Những căn nhà “siêu nhỏ” trên đường Bùi Đình Túy. Ảnh: Việt Dũng

Những căn nhà “siêu nhỏ” trên đường Bùi Đình Túy. Ảnh: Việt Dũng

Xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”... siêu khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà “siêu mỏng, siêu méo” là “sản phẩm truyền thống” của việc phát triển đô thị quá nhanh tại các thành phố lớn và tới nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Cứ mở đường là xuất hiện

Ngôi nhà của bà T.T.Lan (60 tuổi) nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TP.HCM, nhưng nếu không tinh mắt thì khó có thể nhận ra đây là một căn nhà bởi diện tích chỉ khoảng 9 m2, nhưng lại là không gian sinh hoạt của 4 thành viên trong gia đình. Thấy phóng viên tới, bà Lan tế nhị mời ra ngoài vỉa hè ngồi nói chuyện… cho thoáng.

“Chú thông cảm, trong nhà chật hẹp, ẩm ướt, nói chuyện không tiện”, bà Lan mở lời và nói tiếp, nhà đông người nên gia đình phải làm thêm một cái gác xép để cất đồ, cũng là chỗ để nghỉ ngơi. Hôm nào trời mưa, không nấu ăn bên ngoài được thì cả gia đình phải đặt bếp nấu ngay đầu giường, nơi mấy bà cháu thường nằm ngủ. Trên gác xép, hôm nào chật chội quá thì hai đứa con đi làm theo ca sẽ hẹn lịch, thay phiên nhau về nhà ngủ.

Vì không gian quá chật hẹp nên các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cũng có phần éo le, khác thường, chẳng hạn nếu ai muốn tắm thì phải đóng kín cửa, những người khác buộc phải ra vỉa hè hoặc sang quán nước bên cạnh ngồi chờ. Vì không có nhà vệ sinh nên ban ngày sẽ phải tranh thủ dùng nhờ nhà vệ sinh nhà hàng xóm, hoặc sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở Công viên 23/9 hay dưới chân cầu Ông Lãnh.

Thậm chí còn nhỏ hơn là ngôi nhà của ông Võ Đình Toàn (65 tuổi) nằm trên mặt tiền đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) với diện tích vỏn vẹn 6 m2 và là nơi sinh sống của 5 người. Đêm xuống, ông và vợ lấy ghế xếp ra ngủ ở vỉa hè, nhường không gian trong nhà cho con gái và 2 cháu nhỏ.

“Nếu cả 5 người cùng nằm trong nhà thì không đủ chỗ chứa, mọi vật dụng đều để bên ngoài cửa, muốn đi vệ sinh, tắm rửa… thì ké hàng xóm, mỗi tháng trả 1 triệu đồng”, ông Toàn tâm sự và cho biết thêm, kể từ khi tuyến đường Bùi Đình Túy được mở rộng từ 5 m lên 12 m, căn nhà của ông bị cắt xéo còn như hiện tại. Do không thuộc diện đền bù, tái định cư, gia đình ông buộc phải bám víu ở đây, tìm đủ nghề kiếm sống.

Ghi nhận thêm từ tuyến đường này cho thấy, ngoài căn nhà của ông Toàn, còn có một số căn nhà “siêu nhỏ” khác và hầu hết được sử dụng để mở cửa hàng, ki-ốt buôn bán. Thậm chí, có căn nhà xây dựng mới trên phần diện tích còn lại sau giải tỏa chỉ 3,3 m2. Chủ nhà cho biết, do không có nhu cầu sử dụng nên đang rao bán với giá 1,3 tỷ đồng, tức gần 400 triệu đồng/m2.

TP.HCM hiện có hơn 1.000 căn nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Ảnh: Việt Dũng

TP.HCM hiện có hơn 1.000 căn nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Ảnh: Việt Dũng

Khó xử lý triệt để

Chẳng hạn, tại Hà Nội, năm 2016, UBND Thành phố ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND, trong đó nêu rõ chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Mới đây, năm 2022, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch 218/KH-UBND, trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh nhà, đất thuộc diện này ở hai bên đường, nhất là với những tuyến phố mới, các dự án mở đường. Thế nhưng, tại nhiều dự án mở đường, tuyến phố mới vẫn xuất hiện những căn nhà, mảnh đất chỉ vài mét vuông, làm mất mỹ quan đô thị.

Hay tại TP.HCM, hiện có hơn 1.000 căn nhà “siêu mỏng, siêu nhỏ” (diện tích dưới mức tối thiểu), tập trung ở các quận 1, 3 và 5. Trong đó, riêng đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 có hơn 30 căn, có căn chưa đầy 2 m2; đường Tân Hóa - Lò Gốm, quận 6 có 34 căn; đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, quận 10, quận Tân Bình) có 82 căn.

Một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đối với các căn nhà có diện tích nhỏ hơn 15 m2 sẽ không được cấp phép xây dựng và chỉ được phép cải tạo dựa trên hiện trạng có sẵn. Phần lớn những căn nhà này đều có nhiều người sinh sống với nhiều thế hệ. Về mặt quản lý nhà nước, chính quyền địa phương chỉ cấp số nhà, tiện ích điện, nước…, chứ chưa có chính sách hỗ trợ khác cho các gia đình sống tại những căn nhà diện tích nhỏ hơn quy định.

Để giải quyết vấn đề này, đầu tháng 9/2023, UBND TP.HCM đã ban hành quy định liên quan đến việc sử dụng các khu đất có diện tích nhỏ hẹp trên địa bàn Thành phố. Theo đó, đối với các thửa đất nhỏ hẹp có diện tích, kích thước, hình dạng không đủ tiêu chuẩn, UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã thực hiện kiểm tra, công bố công khai và thông báo cho người sử dụng đất liền kề để họ có ý kiến về việc sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp này cho mục đích công cộng hoặc cho thuê.

Quy định này nhận được ý kiến trái chiều, người đồng tình cho rằng, đây là giải pháp hợp lý, tránh thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước và có lợi cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước không nên thu hồi đất trong trường hợp này, bởi với diện tích còn lại dù nhỏ, chéo như thế nào, khi đã thực hiện giải tỏa xong là của người dân và theo lẽ thường, đây đều là những “miếng đất vàng”, nếu bắt buộc thu hồi mà không có sự đền bù thỏa đáng sẽ gây xung đột lợi ích.

Theo bà Mai Thanh Thảo - Phó giám đốc Bộ phận Ngân hàng và Dịch vụ doanh nghiệp, Savills Việt Nam, cần khuyến khích ưu tiên sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý vào mục đích công cộng. Nếu diện tích dư đủ lớn, Nhà nước có thể phát triển thành mảng cây xanh, hoặc làm sân tập thể dục nhỏ có lắp thiết bị bổ trợ, hoặc làm tủ sách thiếu nhi - sân sinh hoạt cộng đồng… giao cho chính quyền địa phương quản lý để đảm bảo công trình xanh - sạch - đẹp, là giá trị gia tăng nói riêng cho dân cư tại khu vực.

Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng, bà Thảo cho rằng, nên thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất với giá quyền sử dụng đất tiệm cận mức giá thị trường cho người sử dụng đất liền kề. Việc xác định mức giá giao đất nên được thực hiện khách quan bởi các công ty tư vấn thẩm định giá uy tín trên thị trường.

“Nếu phần đất thừa có hình dạng không vuông vắn, không đẹp, chính quyền địa phương có thể khuyến khích người sử dụng liền kề mua lại để hợp thửa phần đất này. Trường hợp không có người mua thì cần giao cho chính quyền địa phương quản lý hoặc xem xét làm văn phòng khu phố, hoặc làm chốt bảo vệ dân phòng cho khu vực đó, vừa tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, vừa tránh mất mỹ quan đô thị”, bà Thảo nói.

Tin bài liên quan