Xăng dầu xuống dốc nhanh, cước vận tải… nhá phanh bò dần!

Xăng dầu xuống dốc nhanh, cước vận tải… nhá phanh bò dần!

(ĐTCK) Với lần giảm giá thứ 11 trong năm nay và gần đây nhất vào ngày 6/12 vừa qua, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tại thị trường trong nước được đánh giá là đã giảm xuống thấp ở mức kỷ lục trong vòng 4 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, 2 vấn đề đặt ra tiếp tục được dư luận hết sức quan tâm là liệu mức giảm trong nước đã tương đương với đà giảm giá của thị trường xăng dầu thế giới và với việc giảm giá xăng dầu liên tục như vậy thì giá cước vận tải, một yếu tố cấu thành chi phí đầu vào của tất cả các hàng hóa dịch vụ, có giảm tương xứng?

Về vấn đề giảm giá xăng, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã có tới 11 đợt giảm liên tiếp, trong đó có những đợt giảm giá khá sâu như ngày 22/11 với mức giảm cao nhất lên tới 1.140 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, cộng với đợt giảm giá vào ngày 6/12 mới đây với mức giảm từ 280 - 320 đồng/lít, khiến giá bán lẻ xăng trong nước tính đến nay đã giảm tổng cộng khoảng 5.710 đồng/lít, song so với mức giảm mạnh của thị trường xăng dầu thế giới thì đà giảm này vẫn chưa tương xứng. Tính đến nay, giá xăng trong nước mới giảm trên 20%, vẫn còn khá chậm so với mức giảm hơn 35% của giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mức giảm này thực tế vẫn chênh lệch khá xa so với mức giảm của thị trường xăng dầu thế giới. “Với đà điều chỉnh không tương xứng như vậy, công cụ thuế trong tay cơ quan quản lý nhà nước trong khi lợi nhuận DN vẫn cao, thì người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất”, ông Long bình luận. Cũng theo vị chuyên gia này, dù có giảm nhiều lần song vẫn không thu hẹp được khoảng cách chênh lệch với thị trường xăng dầu thế giới thì khả năng giảm giá vẫn tiếp tục phải xem xét để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Đứng ở góc độ DN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn bảo vệ quan điểm, để tính giá xăng trong nước, còn phải cộng thêm các loại thuế, phí, trích quỹ bình ổn. Đặc biệt là theo quyết định mới đây của Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu đã tăng khá mạnh, theo đó, thuế nhập khẩu xăng tăng 9%, từ 18% lên 27%; thuế nhập khẩu dầu diesel tăng 9%, từ 14% lên 23%; thuế nhập khẩu dầu hỏa tăng 10%, từ 16% lên 26%; đồng thời vẫn trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít đối với tất cả các mặt hàng. Như vậy, giá xăng dầu trong nước vẫn bị chi phối lớn bởi các yếu tố này nên khó có thể giảm giá trong nước tương đương mức giảm của giá xăng dầu thế giới. Cũng theo đại diện đơn vị này, nếu đà giảm giá xăng dầu trên thế giới vẫn tiếp tục diễn tiến như hiện nay thì khả năng quý IV năm nay, Petrolimex có thể bị lỗ từ kinh doanh mặt hàng xăng dầu chứ chưa nói gì đến việc giữ được mức lợi nhuận đề ra. Nguyên nhân bởi Tập đoàn luôn phải duy trì một lượng dự trữ lớn cho nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, việc giảm cước vận tải cùng với đà giảm giá liên tục của mặt hàng xăng dầu cũng đang là vấn đề nóng. Theo số liệu thống kê vừa công bố của Sở Tài chính Hà Nội, trong tháng 11 vừa qua đã có 52 DN taxi, 17 DN vận tải khách, 2 DN vận tải container đăng ký điều chỉnh giảm giá cước. Theo đó, có 17 đơn vị trình hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định với mức giảm từ 5.000 - 60.000 đồng/hành khách, tức giảm khoảng 5 - 16,7% so với mức cước trước đây. Có 2 đơn vị trình hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container với mức điều chỉnh giảm cao nhất là 900 đồng/tấn/km, giảm 4%. Ngoài ra, đối với dịch vụ vận tải taxi, có 52 đơn vị trình hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi với mức giảm từ 500 - 1.000 đồng/km, giảm từ 5-9% so với mức giá kê khai gần nhất.

Bên cạnh  đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, kết quả đợt kiểm tra giá cước vận tải tại 3 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng cho thấy, các DN kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2 - 10%. Đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm trung bình từ 6 - 10% và vận tải hàng hóa là 3,5 - 4%.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mức giảm cước vận tải trên thực tế là khá nhỏ giọt và không tương xứng với 11 lần giảm mạnh của giá bán lẻ xăng dầu. Đó là chưa kể tới việc giảm giá cước mới chỉ bắt đầu từ đầu tháng 11 mới đây và gần như là phải có sự “cưỡng ép” của cơ quan quản lý sau khi dư luận rất bức xúc. Trong khi đó, chi phí vận tải là yếu tố cấu thành rất quan trọng trong chi phí đầu vào của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ nên về cơ bản, nếu giá cước và chi phí vận tải không được điều chỉnh giảm tương xứng với mức giảm của giá xăng dầu thì giá của các loại hàng hóa vẫn không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Theo đó, tác động của giảm giá xăng dầu hầu như chưa lan tỏa được tới toàn bộ nền kinh tế.       

Tin bài liên quan