Chuyển hướng sang các công trình công nghiệp và hạ tầng là lối đi tỏ ra hiệu quả với Hòa Bình.

Chuyển hướng sang các công trình công nghiệp và hạ tầng là lối đi tỏ ra hiệu quả với Hòa Bình.

Xem Hòa Bình (HBC) xoay xở

Thị trường bất động sản khó khăn khiến các doanh nghiệp xây dựng phải liên tục xoay trở để tìm lợi nhuận. Nhiều đơn vị đã “ló cái khôn" trong gian khó.

Điểm yếu của các doanh nghiệp xây dựng là nợ vay cao và dòng tiền bị kẹt ở khoản phải thu lớn. Hòa Bình cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, trước khi giải bài toán gia tăng lợi nhuận, Công ty phải tìm cách lưu thông dòng tiền. Chuyển hướng sang các công trình công nghiệp và hạ tầng là lối đi tỏ ra hiệu quả với Hòa Bình trong giai đoạn vừa qua.

Thêm vùng, chuyển mũi nhọn

 

Đầu tiên, Hòa Bình chủ trương chuyển dần địa bàn ra miền Bắc và miền Trung, nơi có nhiều cơ hội nhưng ít cạnh tranh hơn thị trường TP.HCM. Ngoài ra, Công ty giảm tỉ lệ xây dựng công trình nhà ở và chuyển sang các công trình công nghiệp, chuyên sâu hơn ở các lĩnh vực xây dựng y tế, giáo dục và du lịch. Ông Võ Đắc Khôi, Giám đốc Chiến lược của Hòa Bình, cho biết các dự án công nghiệp và hạ tầng Hòa Bình đang thực hiện chủ yếu là chủ đầu tư đặt hàng trước và thanh toán tiền thi công nhanh.

 

Hòa Bình đã trúng thầu xây dựng các bệnh viện lớn như bệnh viện An Giang, bệnh viện Tâm Trí các khu vực Đồng Tháp, Nha Trang, Đà Nẵng… Hiện Hòa Bình cũng sắp bàn giao một công trình giáo dục ở Đà Nẵng và nhà máy dệt nhuộm ở Hòa Bình. Theo ông Khôi, doanh thu của Công ty hiện nay ở miền Nam chỉ còn 50%, phần còn lại đến từ miền Bắc và miền Trung.

 

Hòa Bình còn phải đối mặt với áp lực khoản phải thu lớn. Khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình trong giai đoạn 2009-2011 tăng bình quân gần gấp đôi mỗi năm. Năm 2012 tuy có giảm tốc nhưng cũng tăng đến 70% so với năm trước. Bà Trịnh Thị Ngọc Điệp, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Maybank-KimEng, đánh giá việc chuyển hướng có thể giúp Hòa Bình giải tỏa dòng tiền và tăng doanh thu. Doanh thu thuần của Hòa Bình 6 tháng đầu năm 2013 đã tăng 40% so cùng kỳ năm rồi. Tuy nhiên tỉ suất lợi nhuận gộp/doanh thu của lĩnh vực này thấp hơn xây dựng nhà ở.

 

Xem Hòa Bình (HBC) xoay xở ảnh 1Kết quả kinh doanh của HBC đã có sự cải thiện đáng kể

 

Giải quyết vấn đề dòng tiền thôi chưa đủ, Hòa Bình còn phải giải được bài toán làm sao tăng tỉ suất lợi nhuận mới có thể làm yên lòng cổ đông. Nhất là khi lãi vay đang ăn quá nhiều vào lợi nhuận. Lãi vay của Công ty đã tăng lần lượt gấp đôi và gấp 3 lần trong năm 2010 và 2011. Đến năm 2012 mới giảm nhiệt xuống còn ở mức tăng 10% so với năm 2011. Đáng nói, nếu không có lãi vay, Hòa Bình có thể mang về cho cổ đông mức lợi nhuận sau thuế gấp đôi con số hiện có.

 

Và lời giải của Hòa Bình chính là xuất ngoại.

 

Dò dẫm xuất ngoại

 

Hồi cuối năm 2012, Công ty Chứng khoán Nikko có trụ sở tại Indonesia đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Hòa Bình. Ngoài việc rót 10 triệu USD mua 10 triệu cổ phần HBC, Nikko cũng hỗ trợ Hòa Bình phát triển kinh doanh tại Indonesia. Tuy nhiên ông Khôi cho biết, dự kiến đến đầu năm 2014, Hòa Bình mới chính thức thành lập công ty và bắt tay kinh doanh tại thị trường này.

 

Malaysia theo đánh giá của Hòa Bình cũng là thị trường nhiều tiềm năng. Công ty đã bước chân vào thị trường này từ 2 năm trước. Tuy nhiên, hoạt động của Hòa Bình tại đây cũng mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò. Thị trường trọng điểm Hòa Bình nhắm tới chính là Myanmar .

 

Vào Myanmar chính thức từ tháng 10.2012, Hòa Bình nhanh chóng giành được hợp đồng lớn và được đối tác hỗ trợ rất nhiều. Myanmar cũng giống như Việt Nam ở giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế. Các dự án lớn chưa nhiều và là mảnh đất màu mỡ cho các công ty nước ngoài như Hòa Bình. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ các doanh nghiệp trong nước của Myanmar không cho phép các công ty xây dựng nước ngoài như Hòa Bình giữ 100% vốn.

 

Trước rào cản này, đối tác đã đứng ra hỗ trợ Hòa Bình rất nhiều. Không chỉ hỗ trợ Hòa Bình trên danh nghĩa liên doanh, đối tác còn giúp Công ty có được hợp đồng đầu tiên tại Myanmar . Hiện Hòa Bình đang quản lý thi công cho dự án chung cư 21 tầng với diện tích xây dựng khoảng 100.000 m2.

 

Bên cạnh đó, cùng với xây dựng, Hòa Bình còn mở thêm công ty tư vấn triển khai thi công xây dựng. Đây là lĩnh vực mà Myanmar cần đến chất xám của các doanh nghiệp nước ngoài nên cho phép giữ 100% vốn. Ông Khôi cho biết, hoạt động này sẽ mang về cho Hòa Bình 4 - 4,5% tổng giá trị xây dựng, gần gấp đôi mức lợi nhuận từ hoạt động chính ở Việt Nam.

 

Mạnh dạn tiến ra nước ngoài được xem là một bước đột phá giúp Hòa Bình khai phá cơ hội gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, rủi ro mà Hòa Bình đối mặt cũng không phải ít.

 

Giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư tại TP.HCM cho biết, Myanmar là thị trường rất mới, cần thời gian tìm hiểu. Sắp tới, cơ hội đầu tư có thể khả quan nhưng áp lực cạnh tranh rõ ràng sẽ rất lớn. “ Myanmar được nhiều công ty lớn trên thế giới dòm ngó. Nói đâu xa, Thái Lan sẽ là đối thủ đáng gờm đầu tiên vì gần Myanmar hơn Việt Nam và chi phí cũng thấp hơn”, vị này đánh giá.

 

Đầu tư ra nước ngoài luôn tồn tại nhiều thách thức. Ngoài chuyện vận chuyển thiết bị thì các khoản thù lao bù đắp cho nhân sự chấp nhận ra nước ngoài cũng làm chi phí chung của công ty tăng lên. Trong khi đó, để có được hợp đồng mới trong tương lai trong hoàn cảnh “lạ nước lạ cái”, chắc chắn Hòa Bình sẽ phải mất một khoản cho phía đối tác. Đó cũng là yếu tố khiến tỉ suất lợi nhuận không được như Hòa Bình đã tính toán trước đó, vị này nói.

 

Trước mắt, dự án đầu tiên tại Myanmar với vai trò quản lý thi công, có thể mang về cho Hòa Bình một khoản lợi nhuận tương đối. Chi phí xây dựng dự án cao cấp ở Việt Nam vào khoảng 9–14 triệu đồng/m2. Như vậy, giá trị dự án sẽ vào khoảng 1.000 tỉ đồng nếu tạm tính mức trung bình 10 triệu đồng/m2. Với tỉ suất lợi nhuận ước tính trước đó, Hòa Bình có thể thu về 40-45 tỉ đồng. Tính trên thời gian thi công khoảng 2 năm thì mỗi năm, trừ chi phí, Hòa Bình có thể thu về lợi nhuận ròng trên dưới 20 tỉ đồng. Con số này chỉ bằng 1/7 lợi nhuận ròng hàng năm của Công ty nhưng sẽ là đáng kể nếu nhìn vào sự khó khăn của thị trường trong nước.

 

Dù vậy, Hòa Bình vẫn xem thị trường trong nước là địa bàn chủ lực. Công ty kỳ vọng sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Hòa Bình có thể mở rộng hoạt động nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam gia tăng. Hiện tại, Hòa Bình đang tranh thủ trao đổi các điều kiện hợp tác với các đối tác tiềm năng như Canada , Nhật, Mỹ.