Vượt khủng hoảng, 70% phải từ nỗ lực của doanh nghiệp

Vượt khủng hoảng, 70% phải từ nỗ lực của doanh nghiệp

(ĐTCK) Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012.

Vượt khủng hoảng, 70% phải từ nỗ lực của doanh nghiệp ảnh 1Trong khó khăn, doanh nghiệp phải tự cứu mình là chính

 

Không chỉ các DN mà cả xã hội đang rất chờ đợi các giải pháp hỗ trợ này nhanh chóng được triển khai trên thực tế, bởi thực trạng đình đốn sản xuất đã không chỉ là nguy cơ. Để “cứu” DN một cách hữu hiệu, theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng nhất hiện nay là dòng cứu trợ phải đi đúng mục tiêu. DN được cứu trợ phải là những đối tượng có thể sống được và phát triển trở lại sau khi đã được “hà hơi, thổi ngạt”. 

Trao đổi với ĐTCK bên lề một cuộc hội thảo về đầu tư được tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước mới tập trung giải bài toán lãi suất, dựa trên biến số lạm phát. Còn việc giải quyết vấn đề tiếp cận tín dụng, theo ông Ánh, một mình cơ quan này không thể xử lý rốt ráo. Nút thắt thứ nhất hiện nay là những DN có đủ điều kiện vay thì lại không vay vì họ còn đủ lực để cầm cự, chờ đợi lãi suất giảm tiếp; những DN muốn vay, bất chấp các mức lãi suất thì lại không đủ điều kiện để vay. Thứ hai, bản thân hệ thống ngân hàng cũng có vấn đề lớn liên quan đến nợ xấu đang có xu hướng gia tăng.

“Cái khó bây giờ nằm ở cả phía người đi vay, cũng như các định chế tài chính. Bản thân định chế tài chính cũng e ngại cho vay ồ ạt vì lo ngại nợ xấu vượt quá tầm kiểm soát. Còn đối với DN, điều kiện để vay là phải chứng minh được có những dự án tốt… thì lại liên quan đến câu chuyện đầu ra cho sản phẩm. Tóm lại, Ngân hàng Nhà nước đang khá mạnh tay trong vấn đề lãi suất, nhưng nửa bài toán còn lại là câu chuyện kích thích nhu cầu vốn của DN lại thuộc về nhiệm vụ của cả nền kinh tế”, ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, đó chính là bài toán giải quyết đầu ra cho DN. Có hai khả năng khiến đầu ra bị thu hẹp là do DN sản xuất với giá thành quá cao, hoặc người tiêu dùng không có khả năng mua. Chính vì thế, cũng nên có các cuộc khảo sát để “chia” tỷ lệ người tiêu dùng ở Việt Nam theo từng loại. Thứ nhất, đối tượng muốn tiêu dùng, có nhu cầu tiêu dùng thực sự nhưng không có tiền. Thứ hai, những người có tiền nhưng không tiêu dùng. Thứ ba, đối tượng có rất nhiều tiền, nhu cầu tiêu dùng vẫn rất cao, nhưng lại không sử dụng những sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam . Từ việc xác định khả năng và sở thích tiêu dùng của cả xã hội để có những chính sách cung ứng hàng hóa hoặc hạn chế tiêu dùng hàng ngoại nhập và kích cầu trong nước.

“Vấn đề này sẽ không đơn giản vì còn phải cân nhắc các cam kết kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn dư địa để áp thuế đối với các mặt hàng ngoại nhập không khuyến khích tiêu dùng”, ông Ánh nói.

Đối với việc tiếp cận vốn của DN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải công bố công khai những điều kiện để DN có thể tiếp cận nguồn vốn, bởi Nghị quyết 13/NQ-CP nêu ra những điều kiện còn khá chung chung. Ví dụ, chính sách ưu đãi DN nông nghiệp nông thôn, nhưng lại có một số DN khối này không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Cơ quan chức năng giải thích rằng, những DN đó hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhưng lại đăng ký tại TP. HCM hoặc các đô thị lớn khác nên không được hỗ trợ. Vậy tiêu chí DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy sản đã đủ chưa? Thứ hai là tiêu chí DN có công nghệ tốt, có hợp đồng xuất khẩu, lâu nay vẫn trả nợ ngân hàng đúng hạn và bảo đảm nộp thuế đầy đủ cũng cần quy định cụ thể hơn từng thành tố. Thứ ba, phải có sự tham gia của các hiệp hội khi thực hiện các chính sách hỗ trợ, vì hiệp hội biết rất rõ DN nào kinh doanh hiệu quả. Lúc đó, các tổ chức tín dụng sẽ có đủ căn cứ hơn để cung ứng vốn theo Nghị quyết 13 của Chính phủ và Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh mà Quốc hội vừa mới ban hành.

“Tôi được biết, vừa qua có DN bất động sản mua lại một DN thủy sản, lấy danh nghĩa DN thủy sản để có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi; nhưng nguồn vốn này sau đó lại bị ‘chảy’ vào bất động sản. Tất cả những hiện tượng đó cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Tôi cũng đồng ý với việc tránh ưu đãi ‘quá mức’ với khối DNNN thuộc bất kể ngành nghề nào”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Về thực trạng sản xuất hiện nay, ông Ánh tổng kết, cả năm 2011 có hơn 50.000 DN làm thủ tục giải thể và ngừng hoạt động; cập nhật đến 31/5/2012 có trên 21.000 DN thuộc diện này. Trong số còn lại, điều cần quan tâm hiện nay là những DN không đáng chết, nhưng đang héo hắt bởi lãi suất cao, hàng hóa có chất lượng tốt nhưng không thể tiêu thụ được. Những DN này mới là đối tượng cần cứu ngay. Chúng ta cần lựa chọn đối tượng hỗ trợ, để chương trình vừa có tác dụng vừa không mang tích chất cào bằng. Ví dụ, trường hợp gói hỗ trợ 4% lãi suất năm 2009, về nguyên tắc là có mục tiêu, có đối tượng. Nhưng cuối cùng, nhiều ngân hàng đã bị xử lý vì không cho vay đúng đối tượng. Điều này chứng tỏ công tác triển khai thực hiện chưa sát sao.

Trong một cách nhìn khác, theo ông Trương Tuấn Nghĩa, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn và đầu tư châu Á (Asia Invest), ngoài những chính sách hỗ trợ, như giảm lãi suất, tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn vốn hay khung pháp lý cởi mở hơn…, Nhà nước nên có chính sách giúp DN đưa ra những tiêu chí để tự đánh giá, chẳng hạn như chỉ tiêu đánh giá tín nhiệm DN. Nếu áp dụng chỉ tiêu này một cách đồng bộ và rộng rãi thì bức tranh tài chính của DN sẽ được thể hiện khác, không như trong các báo cáo tài chính hiện nay.

“Để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cũng như vượt qua những khó khăn hiện tại thì 70% phải đến từ nỗ lực của DN. Đó là những bước đi cần triển khai trong việc cấu trúc lại cơ chế quản trị tài chính của công ty, cũng như việc hoạch định lại thị trường và kế hoạch kinh doanh. Còn chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là cú hích và hỗ trợ về chính sách là chính”, ông Nghĩa nhận định.