‘Xây dựng đề án chỉ để kiếm vài trăm triệu đồng’

‘Xây dựng đề án chỉ để kiếm vài trăm triệu đồng’

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, rất đau xót khi nhiều bộ, ngành mất vài năm xây dựng các đề án chỉ để lấy vài trăm triệu đồng, rồi bỏ xó mà hoàn toàn không có tính khả thi.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 6/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành lao động, thương binh và xã hội năm 2013, như chỉ tiêu việc làm, xuất khẩu lao động, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

“Việc ngành lao động giải quyết việc làm cho 1,543 triệu lao động, tuy chỉ đạt gần 97% chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhưng xét trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn là một kết quả đáng ghi nhận”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, tuy không đạt kế hoạch đề ra, nhưng cả năm 2013, ngành lao động đã giải quyết việc làm trong nước cho 1,455 triệu lao động, bằng  101% so với kết quả năm 2012. Tương tự, cả nước xuất khẩu hơn 88.000 lao động, đạt 103% kế hoạch và tăng 10% so với năm 2012. 

“Nếu nhìn nhận một cách khách quan, dù tăng so với năm 2012, nhưng vẫn còn nhiều chỉ tiêu quan trọng mà ngành chưa đạt được”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận.

Cụ thể, chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho 1,6 triệu lao động không cán đích. Công tác xuất khẩu lao động dù vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng tỷ lệ bỏ trốn vẫn cao khiến lao động Việt Nam mất hình ảnh tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông công tác tuyển mới dạy nghề chỉ đạt 91%, gây mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, nhiều lao động thiếu việc làm, trong khi doanh nghiệp không tuyển đủ người do trình độ lao động không đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xảy ra tràn lan và ngày càng tăng cả về số lượng doanh nghiệp lẫn tổng số tiền nợ, với khoảng 10.600 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền lương thấp, thất nghiệp khiến đời sống công nhân lao động rất khó khăn.

Để giảm thiểu những tồn tại này, năm 2014, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, ngành lao động phải cải thiện công tác dạy nghề theo hướng thực chất hơn, thông qua việc kết hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm gắn với các doanh nghiệp.

“Có nhiều đề án về đào tạo, dạy nghề cho lao động nghèo, lao động nông thôn. Vấn đề là làm sao cho hiệu quả, chứ không phải xây dựng được bao nhiêu đề án”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói và nhấn mạnh, cải thiện được việc dạy nghề, chất lượng lao động, thị trường cung - cầu lao động sẽ tự động điều chỉnh tốt lên, mà không cần sự can thiệp của chính sách.

Ông Đam cho biết, từ khi còn đương chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông đã từng chứng kiến nhiều bộ, ngành xây dựng rất nhiều đề án to lớn, nhưng sau đó, chỉ xếp xó vì không có nguồn thực hiện.

“Thậm chí, có cơ quan xây dựng một đề án mất 2-3 năm không xong. Khi tôi có ý kiến, có người trả lời thẳng, nếu không làm đề án, lấy đâu ra vài trăm triệu đồng để giải ngân cho đơn vị. Đây là thực trạng cần ngăn chặn”, ông Đam thẳng thắn.

Lấy ví dụ thêm về thực trạng này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, để hiện đại hóa cơ sở dữ liệu, cũng như các phần mềm quản lý, bộ nào cũng có trung tâm thông tin, nhưng nếu để các trung tâm này làm, thì thường rất tốn kém mà tính ứng dụng rất thấp. Ngay chính tại Văn phòng Chính phủ, đã có đề án phần mềm quản lý do đơn vị trực thuộc làm, vừa mất thời gian và không hiệu quả. Trong khi đó, chuyển ra thuê ngoài, hiệu quả và chi phí giảm rõ rệt.

Theo ông Đam, các chính sách của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều người, vì vậy, càng cần phải hiện đại và minh bạch. “Bộ cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng chính sách người có công, hộ nghèo…, làm sao để chỉ cần gõ tên trên hệ thống là ra ngay kết quả và ai cũng có thể xem được. Công khai, minh bạch để bất cứ người dân nào cũng có thể đối chiếu, thanh tra kết quả sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với bộ máy thanh tra cồng kềnh của cơ quan công quyền”, ông Đam nói.