Cơ quan quản lý nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc ban hành các quy định về quản trị DN - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Cơ quan quản lý nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc ban hành các quy định về quản trị DN - Ảnh minh họa: Hoài Nam

VSD bỏ phiếu thay cổ đông: Có trái Luật Doanh nghiệp?

(ĐTCK-online) Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) được bỏ phiếu thay cổ đông theo lời mời tham dự ĐHCĐ của DN, nếu các cổ đông này không tham dự nhưng không ủy quyền hoặc không đăng ký tham dự và thực hiện bỏ phiếu từ xa. Đó là quy định mới được đưa vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở/Trung tâm GDCK đang được UBCK lấy ý kiến rộng rãi.

Với DN, nếu nội dung trên được thông qua thì dường như sự thành công của ĐHCĐ không còn là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo một số luật sư, xét trên góc độ pháp lý, quy định này không hợp lệ.

 

Ông Trương Thanh Đức

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico

Theo tôi, quy định về quyền mời tổ chức lưu ký chứng khoán đại diện cho các cổ đông tham dự và bỏ phiếu thay các cổ đông không thực hiện quyền bỏ phiếu là trái Luật Doanh nghiệp. Bởi cả Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán không hề đề cập đến việc uỷ quyền đương nhiên này. Nếu muốn áp dụng quy định này thì nó phải được đưa vào Luật Chứng khoán sửa đổi vừa rồi, chứ không phải đưa vào Dự thảo thông tư. Những nghị định, thông tư mà không xuất phát từ quy định của Luật, cũng không dựa trên những nguyên tắc và tinh thần của Luật (kể cả trường hợp đã được Luật giao thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành), thì đều là trái luật.

 

Luật sư Trần Phương Bắc

Thành viên Công ty hợp danh Luật Việt

Về Quy chế quản trị công ty niêm yết, theo tôi, không nên ban hành một "quy chế" cho phép Sở GDCK ban hành "các hướng dẫn" cho các công ty niêm yết tại Sở GDCK đó, mà nên ban hành quy định cụ thể cho công ty niêm yết nói chung. Ví dụ, việc công bố thông tin của DN đã có văn bản luật điều chỉnh rồi, quy chế này không nên nêu lại. Việc bỏ phiếu và bầu thành viên HĐQT cũng đã được quy định rõ tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định hướng dẫn, quy chế này nêu lại điều đã có và quy định thêm những nội dung kiểu như việc Trung tâm Lưu ký được quyền bỏ phiếu thay cổ đông không dự họp là không hợp lý. Ngoài ra, cũng không nên ban hành "điều lệ mẫu" tại thông tư này, vì Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn cũng có quy định khá đầy đủ. Hơn nữa, rất nhiều điều khoản của Luật Doanh nghiệp cho phép "hoặc điều lệ công ty quy định khác", "tỷ lệ khác"..., nên việc ban hành một điều lệ mẫu sẽ lại một lần nữa bó buộc DN vào một chiếc áo chật hẹp. Khi đó, điều lệ của các DN chỉ khác nhau mỗi cái tên, gây khó khăn cho hoạt động đặc thù của mỗi công ty.

 

Bà Ngô Thị Thu Hà

Đoàn luật sư Yên Bái

Chỉ có một điểm duy nhất tôi đánh giá cao tại Dự thảo thông tư này, đó là việc lưu ý về tỷ lệ ít nhất 75% tổng số cổ phiếu biểu quyết chấp thuận các nghị quyết ĐHCĐ đối với cả 2 trường hợp là họp trực tiếp lẫn lấy ý kiến bằng văn bản, thay vì chỉ đối với trường hợp họp ĐHCĐ trực tiếp như trước đây. Tuy nhiên, theo tôi, vì khái niệm "từ 75% trở lên" và "ít nhất 75%" được hiểu giống nhau, nên Dự thảo Thông tư nên rút ngắn lại thành "các quyết định của đại hội liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung điều lệ, loại cổ phiếu và số lượng cổ phiếu được chào bán, sáp nhập, tái tổ chức và giải thể công ty... sẽ chỉ được thông qua khi có từ 75% trở lên cổ phiếu có quyền biểu quyết (đối với cả 2 trường hợp này)", chứ không nên dài dòng như trong Dự thảo. Còn về việc VSD được bỏ phiếu thay cho các cổ đông bỏ quyền dự họp có thể giúp các ĐHCĐ thường niên đương nhiên thành công, nhưng theo tôi, việc này nên có sự ủy quyền của cổ đông như quy định tại quy chế cũ. Nếu muốn ĐHCĐ đạt tỷ lệ thành công cao hơn thì nên quy định lại tỷ lệ cổ đông tham dự (tốt nhất thì nên đưa nó về tỷ lệ 51%), thay vì đưa ra bất kỳ quy định nào khác.

Nhìn tổng thể, tôi thấy Dự thảo Điều lệ chưa giải quyết được nhiều vấn đề hiện còn gây nhiều tranh cãi tại Điều lệ mẫu kèm theo Quyết định số 15. Vẫn biết Dự thảo thông tư được đem ra lấy ý kiến bổ sung và sửa đổi để hoàn thiện hơn, nhưng thiết nghĩ nội dung của nó nên đầy đủ hơn, sửa đổi được những bất cập của Điều lệ mẫu với các quy định khác, chứ không nên sơ sài như vậy.

 

Ông Nguyễn Hưng Quang

Giám đốc Văn phòng luật sư Quang & Cộng sự

Các cơ quan quản lý nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc ban hành các quy định về quản trị DN. Theo tôi, dự thảo thông tư này chưa giải quyết được nhiều vấn đề hiện còn gây nhiều tranh cãi tại Điều lệ mẫu kèm theo Quyết định số 15, trong khi đó, một số quy định khác như việc VSD có quyền bỏ phiếu thay cho cổ đông bỏ quyền dự họp lại chưa từng được đề cập trong các văn bản pháp lý cao hơn.