WB dự báo Nam Á sẽ trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay

WB dự báo Nam Á sẽ trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay

(ĐTCK) Hôm thứ Ba (3/10), Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Ấn Độ và các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trong năm nay.

WB đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 đối với khu vực Nam Á, bao gồm cả Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka từ 5,6% lên 5,8%.

“Trong khi lạm phát và lãi suất cao đã cản trở nhiều thị trường mới nổi, Nam Á dường như đang tiến lên phía trước”, WB cho biết.

Tốc độ tăng trưởng nhanh ở Nam Á trái ngược với tình hình ở Trung Quốc và Đông Á, vốn được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 5 thập kỷ qua khi khu vực này phải vật lộn với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và nợ gia tăng. WB kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,4% vào năm 2024, so với mức 6,3% của Ấn Độ.

Franziska Ohnsorge, nhà kinh tế trưởng của WB tại khu vực Nam Á cho biết, sự tăng trưởng của Nam Á khiến khu vực này trở thành “đối cực” với Trung Quốc và Đông Á.

Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng ở Nam Á sẽ không đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu của chính quyền khu vực là đạt được vị thế thu nhập cao trong một thế hệ, trong khi có nguy cơ phải đối mặt với những thách thức dài hạn bao gồm nghèo đói và nợ cao.

“Khu vực này thực sự có những nền tảng cơ bản vững chắc do có lực lượng lao động trẻ và có rất nhiều cơ hội để bắt kịp. So với các khu vực khác, khu vực này có khả năng hoạt động tốt”, nhà kinh tế Franziska Ohnsorge cho biết.

Thu nhập bình quân đầu người ở Nam Á là khoảng 2.000 USD - bằng 1/5 mức ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết, tốc độ tăng trưởng hiện tại tuy cao nhưng không đủ để các quốc gia Nam Á đạt được vị thế thu nhập cao trong một thế hệ. Ngoài ra, mức tăng trưởng của các quốc gia không nhất thiết phải bằng nhau.

WB cũng cho biết, họ dự kiến khu vực Nam Á sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mức trước đại dịch Covid-19, trước nguy cơ bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và nhu cầu toàn cầu yếu hơn.

Ấn Độ năm nay đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có dân số lớn nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người. Các nhà đầu tư toàn cầu đang kỳ vọng nước này có thể lặp lại mức tăng trưởng mà Trung Quốc đã đạt được trong những thập kỷ gần đây.

Chính quyền Ấn Độ đã tìm cách thực hiện các cải cách thân thiện với doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư tư nhân, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa ra các biện pháp khuyến khích sản xuất và nới lỏng luật lao động nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng Ấn Độ cần tăng trưởng nhanh hơn nhiều để tạo việc làm cho dân số khổng lồ của mình.

Tăng trưởng khu vực Nam Á dự kiến sẽ được hỗ trợ nhờ sự phục hồi ở Pakistan và Sri Lanka, cả hai đều đã phải hứng chịu những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong năm qua. Sri Lanka - quốc gia vỡ nợ năm ngoái - dự kiến sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm tới sau khi suy thoái trong năm nay. Pakistan cũng dự kiến sẽ quay trở lại mức tăng trưởng khiêm tốn 1,7% trong năm tới.

“Tiềm năng tăng trưởng lâu dài và bền vững nhìn chung là ổn định. Vấn đề duy nhất với khu vực này là nếu toàn bộ phần còn lại của thế giới chậm lại thì rất khó để duy trì đà tăng trưởng đó”, nhà kinh tế Franziska Ohnsorge cho biết.

Theo báo cáo, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức, Ấn Độ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong năm tài chính trước đó ở mức 7,2%. Con số này đưa Ấn Độ lên mức cao thứ hai trong số các quốc gia G20 và gần gấp đôi mức trung bình của các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Với những thách thức toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục do lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu toàn cầu trì trệ, tăng trưởng kinh tế tổng thể có thể sẽ chậm lại trong trung hạn. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại là 6,3%, chủ yếu do các yếu tố bên ngoài và nhu cầu bị dồn nén suy yếu sau đại dịch Covid-19.

Tin bài liên quan