòng vốn ngân hàng chảy lệch hướng.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng cảnh báo: “Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới đang phải đối mặt với một số nguy cơ hiện hữu trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt quan trọng là thiếu hụt đáng kể nguồn vốn đầu tư”.

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ, quan ngại của cơ quan quản lý là điều dễ hiểu, khi nguồn vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn, trong khi các khoản vay cho cơ sở hạ tầng là dài hạn. Rủi ro khi không khớp được kỳ hạn là yếu tố hạn chế thu hút vốn ngân hàng cho các hoạt động cho vay cơ sở hạ tầng.

“Tuy nhiên, đây không phải là rủi ro mang tính chất hệ thống, bởi NHNN đã có quy định đối với các ngân hàng thương mại trong việc giám sát hoạt động cho vay và huy động để giảm thiểu rủi ro, đồng thời cũng là hoạt động giám sát của NHNN. Song vấn đề là nguồn tài chính cung cấp cho các hoạt động cho vay cơ sở hạ tầng không cần tập trung quá nhiều từ ngân hàng”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.

Ông Bambang Susantono nhận định, giao thông là lĩnh vực quan trọng nhằm tăng cường kết nối và đảm bảo tăng trưởng. Trong đầu tư cho giao thông cho thấy, đầu tư Nhà nước là chủ yếu và tài chính công vẫn là nguồn chính, tài chính tư còn ít. Tuy vậy, tài chính không chỉ là điều kiện tiên quyết để quyết định đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mà còn là vấn đề quản trị.

“Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cải cách tài khóa, trong đó có cải cách thuế, tái định hướng chi tiêu, thận trọng khi vay mượn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, tận dụng nhiều hơn phương thức hợp tác công tư, làm sâu sắc hơn các thị trường vốn”, ông Susantono khuyến cáo.   

Báo cáo “Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng của châu Á” cho thấy, các nước đang phát triển tại châu Á sẽ cần đầu tư 26.000 tỷ USD giai đoạn 2016-2030, tương đương 1.700 tỷ USD mỗi năm, nếu khu vực muốn duy trì đà tăng trưởng, xóa nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu (số liệu ước tính đã điều chỉnh để gồm cả biến đổi khí hậu). Nếu không tính chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, nhu cầu vốn sẽ là 22.600 tỷ USD, tương đương 1.500 tỷ USD mỗi năm (ước tính dữ liệu cơ sở).

Trong tổng nhu cầu vốn đầu tư đã điều chỉnh theo biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2030, lĩnh vực năng lượng chiếm 14.700 tỷ USD và giao thông chiếm 8.400 tỷ USD. Đầu tư trong lĩnh vực viễn thông sẽ đạt 2.300 tỷ USD, còn nước và vệ sinh có mức chi phí là 800 tỷ USD trong cả giai đoạn. Đông Á sẽ chiếm 61% nhu cầu vốn đầu tư đã điều chỉnh theo biến đổi khí hậu tính tới năm 2030. Tuy nhiên, nếu tính theo % GDP, Thái Bình Dương sẽ vượt tất cả các tiểu vùng khác, với nhu cầu đầu tư chiếm tới 9,1% GDP. Tiếp đó là khu vực Nam Á với 8,8%, Trung Á 7,8%, Đông Nam Á 5,7% và Đông Á 5,2%.

Tin bài liên quan