Cần xem xét kỹ lưỡng hành vi đó có mang tính phổ biến và cần thiết phải xử lý hình sự hay không

Cần xem xét kỹ lưỡng hành vi đó có mang tính phổ biến và cần thiết phải xử lý hình sự hay không

Xử hình sự tội làm giả hồ sơ niêm yết chứng khoán: Cân nhắc kỹ

(ĐTCK) Lần đầu tiên đề xuất xử lý hình sự đối với tội làm giả hồ sơ, tài liệu để chào bán, niêm yết chứng khoán được bổ sung vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi. Cho ý kiến về nội dung mới này, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải cân nhắc kỹ.

Mức phạt nặng nhất là phạt tiền 5 tỷ đồng hoặc phạt tù 7 năm​

Ngoài 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán đã được quy định tại BLHS hiện hành là: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán, dự thảo BLHS sửa đổi vừa được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường bổ sung 1 tội danh mới là tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.

Với tội danh trên, Ban soạn thảo đề xuất chế tài xử lý như sau: người nào làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, hoặc gây thiệt hại vật chất cho NĐT với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp đối tượng phạm tội thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên; có tổ chức; gây thiệt hại vật chất cho NĐT với số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tiền từ 2 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.

Cho ý kiến về nội dung mới trên, đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, việc hình sự hóa đối với một số hành vi nguy hiểm cho xã hội mới phát sinh là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng hành vi đó có mang tính phổ biến và cần thiết phải xử lý hình sự hay không.

“Để đảm bảo tính thống nhất của chính sách hình sự, tránh chồng chéo với các quy định hiện hành, đề nghị cân nhắc việc hình sự hóa một số tội danh mới như tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán”, ông Tính nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cũng có quan điểm như trên.

Ủng hộ quy trách nhiệm hình sự pháp nhân

Một điểm mới nữa của dự thảo BLHS sửa đổi là lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán gồm: cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá TTCK.

Rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với nội dung trên. Đại biểu Quốc hội Trần Xuân Hùng (Hà Nam) nhất trí với việc quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như Dự thảo. Tuy nhiên, cần lưu ý, trong số các hình phạt chính trong Dự thảo, hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đã được quy định tại Điều 21, Khoản 1, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nếu quy định như Dự thảo, có thể hiểu rằng, một pháp nhân vi phạm vừa bị xử lý về mặt hành chính, vừa có thể bị xử lý về mặt hình sự. Điều này trái với nguyên tắc Hiến định, trái với nguyên tắc một hành vi phạm tội bị xử lý một lần bằng một hình thức được quy định ngay trong BLHS.

Vì vậy, cần cân nhắc loại hình phạt này để tránh hình sự hóa quan hệ hành chính, tránh sự lạm dụng của cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng điều luật làm ảnh hưởng đến hoạt động của pháp nhân, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

“Truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phải là vấn đề mới, trên thế giới có 119/173 nước đã quy định vấn đề này từ lâu trong luật hình sự. Việt Nam đã nghiên cứu vấn đề này từ khi xây dựng BLHS năm 1985. Trong suốt 30 năm qua, đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Tuy nhiên, về phương diện lý luận, việc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự không có gì phải bàn cãi”, ông Hùng nói.

Nhiều đại biểu Quốc hội khác như: Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), Trương Trọng Nghĩa và Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cũng đồng tình với việc quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

“Nếu có hành vi phạm pháp xảy ra, pháp nhân gây thiệt hại mà chỉ trừng phạt riêng người có hành vi phạm tội, thì không công bằng, bởi vì họ phải gánh chịu cả tội của người khác”, ông Đương nói và cho biết: “Trong thực tế, các nước quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài vi phạm luật thì bị xử lý hình sự. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vi phạm luật lại xử lý hành chính. Người ta không xử tù, xử bắn pháp nhân, mà hình phạt các nước áp dụng chính là đình chỉ hoặc cấm hoạt động, phổ biến nhất là phạt tiền. Nếu cùng hành vi vi phạm như cá nhân thì pháp nhân bị phạt tiền rất nặng”.  

Tin bài liên quan