Vùng đáy cơ bản đã hình thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đang tiệm cận vùng hỗ trợ mạnh và hiện tượng giằng co trong các phiên giao dịch gần đây ở ngưỡng 1.100 điểm thể hiện rõ nỗ lực hãm đà giảm ngắn hạn.

Áp lực từ chỉ số US Dollar Index tăng cao

Mặc dù khởi sắc trong phiên cuối tuần qua, nhưng sự vận động tiêu cực của các thị trường cổ phiếu từ vùng suy yếu sang vùng giảm mạnh vẫn rõ nét trong đồ thị vận động các tài sản. Ngoại lệ chỉ dành cho thị trường Trung Quốc khi chỉ số Shanghai SE Composite nỗ lực cải thiện đà tăng, hướng lên vùng hồi phục.

Tại Mỹ, dữ liệu thất nghiệp mới được công bố thấp hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã chạm đỉnh 16 năm trước khi điều chỉnh, mang lại những đồn đoán và dự báo về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Đồ thị vận động các tài sản quan trọng.

Đồ thị vận động các tài sản quan trọng.

Tâm điểm trong tuần là sự vận động của chỉ số Dollar Index (DXY), sau khi vượt mốc Fibonacci 38,2% và chính thức bước vào sóng hồi đã liên tục tăng, chạm tới mốc Fibonacci 50% trước khi giảm nhẹ vào cuối tuần.

Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank tăng trở lại trên mốc 24.500 và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu để hút tiền với mức 10.000 tỷ đồng/ngày, đồng thời lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn đều đã vượt 1%/năm.

Với các diễn biến này, thị trường cổ phiếu kỳ vọng được hỗ trợ bởi kịch bản đồng USD giảm nhẹ trong tuần giao dịch mới, chỉ số DXY có thể quay trở lại kiểm tra ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 38,2% quanh vùng 105 - 105,5 điểm.

Diễn biến chỉ số DXY.

Diễn biến chỉ số DXY.

Với thị trường dầu, trong bối cảnh đồng USD tăng, tồn kho dầu của Mỹ cao hơn dự báo, giá dầu đã giảm mạnh trong tuần qua, cả giá dầu Brent và WTI đều mất ngưỡng 90 USD/thùng, về quanh mức 82 - 83 USD/thùng. Trong khi đó, giá quặng sắt đang từng bước chinh phục vùng hồi phục, khi các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc tích cực hơn.

VN-Index cơ bản hình thành đáy ngắn hạn

Chỉ số VN-Index đã giành lại được số điểm đáng kể trong phiên cuối tuần, nhưng thanh khoản vẫn chưa cải thiện. Chỉ số đang tiệm cận vùng hỗ trợ mạnh và hiện tượng giằng co trong các phiên gần đây tại ngưỡng 1.100 điểm thể hiện rõ những nỗ lực hãm đà giảm ngắn hạn.

Trong một xu thế vận động, dù đó là nhịp giảm hay tăng sẽ khó có thể duy trì liên tục diễn biến mà không có các chặng nghỉ và tích lũy. Chính vì vậy, cơ hội đang dành cho cả 2 kịch bản, gồm đảo chiều hoặc đơn thuần chỉ là một nhịp tích lũy kỹ thuật trước khi đà giảm quay trở lại.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index.

Ở kịch bản tích cực, ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm khó có thể bị phá vỡ, nhưng nỗ lực hồi phục từ nền giá này cần hội tụ những động lượng đủ mạnh. Theo đó, sự hỗ trợ đến từ nhóm vốn hóa lớn nhằm kéo lại chỉ số là yêu cầu bắt buộc, cùng với đó là sự hưởng ứng của lực cầu chủ động trên diện rộng các cổ phiếu toàn thị trường.

Đối chiếu với trạng thái của phiên tăng cuối tuần có thể thấy manh nha xuất hiện những tín hiệu đó, nhưng điểm trừ nằm ở thanh khoản vẫn còn ở mức thấp, cho thấy sức mua ngắn hạn còn thiếu tự tin. Có lẽ, một phiên hồi phục là chưa đủ cơ sở để các yếu tố trên được thỏa mãn, bởi tín hiệu tạo đáy cũng là một quá trình kiểm thử cán cân cung cầu trong cả các phiên tăng và giảm kế tiếp. Các chỉ báo định lượng ủng hộ quan điểm cần thêm sự quan sát với các chỉ báo về đà tăng của nhóm vốn hóa lớn, cũng như khả năng hình thành xu thế mua mạnh của lực cầu.

Một số chỉ báo tâm lý thị trường.

Một số chỉ báo tâm lý thị trường.

Dù thanh khoản thấp thể hiện sự e ngại của lực cầu, điểm sáng trong tâm lý thị trường là đà lan tỏa có xu hướng cắt lên MA10, đồng thời MA10 giảm độ dốc và dần đi ngang. Điều này cho thấy, dù chưa khẳng định được đâu là đáy ngắn hạn, nhưng vùng đáy của thị trường cơ bản đã hình thành.

Lưu ý, tuần giao dịch mới là tuần tiền đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 10, thời điểm này thường xuất hiện nhiều biến động về xu thế tại thị trường phái sinh, từ đó ảnh hưởng tới thị trường cơ sở. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để kiểm tra vai trò dẫn dắt và định hướng của nhóm vốn hóa lớn đối với tổng thể xu thế thị trường. Nếu xu thế tăng của thị trường được giữ vững xuyên suốt chuỗi rung lắc trong tuần tiền đáo hạn phái sinh thì có thể thấy ý chí hồi phục của thị trường là rất mạnh.

Như vậy, chiến lược quan sát cần được duy trì đối với các vị thế mua mới trong ngắn hạn. Những chuyển biến tích cực trong phiên cuối tuần có thể được coi là cơ hội để các danh mục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiến hành tái cơ cấu. Theo đó, ưu tiên các nhịp hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng cổ phiếu yếu kém, lượng tài chính thu về sẽ dùng để tái đầu tư sang các nhóm cổ phiếu dẫn sóng và có động lượng tăng mạnh nhất, ngay khi thị trường xác nhận kết thúc quá trình tạo đáy ngắn hạn.

Tin bài liên quan