Ảnh: Đức Thanh

Ảnh: Đức Thanh

WSJ: TTCK VN lên xuống theo tin đồn

Nhật báo tài chính hàng đầu thế giới The Wall Street Journal (WSJ) số ra ngày 8/9 có bài viết về TTCK Việt Nam của phóng viên James Hookway với những góc nhìn khách quan và sắc sảo trong giai đoạn tăng giảm thất thường hiện nay.

 

Sự điều chỉnh thất thường của sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy, đây là một trong những thị trường không ổn định nhất thế giới trong vài năm qua. Năm 2006, TTCK tăng 144%. Đây chính là lý do khiến Đặng Dũng, 45 tuổi, đã bỏ nghề buôn bán xe máy cách đây vài năm để hàng ngày bám sàn chứng khoán và anh trở thành một trong hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ đang “chơi” chứng khoán ở đây.

 

Tuy nhiên, mọi sự sốt sắng bắt đầu đảo lộn với Dũng. Như nhiều thị trường đang nổi khác, chứng khoán Việt Nam thiên về khuynh hướng bị điều chỉnh một cách lộn xộn phần lớn dựa vào tin đồn thất thiệt. “Có nhiều người chỉ săn một số loại chứng khoán. Giờ đây khó có thể dự đoán được thị trường”, Dũng than phiền.

 

Sau khi nhảy vọt vào năm 2006, VN-Index tụt dốc 30% chỉ riêng tháng 4/2007, một phần vì tin đồn rằng Chính phủ sẽ hạn chế đầu tư vào chứng khoán. Nhưng điều này không đúng và thị trường lại hồi phục.

 

Sau đó vào tháng 8, sự lo lắng về sự tín nhiệm của nước ngoài châm ngòi cho một đợt bán tháo cổ phiếu. Vào ngày 7/9, VN-Index đạt 934,13 điểm, sụt giảm 26% so với mức kỷ lục 1174,22 điểm vào ngày 12/3/2007.

 

Cùng với sự không ổn định này, nhiều công ty Việt Nam thường xuyên coi nhẹ quy định công khai tài chính và các luật lệ thị trường ít có hiệu lực. “Tôi trông chờ Chính phủ ban hành các quy định nghiêm khắc hơn”, anh Dũng tâm sự.

 

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói: “Các công ty Việt Nam có một số thói quen xấu”. Ông Vũ Bằng đã “đánh dấu” hầu hết các vi phạm phổ biến - ít nhất đây là điều mà đội ngũ cán bộ chỉ 15 người của ông có thể làm. Nhiều công ty không thèm bổ nhiệm ban giám đốc độc lập, mặc dù đó là yêu cầu bắt buộc. Số khác phớt lờ việc báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về những gì mà các giám đốc và quan chức khác kiếm được.

 

Với khoản tiền phạt chỉ 4.000 USD cho một lần vi phạm, ông Vũ Bằng cho rằng, các công ty Việt Nam dễ dàng phớt lờ các quy định công khai tài chính. Ông Vũ Bằng đang tìm sự ủng hộ của Chính phủ để nâng khoản tiền phạt cho mỗi lần vi phạm.

 

Bộ Tài chính cũng đang khuyến khích một số công ty lớn nhất Việt Nam niêm yết chứng khoán ở các thị trường nước ngoài như Singapore . Điều này yêu cầu các công ty phải cải thiện hơn nữa việc công khai thông tin của họ.

 

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đang hy vọng sẽ tiên phong trong việc niêm yết tại thị trường nước ngoài và mong chờ chứng khoán của họ sẽ có mặt ở thị trường Singapore vào khoảng năm 2008.

 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch - Tổng giám đốc SSI, sáng lập Công ty vào năm 2000 với số vốn 400.000 USD. Ngày nay, giá trị vốn hóa thị trường của SSI vào khoảng 1 tỷ USD.

 

Mặc dù đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày càng tăng, nhưng khoảng một nửa số cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường không do Nhà nước kiểm soát vẫn được mua bán bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Sự khao khát của họ đã đẩy VN-Index tăng 10 lần trong 7 năm và tăng gấp đôi trong 12 tháng qua.

 

Số công ty Việt Nam niêm yết “nhảy” từ 2 lên 50 khi sàn chứng khoán được mở năm 2000. Đến cuối năm 2006, các công ty niêm yết trên sàn TP.HCM có tổng giá trị vốn hóa thị trường là 13,5 tỷ USD. Mặc dù còn nhỏ so với 191 tỷ USD của TTCK Philippines và 197 tỷ USD của Thái Lan, nhưng ví dụ trên cho thấy cơ hội phát triển.

 

Cũng vì thế, TTCK Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư bám sàn hàng ngày. Ước tính chỉ riêng Hà Nội có khoảng 50.000 nhà đầu tư như vậy và con số có thể cao hơn tại TP.HCM.

 

Một số mua bán chứng khoán qua tài khoản trên mạng Internet. Số khác tại Hà Nội lại tham gia vào thị trường không chính thức (OTC), nơi các nhà đầu tư mua và bán chứng nhận cổ phiếu của công ty chưa niêm yết từ các quán cà phê bên đường phố.

 

Theo các nhà môi giới chứng khoán Việt Nam , cổ phiếu của khoảng 2.400 công ty thường có quy mô nhỏ và vừa được mua bán theo kiểu này.