Phiên thảo luận tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung” do VBA tổ chức ngày 27/3/2025 quy tụ các đại diện cơ quan quản lý nhà nước (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cùng lãnh đạo các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia quốc tế.

Phiên thảo luận tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung” do VBA tổ chức ngày 27/3/2025 quy tụ các đại diện cơ quan quản lý nhà nước (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cùng lãnh đạo các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghệ và chuyên gia quốc tế.

Xây khung pháp lý tài sản mã hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đã chính thức định danh tài sản mã hóa trong Luật Công nghiệp công nghệ số, trở thành một trong những quốc gia tiên phong đặt nền móng pháp lý cho thị trường tài chính số.

Trong kỷ nguyên số, nơi giá trị được tái định nghĩa thông qua công nghệ và dữ liệu trở thành tài sản chiến lược, tài sản mã hóa đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một công cụ đầu tư mới nổi để trở thành cấu phần quan trọng trong hạ tầng kinh tế số toàn cầu.

Theo thống kê từ RWA.xyz và Chainalysis, đến cuối năm 2024, có hơn 562 triệu người trên toàn thế giới sở hữu tài sản mã hóa, tương đương gần 7% dân số toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng người dùng trung bình đạt gần 33%/năm, vượt xa mức tăng trưởng của hệ thống tài chính truyền thống. Thị trường tài sản mã hóa toàn cầu được định giá gần 2.600 tỷ USD và theo dự báo của BCG, có thể đạt tới 19.000 tỷ USD vào năm 2033.

Trong bức tranh đó, các sàn giao dịch tài sản mã hóa đóng vai trò là trụ cột của hệ sinh thái. Đây là nơi diễn ra các hoạt động niêm yết, lưu ký, định giá và trao đổi giá trị theo cách phi biên giới, nhưng minh bạch và có thể truy vết.

Theo dữ liệu từ CoinGecko, tính đến giữa năm 2025, có khoảng 820 sàn giao dịch tài sản mã hóa trên thế giới, nhưng hơn 90% trong số này chưa được cấp phép đầy đủ. Nhiều sàn hoạt động xuyên quốc gia, sử dụng cấu trúc pháp lý phức tạp để lách quy định địa phương.

Sự thiếu vắng hành lang pháp lý rõ ràng đã dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, như vụ JPEX tại Hồng Kông (Trung Quốc) gây thiệt hại hơn 150 triệu USD, hay các vụ lừa đảo DeFi lên tới hàng tỷ USD mỗi năm.

Tại Việt Nam, thị trường tài sản mã hóa ghi nhận tốc độ phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Theo báo cáo của Triple A, năm 2024, Việt Nam có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, đứng thứ 5 toàn cầu về số lượng người dùng. Dữ liệu từ báo cáo của Chainalysis cũng cho thấy, tổng khối lượng giao dịch tài sản mã hóa trong 2 năm gần nhất tại Việt Nam ước tính vượt 105 tỷ USD, trong đó lợi nhuận ròng đạt gần 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, phần lớn giao dịch vẫn diễn ra trên các sàn quốc tế nằm ngoài phạm vi quản lý, không tạo được nguồn thu thuế nội địa và tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc thao túng thị trường.

Pháp lý định danh tài sản mã hóa: Từ khoảng trống đến nền tảng chiến lược

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số vào ngày 14/6/2025 đánh dấu một bước ngoặt thể chế quan trọng. Đây là lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tài sản mã hóa được chính thức định danh và đưa vào điều chỉnh bằng công cụ luật định.

Từ trạng thái không tên, không địa vị pháp lý, tài sản mã hóa đã được xác lập là một loại hình tài sản đặc thù, có thể điều chỉnh bằng các quy định cụ thể. Đây là tiền đề để thiết lập một hệ sinh thái tài chính số minh bạch, an toàn và có khả năng kiểm soát.

Bà Nguyễn Vân Hiền - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhìn nhận, việc tài sản số lần đầu tiên được khẳng định là một loại tài sản trong Bộ luật Dân sự là bước ngoặt thể chế mang tính nền tảng.

Đây không chỉ là một thay đổi về mặt khái niệm, mà còn mở ra hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh các hành vi dân sự như chuyển nhượng, thừa kế và giao dịch tài sản số theo quy định của pháp luật.

Theo bà Hiền, việc công nhận tài sản mã hóa là hợp pháp không những tạo cơ sở để bảo vệ nhà đầu tư và xử lý các hành vi vi phạm, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo một cách chính danh.

Lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tài sản mã hóa được định danh và đưa vào điều chỉnh bằng công cụ luật định.

Chỉ 2 ngày trước đó, vào ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg, lần đầu tiên đưa các loại tài sản số, tiền số, tiền mã hóa vào Danh mục công nghệ chiến lược quốc gia.

Cùng với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, bán dẫn và robot công nghiệp, tài sản mã hóa được xếp ngang hàng như một công nghệ cốt lõi, có vai trò quan trọng trong cấu trúc hạ tầng số và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sự kết hợp giữa Luật Công nghiệp công nghệ số và Quyết định 1131/QĐ-TTg đã đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng “chấp nhận ngầm” tài sản mã hóa, chuyển sang “công nhận chính thức” trong khuôn khổ pháp lý.

Điều này mở đường cho việc xây dựng chính sách thuế, cơ chế cấp phép, quy định lưu ký và thiết lập hệ thống giám sát giao dịch minh bạch, tạo tiền đề cho sự hình thành các sàn giao dịch tài sản mã hóa hợp pháp tại Việt Nam.

Từ kinh nghiệm quốc tế đến lộ trình triển khai tại Việt Nam

Để đưa pháp lý vào thực tiễn, bài toán tiếp theo đặt ra là thiết kế thể chế và hạ tầng giám sát đủ mạnh - một điều mà các thị trường đi trước đã có nhiều bài học hữu ích.

Chẳng hạn, tại Hồng Kông (Trung Quốc), từ tháng 6/2023, chính quyền đặc khu đã cấp phép cho các sàn như HashKey và OSL hoạt động hợp pháp, đi kèm yêu cầu kiểm toán định kỳ, bảo vệ tài sản khách hàng và thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền nghiêm ngặt.

Sau vụ việc JPEX, Hồng Kông tiếp tục siết chặt quản lý bằng dự thảo luật riêng cho stablecoin, trong đó quy định tỷ lệ dự trữ 1:1 và kiểm toán bán niên.

Thái Lan cũng đang theo đuổi cách tiếp cận kết hợp giữa kiểm soát nền tảng quốc tế và khuyến khích đổi mới trong nước. Từ năm 2024, chính phủ nước này miễn thuế VAT 7% cho các giao dịch tài sản mã hóa thực hiện qua sàn được Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SEC) cấp phép.

Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến hết năm 2029, thu nhập từ giao dịch tài sản mã hóa cá nhân cũng được miễn thuế nếu thực hiện qua các nền tảng hợp pháp. Đây là chiến lược vừa khuyến khích sự phát triển nội lực, vừa đảm bảo giám sát xuyên biên giới.

Từ phía doanh nghiệp trong nước, đại diện Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho biết, đã thử nghiệm hiển thị giá tài sản mã hóa như Bitcoin và Ethereum trên nền tảng TCInvest từ đầu năm 2025.

Kết quả ghi nhận sự gia tăng đáng kể về lượng truy cập và tương tác từ nhà đầu tư cá nhân, cho thấy nhu cầu thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, để triển khai các sản phẩm như trái phiếu dạng token hay giao dịch theo thời gian thực với cơ quan giám sát, vẫn cần một hành lang pháp lý rõ ràng và hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng để nghiên cứu hệ thống cảnh báo rủi ro tương tự danh sách giám sát của các ủy ban chứng khoán quốc tế. Việc công khai các dự án tiềm ẩn rủi ro sẽ góp phần nâng cao năng lực tự bảo vệ của cộng đồng và gia tăng sự minh bạch cho thị trường.

Tài sản mã hóa chỉ thực sự phát triển bền vững khi được đặt trong một khung pháp lý có khả năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, minh bạch và thúc đẩy sáng tạo.

Luật Công nghiệp Công nghệ số là bước đi đầu tiên, nhưng để khung pháp lý trở thành nền tảng chiến lược, thay vì chỉ là “rào chắn kỹ thuật”, Việt Nam cần những bước tiến dứt khoát, chủ động và dẫn dắt thị trường.

Trong kỷ nguyên mà công nghệ đang chạy với tốc độ của dữ liệu, vai trò của pháp luật là thiết kế lộ trình và lộ trình đó nếu đi đúng hướng sẽ giúp Việt Nam chuyển mình từ người tham gia thị trường, thành người định hình luật chơi toàn cầu.

Tin bài liên quan