Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh

Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh

Vụ phá rừng phòng hộ làm nhà máy xi măng: Chủ đầu tư lên tiếng

(ĐTCK) Trước thông tin dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh phá 365 héc-ta rừng phòng hộ Dầu Tiếng, ông Mai Ngọc Liêm, Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Fico khẳng định, dự án đang trong giai đoạn thăm dò địa chất, không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sinh thái của khu rừng.

Ông Liêm nói: “dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Fico đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, thăm dò địa chất. Thời gian khảo sát, thăm dò, đánh giá để có quyết định đầu tư ít nhất phải mất 3 năm, chưa kể đến việc xin ý kiến Chính phủ, các bộ ngành và thu xếp nguồn vốn… Việc khoan thăm dò địa chất không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sinh thái của khu rừng”.

Được biết, giai đoạn 1 Nhà máy Xi măng Fico được Chính phủ giao cho Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 thực hiện đầu tư với 2 nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất xi măng phục vụ thị trường phía Nam và phát triển kinh tế vùng biên giới. Theo đại diện chủ đầu tư, dự án chỉ sử dụng 105/220 héc-ta đất được quy hoạch, bởi vùng nguyên liệu cho sản xuất xi măng ở địa bàn này nằm sâu dưới lòng đất. Sau khi Nhà máy đi vào hoạt động đã trồng lại diện tích cây xanh và theo dự kiến, phần mỏ khai thác sâu sẽ được dùng làm hồ sinh thái cung cấp nước cho khu vực.

Nhà máy Xi măng Fico có công suất 1,5 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư chính thức là 3.400 tỷ đồng. Mặc dù thị trường tiêu thụ xi măng khó khăn, nhưng Xi măng Fico là một trong số ít các nhà sản xuất đạt mức tiêu thụ tốt và vẫn cân đối được dòng tiền trả nợ.

Theo đại diện Xi măng Fico, tuy lượng xi măng cả nước đang dư thừa công suất thiết kế, nhưng lại luôn ở trong tình trạng “thừa Bắc, thiếu Nam”. Trong khi đó, việc vận chuyển từ Bắc vào Nam sẽ đội giá thành xi măng, không hiệu quả bằng việc xây dựng nhà máy và tiêu thụ tại chỗ, vì vậy Công ty quyết định triển khai xây dựng dây chuyền 2 cho Nhà máy. Tuy nhiên, ông Liêm cho biết, việc có thực hiện đầu tư hay không còn phụ thuộc vào kết quả thăm dò. “Đối với dây chuyền 2, tôi vẫn bảo lưu ý kiến như đã làm ở dây chuyền 1 là, nếu trữ lượng nguyên liệu không đủ, không hiệu quả chúng tôi nhất quyết không làm”.

Theo kế hoạch, Xi măng Fico sẽ phát hành tăng vốn điều lệ thêm 30%, lên 1.300 tỷ đồng vào quý I/2013. Đề cập đến tính khả thi trong kế hoạch tăng vốn, đại diện Xi măng Fico cho biết, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng Công ty sẽ hướng đến và ưu tiên các nhà đầu tư trong nước, vì Xi măng Fico không chỉ phải kinh doanh, mà còn nhiệm vụ quan trọng hơn là thay đổi diện mạo kinh tế vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 1488 của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Xây dựng tính toán kỹ lưỡng dựa trên những phân tích khoa học. Các nhà máy phải căn cứ vào quy hoạch cũng như nhu cầu thị trường để lập kế hoạch cho chính mình. Đối với trường hợp của Xi măng Fico đang trong giai đoạn khảo sát thăm dò là việc hết sức bình thường. Bộ Xây dựng với tư cách quản lý nhà nước sẽ làm đúng chức năng, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, Bộ cũng căn cứ trên tình hình thực tế để đưa ra những khuyến cáo đối với từng trường hợp cụ thể.