PVN chủ động tái cơ cấu sản xuất - kinh doanh, tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi

PVN chủ động tái cơ cấu sản xuất - kinh doanh, tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi

Vượt qua thách thức giá dầu

(ĐTCK) Giá dầu thô trung bình 9 tháng đầu năm 2015 giảm xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm 2014 tạo ra rất nhiều thách thức đối với ngành dầu khí toàn cầu, trong đó Việt Nam không ngoại lệ. 

Song nhờ chủ động tái cơ cấu sản xuất - kinh doanh, tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi từ nhiều năm trước, đồng thời có những giải pháp sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với biến động rất nhanh của thị trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã duy trì được những điểm sáng trong bức tranh kinh tế và tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN trao đổi với Báo ĐTCK. 

Trong Đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đều nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất - kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Tại PVN, nhiệm vụ này đã được thực hiện ra sao và có tác động như thế nào đến kết quả thực hiện kế hoạch 9 tháng đầu năm 2015, thưa ông?

Vượt qua thách thức giá dầu ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Khánh

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của PVN được nêu trong các quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn của Thủ tướng Chính phủ là hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất - kinh doanh nhằm tận dụng tối ưu các nguồn lực, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đồng thời, Đề án tái cơ cấu còn nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò quản lý điều hành của Công ty mẹ - Tập đoàn, tái cơ cấu để công ty mẹ - Tập đoàn trực tiếp hoạt động trong một số lĩnh vực kinh doanh chính.

Thời gian qua, ngành dầu khí đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trên, đặc biệt trong 9 tháng đầu năm nay, trước diễn biến giá dầu thô trung bình đạt 56,5 USD/thùng, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2014, bản thân PVN và các doanh nghiệp thành viên đã và đang tập trung vào nhiều giải pháp để ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đơn cử, Tập đoàn và các đơn vị thành viên thực hiện chương trình tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động nhằm đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra, đồng thời hạn chế các ảnh hưởng từ biến động giá dầu thô. Trong định hướng cắt giảm chi phí, Tập đoàn đã thực hiện đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ để giảm chi phí đầu vào một cách hợp lý cũng như áp dụng các giải pháp về công nghệ tiên tiến; thực hiện rà soát để cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cấp bách; tăng cường khai thác ở những mỏ có chi phí khai thác thấp và điều kiện kỹ thuật cho phép... Bên cạnh đó, ngành dầu khí chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc nguồn vốn nhằm giảm chi phí vốn về mức thấp nhất có thể.

Với nhiều giải pháp đã thực hiện, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2015, các chỉ tiêu sản lượng khai thác của PVN đều vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 21,86 triệu tấn, vượt 11% kế hoạch 9 tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 428,3 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 89,1 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh giá dầu thô giảm gần một nửa, đây là kết quả khả quan và là kết quả của một loạt chương trình hành động mà ngành dầu khí quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Cho đến thời điểm này, tất cả các đơn vị đều giữ được nhịp độ sản xuất - kinh doanh bình thường, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 9 tháng đã đề ra và đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2014 và khai thác dầu thô trong nước tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước 9 tháng đầu năm 2015 đạt 6,5%.

Trong báo cáo của Ban Đổi mới doanh nghiệp gửi Chính phủ mới đây, PVN được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tái cơ cấu DN tích cực và đạt kết quả tốt. Ông có thể cho biết, từ đầu năm đến nay, 2 nhiệm vụ trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành và cổ phần hóa DN đã được Tập đoàn triển khai ra sao?

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Tập đoàn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác tái cơ cấu; các nhiệm vụ trọng tâm và các quyết sách quan trọng được trao đổi và quyết định tại các cuộc họp định kỳ và chuyên đề của Đảng ủy Tập đoàn, tại các cuộc họp liên tịch Ban Thường vụ Đảng ủy - Hội đồng thành viên và tại các cuộc họp của Hội đồng thành viên Tập đoàn.

Về công tác cổ phần hóa, Tập đoàn đã cổ phần hóa thành công Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau; hiện đang chỉ đạo triển khai giai đoạn chuẩn bị cho cổ phần hóa Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Dầu khí theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác thoái vốn, Tập đoàn đã hoàn thành thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với tổng giá trị theo mệnh giá là 1.695,43 tỷ đồng và đang triển khai thực hiện thoái vốn/giảm vốn tại 8 doanh nghiệp với tổng giá trị phải thoái là 5.554,93 tỷ đồng.

Đổi mới quản trị tại các DNNN và DN sau cổ phần hóa là một yêu cầu trọng tâm song lâu nay vẫn được nhận xét là điểm yếu tại Việt Nam. Với ngành dầu khí, các ông quán triệt chủ trương này như thế nào?

Chúng tôi nhận thức rằng, đổi mới về quản trị không chỉ là yêu cầu đúng đắn của Chính phủ, mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới.

Trong thời gian qua, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống quy trình/quy chế nội bộ, các định mức kinh tế kỹ thuật, phân công trong Tập đoàn, Lãnh đạo Tập đoàn đã làm việc và yêu cầu các đơn vị rà soát lại quy trình sản xuất, tổ chức lại hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, tiết giảm bộ máy gián tiếp và chi phí một cách hợp lý, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, việc áp dụng các thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới còn nhằm mục tiêu tăng cường sự liên kết, cụ thể hóa quyền kiểm tra, giám sát, điều phối của Tập đoàn đối với các đơn vị thành viên.

Xin ông cho biết những công việc trọng tâm của PVN trong việc sắp xếp, tái cơ cấu hoạt động của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên trong thời gian tới?

Tập đoàn đã ban hành những chỉ thị, nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ cụ thể đến từng tổng công ty, đơn vị thành viên của Tập đoàn nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tái cơ cấu trong thời gian tới.

Tập đoàn chỉ thị và yêu cầu người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, văn bản chỉ đạo về tái cơ cấu doanh nghiệp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính theo như phương án đã được Tập đoàn và các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình hoàn tất công tác cổ phần hóa và tái cấu trúc, các đơn vị cần phải chú trọng đến các vấn đề như kiểm kê, phân loại, xử lý các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, nhưng cũng không tạo gánh nặng cho tổng công ty sau cổ phần hóa, phù hợp với quy định hiện hành; xây dựng phương án cổ phần hóa phù hợp, sát với tình hình kế hoạch sản xuất - kinh doanh; tích cực tìm kiếm và lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp.

Đặc biệt, thực hiện cổ phần hóa gắn với đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo Quyết định số 51/2014/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, bản thân Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý nội bộ phù hợp với quy định mới, nâng cao năng lực quản trị điều hành tại các đơn vị thành viên, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình quản lý, tổ chức lại hoạt động sản xuất - kinh doanh và thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên, thực hiện công khai minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập.

Thay đổi những cách làm cũ đã tồn tại hàng chục năm, quyết định những vấn đề có tác động trực tiếp đến yếu tố con người thực sự không đơn giản. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của ngành dầu khí trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu?

Để tái cấu trúc hiệu quả, rất cần công tác lãnh đạo chỉ đạo sát sao, xuyên suốt và quyết liệt của Ban lãnh đạo Tập đoàn cũng như các tổng công ty, đơn vị thành viên của Tập đoàn. Cụ thể, Tập đoàn đã đề cao việc chủ động công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong toàn Tập đoàn để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu theo kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng luôn đề cao trách nhiệm cá nhân của Lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, có biện pháp xử lý nghiêm với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và nhiệm vụ được giao trong quản lý điều hành doanh nghiệp theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Vấn đề quan trọng nữa là chúng tôi đặt ra yêu cầu phải liên tục cập nhật, hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ nhằm nâng cao quản trị doanh nghiệp. Quan tâm chỉ đạo và kiện toàn công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, triển khai nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ nhằm thực hiện tốt hơn việc quản lý, bố trí và sử dụng cán bộ.

Tin bài liên quan