Xóa bỏ tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư công

Xóa bỏ tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư công

(ĐTCK) “Các quy định hiện hành về quản lý đầu tư công được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, không đầy đủ, thiếu cụ thể và chắp vá, gây khó khăn cho việc áp dụng và thi hành”.

Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra khi cho rằng cần sớm phải xây dựng và ban hành Luật Đầu tư công.

Cấp bộ sẽ không làm chủ đầu tư

Tại buổi họp góp ý Dự thảo Luật Đầu tư công tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết, Dự thảo Luật Đầu tư công quy định, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp không trực tiếp làm chủ đầu tư, trừ dự án đầu tư xây dựng cơ sở của cơ quan và các trường hợp đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đối với cấp xã ở nơi không có điều kiện tổ chức các đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng, khai thác dự án, UBND xã có thể làm chủ đầu tư khi được người có thẩm quyền chấp thuận.

Góp ý vào quy định trên, ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, thực tế hiện nay, ai cũng có thể làm chủ đầu tư. “Bộ Giao thông Vận tải đang có chủ trương Bộ làm chủ đầu tư trực tiếp để thúc đẩy tiến độ dự án, nếu quy định như thế này thì sẽ có vướng mắc lớn”, ông Viên nói và kiến nghị Dự thảo Luật chỉ nên ghi chủ đầu tư là đối tượng được Nhà nước giao vốn.

Tuy nhiên ông Tự lý giải, quy định như Dự thảo Luật là để đảm bảo tách biệt chức năng quản lý nhà nước (người có thẩm quyền quyết định đầu tư) và chức năng quản lý dự án (chủ đầu tư) của các cơ quan nói trên, tránh tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư (vừa tự quyết định đầu tư, vừa tự kiểm tra mình...). Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định, đối với các cơ quan, địa phương có nhiều dự án đầu tư công chuyên ngành, được thành lập Ban quản lý dự án chuyên nghiệp để quản lý đồng thời một số dự án theo từng chuyên ngành.

“Trước đây, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ hai phương án là bộ, cơ quan ngang bộ làm chủ đầu tư hoặc không làm chủ đầu tư; các thành viên Chính phủ đều đã cho ý kiến nhất trí bộ, cơ quan ngang bộ không làm chủ đầu tư”, ông Tự cho biết.

Làm rõ trách nhiệm người ra quyết định đầu tư

Qua tổng hợp hoạt động đầu tư công trong thời gian gần đây, ông Tự cho biết, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án không phù hợp, không hiệu quả được coi là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí vốn nhà nước. Chính vì vậy, Dự thảo Luật đã quy định theo hướng làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương (là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chủ tịch UBND các cấp) và quyết định đầu tư; người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cần xem xét, cân nhắc việc đầu tư dự án phù hợp với kế hoạch, quy hoạch, đảm bảo  hiệu quả và nguồn lực thực hiện.

Đồng thời, quy định rõ về quy trình xin chủ trương đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án quan trọng quốc gia và dự án đầu tư công nhóm A, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B). Trường hợp dự án đầu tư công có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp trên, phải có thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền cân đối nguồn vốn này trước khi người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Với nguyên tắc cần kiểm soát chặt chẽ việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án có quy mô lớn, Dự thảo Luật quy định, đối với dự án nhóm A, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để quyết định chủ trương đầu tư dự án sau khi xin ý kiến của các bộ, ngành quản lý tổng hợp.

Không đồng tình với quy định trên, ông Viên cho rằng, việc chia trách nhiệm trong phê duyệt chủ trương đầu tư nhóm A, B theo Dự thảo Luật sẽ làm kéo dài thêm thời gian. Điều này sẽ rất khó thực hiện đối với các ngành sản xuất vật chất, cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Ông Viên đề nghị giữ nguyên như quy định hiện nay, nếu cần thì chỉ làm với nhóm A.

“Bộ trưởng có thể ủy quyền cho cấp dưới phê duyệt, không phân biệt dự án nhóm nào”, ông Viên nói và cho biết gần đây, Bộ Giao thông Vận tải chỉ phê duyệt dự án đầu tư, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm phê duyệt dự toán, không được vượt tổng mức đầu tư. Theo ông Viên, đây là hình thức phân cấp tiến bộ, không nên thu về Bộ phê duyệt dự toán mà Bộ chỉ quản dự án.

Trong khi đó, ông Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phản ánh, qua thực tế làm thanh tra xây dựng, các dự án sử dụng vốn ngân sách thường thất thoát lãng phí nhiều, chủ yếu ở phần tổ chức thực hiện như chủ trương đầu tư, thiết kế, đấu thầu… Vì vậy, ông Sơn cho rằng, quy định như Dự thảo Luật là phù hợp và giải quyết được những tồn tại, bất cập từ nhiều năm nay trong đầu tư công.