VOSCO (VOS) chuyển từ lỗ sang lãi 490,3 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ giá cước vận tải tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO, mã chứng khoán VOS - sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý IV và lũy kế cả năm 2021.
VOSCO (VOS) chuyển từ lỗ sang lãi 490,3 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ giá cước vận tải tăng

Trong quý IV, doanh thu thuần của VOSCO tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái đạt gần 460 tỷ đồng. Giá vốn lại giảm 10% xuống 283,4 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 176,3 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ gộp 5,2 tỷ đồng).

Kỳ này, doanh thu tài chính tăng từ 3,8 tỷ đồng lên 17,5 tỷ đồng, tương đương 355%. Ngoài chi phí tài chính giảm 24%, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng mạnh 164% và 182% lên 15 tỷ đồng và 62,4 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lãi sau thuế 81,7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 46,5 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của VOSCO đạt 1.423,9 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020 và lãi ròng mang về 490,3 tỷ đồng (năm 2020 lỗ ròng 185,9 tỷ đồng). Nhờ đó, lỗ lũy kế của VOS tính đến cuối tháng 12/2021 đã được cải thiện từ lỗ 910,9 tỷ đồng hồi đầu năm về mức lỗ gần 421 tỷ đồng.

VOSCO cho biết, kết quả này chủ yếu đến từ việc Công ty tiếp tục ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu khô và đưa ra giải pháp khai thác hiệu quả hai tàu container. Bên cạnh đó, Công ty có áp dụng giải pháp để kiểm soát chi phí, đặc biệt là các chi phí lớn như sửa chữa, nhiên liệu, phụ tùng… cải thiện kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, Công ty tiếp tục triển khai có hiệu quả tái cơ cấu toàn diện, bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu tổ chức và tái cơ cấu đội tàu nên đã góp phần cải thiện kết quả kinh doanh chung của Công ty.

Năm 2021, Công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng và lãi trước thuế 30 tỷ đồng. Với mức lãi trước thuế năm 2021 đạt 505,2 tỷ đồng, Công ty đã vượt gấp 17 lần mục tiêu năm.

Tính đến cuối quý IV/2021, tổng tài sản doanh nghiệp giảm hơn 2% so với hồi đầu năm xuống còn 2.746,6 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gấp 4 lần đầu năm lên hơn 350 tỷ đồng; ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 14% xuống còn 502,6 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng giảm xấp xỉ 24% về mức 1.738 tỷ đồng; riêng nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn còn 145,2 tỷ đồng và 491,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 69% và 42,6%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1, cổ phiếu VOS đứng tại giá 14.600 đồng/CP.

Tin bài liên quan