Xử chậm, hủy chuyến bay chưa làm giảm câu “xin lỗi”

Xử chậm, hủy chuyến bay chưa làm giảm câu “xin lỗi”

Tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không nội địa vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, bất chấp những nỗ lực của Cục Hàng không Việt Nam.

Chuyển biến nhưng chậm

Đây là đánh giá của ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam  (CHKVN) sau hơn nửa tháng cơ quan quản lý nhà nước này triển khai các biện pháp kiểm tra, rà soát những bất cập của các hãng hàng không, đơn vị quản lý cảng hàng không để khắc phục tình trạng chậm, hủy tại ba sân bay lớn là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.

Cụ thể, nếu như trước tháng 7/2014, tỷ lệ chậm, hủy chuyến trung bình là gần 25%, thì đến cuối tháng 7/2014, tỷ lệ này vẫn ở mức hơn 20%.

Tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, sau khi áp dụng các biện pháp nóng, như mở sớm các quầy làm thủ tục; tăng cường trang, thiết bị phục vụ mặt đất…, tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không nội địa chỉ giảm được 9% trong thời gian 10 ngày (từ 22/7 đến 30/7).  Cụ thể, Vietnam Airlines giảm từ 28,3% còn 18,06%; Jetstar Pacific giảm từ 30% xuống 22,47%, Vietjet Air giảm từ 47% còn 38,4%. Trong số này, nguyên nhân máy bay về muộn chiếm 59-62% số lý do chậm, hủy chuyến.

Con số này vẫn còn một khoảng cách rất xa so với yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng là tỷ lệ các chuyến bay đúng giờ phải đạt trên 90%.

Được biết, sau khi tổ chức các đoàn “ăn chực, nằm chờ” để kiểm tra, giám sát bay, CHKVN đã liên tục yêu cầu các hãng hàng không thực hiện một loạt biện pháp nhằm tối ưu hóa quá trình khai thác bay; bố trí lại hệ thống dịch vụ mặt đất, tăng cường cơ sở, thiết bị tại 3 sân bay lớn.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia hàng không, những giải pháp này dường như chưa “chạm” được những vấn đề cốt lõi của tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

“Một số hãng hàng không do số lượng tàu bay hạn chế, chưa có tàu bay dự bị, nên chỉ cần một chuyến bay về muộn là có thể kéo theo hàng chục chuyến bay khác bị chậm theo”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Cảng Vụ hàng không miền Bắc nhận xét và cho biết thêm, một nguyên nhân chính khác gây ra tình trạng chậm chuyến là, các tàu bay chưa bao giờ đạt được thời gian quay đầu 30 phút như kế hoạch. Tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, thời gian quay vòng tàu bay nhanh nhất cũng phải mất đến gần 50 phút.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại một số sân bay, trong đó nổi cộm là Tân Sơn Nhất bị quá tải trầm trọng là những yếu tố rủi ro ảnh hưởng ngoài tầm kiểm soát của các hãng hàng không.

Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, hiện sân bay có 47 chỗ đỗ, nhưng chỉ khai thác 38 chỗ, số còn lại dành cho các trường hợp khẩn nguy và máy bay đậu qua đêm. “Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa đưa, đón 20 triệu lượt khách/năm, nhưng năm 2013 đã vượt con số này khiến hạ tầng quá tải, gây ùn ứ khách làm thủ tục”, ông Tú thừa nhận.

Điều đáng chú ý là, dù chưa nhận được sự thống nhất của các hãng, nhưng lần đầu tiên, Cảng Vụ hàng không miền Bắc thừa nhận, đã có một số chuyến bay vì lý do thiếu tàu bay hoặc hành khách đi ít không đảm bảo hiệu quả khai thác, nên các hãng hàng không đã hủy chuyến bay, dồn, chuyển khách sang các chuyến bay thương mại khác.

Siết chặt quy định bồi thường

Trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của CHKVN vào cuối tuần trước, ông Dương Trí Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines đã đề xuất được thay đổi thời gian tối thiểu đóng quầy làm thủ tục check-in chuyến bay nội địa từ 30 phút trước giờ cất cánh như hiện nay lên 40 phút để các đơn vị phục vụ có đủ thời gian chuẩn bị. Với việc cửa ra máy bay (gate) sẽ đóng trước giờ khởi hành 15 phút so với 10 phút đang áp dụng, hành khách phải có mặt tại quầy làm thủ tục sớm hơn 10 phút so với hiện nay.

“Để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến hiện nay, bên cạnh nỗ lực của các hãng hàng không, thì hành khách đi tuyến nội địa cũng nên đến sân bay 2 tiếng trước khi khởi hành”, ông Thành nói. Đề xuất này về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận cao của lãnh đạo CHKVN.

Theo lãnh đạo CHKVN, cùng với việc kêu gọi sự hợp tác từ hành khách,  điều mà các hãng hàng không cần làm ngay chính là việc thay đổi thái độ ứng xử khi để xảy ra chậm, hủy chuyến.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng vừa yêu cầu CHKVN, Công ty Bay dịch vụ hàng không và các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific thực hiện nghiêm và giám sát việc thực hiện trách nhiệm của hãng hàng không với khách bị chậm, hủy chuyến.

Cụ thể, ngay trong tháng 8/2014, CHKVN phải xây dựng Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, theo hướng tăng thêm mức bồi thường này.

Tin bài liên quan