Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE): Rủi ro từ câu chuyện kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong hơn 1 tháng qua, dòng tiền dồi dào trên thị trường chứng khoán chảy vào các cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng, dù cơ sở chưa rõ ràng nhưng cũng đủ để đẩy giá cổ phiếu tăng vọt mà Công ty cổ phần Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE) là một ví dụ.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

BCE sẽ bán đấu giá 5 triệu cổ phiếu ngày 27/1/2021 với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động tối thiểu 50 tỷ đồng, sử dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện các hợp đồng hợp tác đầu tư - kinh doanh đã ký kết.

Trong giai đoạn dòng tiền đầu tư dễ dãi, nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu BCE có thể tiếp nối đà tăng giống hai doanh nghiệp tương đồng trước đó là Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) và Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC).

Đầu tháng 12/2020, cổ phiếu BCE được giao dịch quanh mức 9.500 đồng/cổ phiếu, nhưng tới ngày 14/1/2021 đã tăng lên 19.250 đồng/cổ phiếu, tăng 103%.

(Nguồn: FireAnt)

(Nguồn: FireAnt)

Điểm tương đồng của cả ba doanh nghiệp IJC, TDC và BCE đều có công ty mẹ là Becamex, hoạt động ở Bình Dương và đồng loạt thực hiện đấu giá trên HOSE. Trong đó, đấu giá của IJC đã thành công và huy động được hơn 1.000 tỷ đồng dùng để phát triển dự án, bổ sung vốn lưu động. Giới đầu tư kỳ vọng, TDC và BCE sẽ tiếp bước đấu giá thành công.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, BCE có tình hình kinh doanh kém hơn hai doanh nghiệp kia nhiều. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, chủ yếu tại địa bàn tỉnh Bình Dương và các vùng lân cận.

BCE đang thi công các công ty trình cho công ty mẹ Becamex như toà nhà văn phòng Becamex Tower, Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương, Trung tâm hội nghị - triển lãm tỉnh Bình Dương, cao ốc New Horizon, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, nhà biệt thự khu Trung tâm thương mại Mỹ Phước 2…

Tính tới 31/12/2020, BCE có 938,4 tỷ đồng tài sản, trong đó 742,8 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn, chiếm 79,1%; tồn kho 135,7 tỷ đồng, chiếm 14,5%. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tồn kho có 135,6 tỷ đồng là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang. Đối với khoản mục phải thu ngắn hạn, có 531,8 tỷ đồng phải thu các khách hàng khác, 149,2 tỷ đồng phải thu dài hạn các khách hàng mua bất động sản.

Như vậy, cơ cấu tài sản của BCE nghiêng về tài sản bên ngoài từ các đối tác, trong khi các dự án doanh nghiệp đang triển khai chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ, điều này trái ngược so với IJC và TDC.

Tại TDC, tính tới 30/9/2020, doanh nghiệp có 2.435,9 tỷ đồng tồn kho, 2.413,5 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, hai khoản mục này chiếm 82,7% tổng tài sản. Theo thuyết minh, đây chủ yếu là các dự án bất động sản mà doanh nghiệp đang triển khai và sẽ khai thác trong những năm tới.

Tương tự, tại IJC, tính tới 30/9/2020, doanh nghiệp có 3.629,9 tỷ đồng tồn kho, 397,7 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, hai khoản mục này chiếm 62,3% tổng tài sản, chủ yếu là các dự án bất động sản mà doanh nghiệp đang sở hữu và có thể triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, IJC quản lý dự án BOT Quốc lộ 13, năm 2019 ghi nhận 285,9 tỷ đồng doanh thu, 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận 194,8 tỷ đồng doanh thu, hoạt động thu phí khá ổn định.

Mặc dù có nét tương đồng, nhưng chất lượng tài sản và quy mô các dự án bất động sản của BCE kém hơn so với TDC và IJC. Đáng lưu ý là hoạt động xây lắp liên quan tới công ty mẹ Becamex sẽ bị ảnh hưởng nếu BCE bán đấu giá cổ phần thành công mà Becamex không tham gia, khiến tỷ lệ sở hữu giảm từ 51,82% về 44,43%. Điều này đồng nghĩa với việc BCE từ công ty con thành công ty liên kết của Becamex nên những ưu tiên xây dựng dự án như trước dự kiến sẽ không còn.

Tin bài liên quan