Xanh hóa bao bì dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong nền kinh tế tuần hoàn

0:00 / 0:00
0:00
Xanh hóa bao bì đang trở thành một trong những ưu tiên của chính phủ và các bên hữu quan, trở thành mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn.

Đầu tư vào bao bì

Ngày 7/5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bao bì thực phẩm - Kiểm soát chất lượng và nắm bắt xu hướng”.

Theo bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, xu hướng tăng trưởng xanh đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong việc phát triển kinh tế trên toàn cầu, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc ITPC chia sẻ tại hội thảo.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó giám đốc ITPC chia sẻ tại hội thảo.

Trong đó, xanh hóa bao bì đang trở thành một trong những ưu tiên của chính phủ và các bên hữu quan, trở thành mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Kinh tế Tuần hoàn (NAPCE) xác định, bao bì là một trong những lĩnh vực ưu tiên áp dụng kinh tế tuần hoàn, bao gồm bao bì sử dụng cho chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất nhựa và hóa chất.

Do đó, việc lựa chọn vật liệu bao bì cho sản phẩm được các doanh nghiệp đặt lên bàn cân tính toán, làm sao vừa đảm bảo được chất lượng sản phẩm vừa thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao nhất.

Hiện việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên liệu xanh và áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững… đang được doanh nghiệp đẩy mạnh.

Bà Phạm Thị Mỹ Duyên, Đại diện Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát thông tin, với xu hướng xanh hóa bao bì, ngoài các loại túi nylon thông thường doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất túi tinh bột - Compostable được làm từ nguyên liệu có thành phần chính là tinh bột. Đây là loại túi sau khi sử dụng và thải ra môi trường, bao bì sẽ phân huỷ 100% thành CO2, nước và mùn hữu cơ.

Còn vướng mắc

Bà Trịnh Thị Minh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất MT Food cho hay, ngày đầu tiên đưa hàng xuất khẩu sang Mỹ, tất cả các yêu cầu của nhà nhập khẩu đều được doanh nghiệp đáp ứng. Tuy nhiên, do vướng về bao bì không tái chế nên lô hàng của doanh nghiệp bị trả về. MT Food lại phải tìm kiếm lại một đơn vị cung cấp bao bì đóng gói thì mới có thể xuất khẩu trở lại.

“Đến nay, doanh nghiệp đã sử dụng bao bì giấy khi xuất khẩu nhưng chúng tôi cũng đang đặt ra một câu hỏi: “Còn nguyên liệu nào làm bao bì tốt hơn giấy nhưng vẫn bảo vệ môi trường?”. Nguyên nhân là do, các đối tác nước ngoài đang đặt vấn đề là sử dụng các bao bì giấy đồng nghĩa với việc phá rừng. Dù có giải thích là chúng ta có chặt cây và cũng có trồng lại nhưng đôi khi khách hàng vẫn chưa hài lòng. Do đó, nếu có nguyên liệu nào tốt hơn bao bì giấy và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng thì chúng tôi sẽ thay đổi”, bà Thùy chia sẻ.

Việc xanh hóa bao bì tại nhiều doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Việc xanh hóa bao bì tại nhiều doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, quá trình đầu tư xanh hóa, trong đó có bao bì đòi hỏi nguồn vốn, thời gian và nỗ lực lớn, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Theo bà Phạm Thị Mỹ Duyên, quy trình sản xuất bao bì xanh khác hoàn toàn so với quy trình sản xuất túi nhựa thường. Do đó, để sản xuất túi tinh bột nói riêng và các loại túi tái chế nói riêng, doanh nghiệp phải cải tạo và cải thiện máy móc để sản xuất riêng. Đồng thời đào tạo lại kỹ thuật cho nhân viên sản xuất và cách bảo quản thành phẩm tới tay người dùng.

“Tuy nhiên, ý thức về bảo vệ môi trường của người tiêu dùng chưa cao và thói quen sử dụng bao bì xanh còn hạn chế. Trong khi đó, chi phí kiểm tra sản phẩm bao bì tái chế cho các chứng nhận quốc tế tại doanh nghiệp khá cao nhưng thời hạn sử dụng chỉ một năm”, Đại diện Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát chia sẻ.

Có thể thấy, nguồn vốn đầu tư cho bao bì xanh cao nhưng đầu ra vẫn còn hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn e dè. Ngoài ra, các quy định cho ngành bao bì thực phẩm nói chung hiện vẫn chưa cụ thể.

Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý về kiểm soát chất lượng bao bì, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước và một số thị trường tiềm năng. Đồng thời thường xuyên cập nhật xu hướng bao bì xanh và vật liệu bền vững dành cho thực phẩm, đánh giá khả năng tái chế của nguyên liệu cũng như quản lý chất lượng bao bì – nhãn mác thông qua chứng nhận hệ thống quản lý hoá chất ZDHC trong sản xuất bao bì/vật liệu tiếp xúc thực phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, các tiêu chuẩn và quy định quan trọng trong kiểm nghiệm bao bì thực phẩm bao gồm: QCVN 12-4:2015/BYT cho bao bì thủy tinh và gốm sứ; QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT cho bao bì nhựa, kim loại, cao su; và TCVN 12723:2019 cho giấy và các tông; hoặc các quy định quốc tế như Quy định (EU) 10/2011 về vật liệu nhựa, FDA 21 CFR 177.1520 của Mỹ cùng các quy định khác.

Tin bài liên quan