Xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một sự kiện trọng đại diễn ra trong tuần qua khi Việt Nam long trọng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, giành độc lập trọn vẹn (30/4/1975-30/4/2025), cũng là thời điểm giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư lĩnh hội, thấm thía về sự độc lập, tự cường trên thương trường.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí của một nền kinh tế phát triển năng động với GDP năm 2024 tăng gần 100 lần so với năm 1986. Năm qua, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đạt hơn 38 tỷ USD, thuộc nhóm nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Quy mô của nền kinh tế được xếp vào Top 40 thế giới.

Nhưng vào thời điểm hiện tại, thuế quan đối ứng của Mỹ và những chính sách ứng phó của các nước trên thế giới đang tạo ra bối cảnh kinh doanh đặc biệt, đòi hỏi sự thay đổi, xoay chuyển và thích nghi mạnh mẽ trong chiến lược ở từng doanh nghiệp, cao hơn là ở tầm quốc gia.

Tinh thần xuyên suốt tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vừa diễn ra đều nhấn mạnh đến nội lực, ý chí và bản lĩnh để vượt qua những thách thức rất lớn phía trước. Lịch sử hoạt động của nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy, họ đã từng phải đối mặt với rất nhiều gian truân, nhưng đã vượt qua và vươn lên phát triển mạnh mẽ, khẳng định tên tuổi trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong góc nhìn của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), hàng rào thuế quan sẽ xây dựng bức tranh mới về tiêu chuẩn hàng hóa toàn cầu, làm thay đổi cục diện sản xuất ở nhiều khu vực. Trên cơ sở đó, mỗi doanh nghiệp cần phân tích rất kỹ và chọn con đường thích phù hợp. Chính cơ hội này sẽ giúp Việt Nam tăng cường sự tự chủ, tăng sức mạnh nội tại, giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn. Ông Tâm tin tưởng, với tinh thần chăm chỉ và ý chí quật cường, Việt Nam nhất định sẽ vươn lên.

Còn giới chuyên gia kỳ vọng, nếu ngày 30/4/1975 là cột mốc lịch sử khi giang sơn thu về một mối thì sau 50 năm, hiện là thời khắc cần giải phóng tư duy chính sách, “cởi trói” về thủ tục pháp lý, để từ đó tạo ra các động lực tăng trưởng mới của đất nước, để người dân, doanh nghiệp tiến lên.

Trong bài viết mới đây nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những thông điệp đem đến kỳ vọng và sự tự tin cho cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư. “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó lường, Việt Nam cần phải có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo, không để bị cuốn vào những vòng xoáy địa chính trị hay rơi vào thế bị động trước các xung đột quốc tế. Mỗi khúc quanh của lịch sử thế giới đều có thể trở thành cơ hội hoặc thách thức lớn cho các quốc gia nhỏ nếu chuẩn bị tốt hoặc không tốt nội lực. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường.

Kỷ nguyên mới mà chúng ta đang bước tới - với công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững - đòi hỏi phải có tư duy mới, mô hình phát triển mới, con người mới. Dân tộc Việt Nam chưa từng lùi bước trước gian nan, khó khăn, thách thức. Vấn đề là chúng ta có đủ dũng khí để thay đổi, đủ ý chí để vươn lên, và đủ đoàn kết để biến khó khăn thành động lực phát triển hay không”.

Tự lực, tự cường với một tư duy và mô hình phát triển mới cũng là kim chỉ nam phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều nhiễu động như hiện nay.

Tin bài liên quan