VPBank “thăng hoa” nhờ số hóa

VPBank “thăng hoa” nhờ số hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số đang mang lại những thành công bước đầu cho nhiều ngân hàng Việt sau quá trình đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Đây cũng được coi là động lực quan trọng giúp mở rộng nguồn thu, củng cố phân khúc bán lẻ như trong trường hợp của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Nhờ “số” đi lên

Nhờ đi trước đón đầu đẩy mạnh chuyển đổi số, VPBank đã tạo dựng được vị thế của một ngân hàng số toàn năng với hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính đa dạng, đáp ứng các nhu cầu gia tăng của khách hàng, qua đó mở rộng tệp khách hàng và tăng cường các nguồn thu cho Ngân hàng.

Ứng dụng ngân hàng số VPBank NEO - nơi cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên điện thoại thông minh qua công nghệ định danh eKYC, đã và đang được VPBank liên tục đầu tư cải tiến, gia tăng các tính năng mới cho người dùng. Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng app này tính tới cuối quý III/2022 tăng 67% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số khách hàng đăng ký sử dụng app lên 4,4 triệu khách hàng.

Số lượng giao dịch qua VPBank NEO trong 9 tháng đầu năm 2022 cũng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ huy động tiền gửi có kỳ hạn online trên cùng nền tảng đạt 71%, tăng 15% so với cuối năm 2021.

Tương tự, các app nổi trội khác như VPBank Race CAR với tính năng thẩm định khách hàng thông qua công nghệ chấm điểm thông minh và hệ thống nhận diện hình ảnh kỹ thuật số đã đưa VPBank vươn lên vị trí số 1 trong năm 2022 trong mảng cho vay xe du lịch cá nhân, vượt qua các ngân hàng có cùng thế mạnh về số hóa.

Cùng với đó, Ngân hàng số Cake by VPBank được “đo ni, đóng giày” cho phân khúc khách hàng trẻ, chỉ sau khoảng 21 tháng ra mắt đã có được hơn 2,2 triệu khách hàng tham gia, tái khẳng định tham vọng phát triển và mở rộng của hệ sinh thái số của VPBank.

Các kết quả khả quan trên chính là “trái ngọt” từ chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ của VPBank từ trước đại dịch và Covid-19 chính là chất xúc tác giúp đẩy nhanh hơn quá trình này nhằm đáp ứng các nhu cầu về thanh toán số, giao dịch online của khách hàng…

Theo một nghiên cứu của công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng (thực hiện đầu năm 2022), Covid-19 đã thay đổi rõ rệt thói quen thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo đó, có đến hơn 80% người dùng đang sử dụng thẻ, thanh toán qua mã QR và ví điện tử ít nhất một lần một tuần. Trong khi đó, 1/2 số người dùng bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn, trong khi 64% và 63% người dùng đã tăng cường sử dụng thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động và ví điện tử.

Tính thuận tiện luôn là tiêu chí hàng đầu trong sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số, tiếp đó là an toàn, tránh lây nhiễm và bảo mật giao dịch.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sau dịch, 65% người tiêu dùng Việt có xu hướng mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt. Cùng với đó là tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt, với gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn, đạt 82%.

Thúc đẩy doanh thu

Với tệp khách hàng ngân hàng số gia tăng nhanh chóng và hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính số đa dạng, VPBank đang tạo ra một nguồn thu bền vững từ số hóa ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Trong báo cáo tài chính quý III/2022 được ngân hàng này công bố, lợi nhuận trước thuế (PBT) hợp nhất của VPBank tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ hoạt động dịch vụ có mức tăng gần 60%, góp phần nâng tỷ trọng của thu nhập ngoài lãi trên thu nhập hoạt động (TOI) lên tới hơn 30%.

Nhìn kỹ hơn vào cơ cấu doanh thu, nguồn thu ngoài lãi của VPBank đến từ hoạt động thanh toán và ngân quỹ, khi trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2021 nhờ doanh số giao dịch POS tăng gần 4 lần. Đây là kết quả của cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch, với bán lẻ hàng hóa 3 quý đầu năm 2022 tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm vẫn theo đà tăng trưởng cao, đạt mức tăng 68% so với cùng kỳ, trong khi thu phí từ thẻ tăng 35%, tương ứng với số lượng thẻ phát hành và giao dịch gia tăng trong 9 tháng đầu năm nay.

Tính tới cuối tháng 9/2022, quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ của VPBank, bao gồm cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và công ty con FE Credit, đã vươn lên đóng góp gần 70% tổng dư nợ cấp tín dụng toàn Ngân hàng, với mức tăng trưởng khoảng 20% so với đầu năm, đưa VPBank vào tốp dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ.

Số liệu khả quan trong mảng bán lẻ của VPBank, theo lý giải của ngân hàng này, là kết quả của quá trình đầu tư vào công nghệ cũng như chủ động tiếp cận nhu cầu, mong muốn của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ tài chính, để từ đó xây dựng và thiết kế các giải pháp tương ứng, đáp ứng đúng và trúng yêu cầu thực tế hàng ngày.

Theo một lãnh đạo phụ trách Khối Khách hàng hàng cá nhân của VPBank, nếu trước đây hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ truyền thống thường xuất phát từ phía ngân hàng, thì nay đó là câu chuyện của sự kết nối và lắng nghe, tìm hiểu khách hàng mong muốn sản phẩm, dịch vụ như thế nào và ngân hàng sẽ xây dựng các giải pháp tương ứng đáp ứng mong muốn đó.

Để hiện thực hóa điều này, các ngân hàng, bao gồm cả VPBank, đã và đang tập trung đầu tư xây dựng một “siêu” ứng dụng - một Digital Banking app dựa trên 3 tiêu chí gồm giải pháp thông minh, tự động toàn diện và cá nhân hóa, hướng tới phục vụ mọi nhu cầu cuộc sống của khách hàng, từ mở tài khoản, mở thẻ, thanh toán, vay, bảo hiểm đến những sản phẩm đầu tư… và một “siêu” ứng dụng như vậy không chỉ đơn thuần đáp ứng các nhu cầu tài chính của khách hàng cá nhân, mà rộng hơn là giúp kết nối, hình thành một nền kinh tế số với các dịch vụ được kết nối liền mạch, trơn tru - nơi khách hàng, ngân hàng, doanh nghiệp và Chính phủ đều được hưởng lợi.

Tin bài liên quan