Từ trái qua: Trần Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sự, Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn nghe tòa tuyên án. Ảnh: Zing.

Từ trái qua: Trần Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sự, Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn nghe tòa tuyên án. Ảnh: Zing.

Xử vụ Vinashin, Vũ nhôm: Lộ chuyện lộng quyền của cấp dưới

(ĐTCK) Tại phiên tòa xét xử vụ án Vũ nhôm trục lợi từ đất công và vụ án chiếm đoạt tiền chi lãi ngoài trái pháp luật ở Vinashin, qua lời khai của các cấp lãnh đạo tại cơ quan quản lý, cũng như tại doanh nghiệp nhà nước lộ ra câu chuyện cấp dưới thường “lộng quyền” một cách khó hiểu.

Ông Nguyễn Ngọc Sự (SN 1957, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinashin) đã bị bắt tạm giam từ tháng 1/2018 đến nay. Trong các ngày 10 - 12/6/2019, ông Sự có mặt tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội do bị xét xử trong vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công tố, ông Sự cùng 3 cấp dưới đã bàn bạc, thống nhất chủ trương gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ để được hưởng tiền chi chăm sóc khách hàng, hay còn gọi là tiền lãi ngoài. Khoản tiền lãi ngoài này lên tới 105 tỷ đồng và được để ngoài sổ sách, một phần nhỏ chi cho các công việc chung của Vinashin, phần còn lại sử dụng cá nhân.

Là Chủ tịch HĐTV Vinashin, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Công ty, nhưng trước tòa án, bị cáo Sự lại phủ nhận trách nhiệm về quỹ lãi ngoài này. Bị cáo thừa nhận có làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép gửi tiền có kỳ hạn đối với nguồn tiền 2.200 tỷ đồng chuyển từ PVN về và 4.190 tỷ đồng Chính phủ hỗ trợ, nhưng hoàn toàn không biết việc chi lãi ngoài, toàn bộ do bị cáo Trần Đức Chính, nguyên Kế toán trưởng Vinashin tự tung tự tác.

Cũng theo ông Sự, Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng giám đốc Vinashin là người đề xuất chủ trương gửi tiền kỳ hạn và ông Tuyến biết rõ việc nhận tiền lãi ngoài. Trong khi đó, bản thân ông Sự từng là người đại diện vốn của PVN tại Oceanbank trước khi về nhậm chức Chủ tịch HĐTV Vinashin và biết rõ thực trạng chi lãi ngoài của Oceanbank cho các khách hàng.

Bị cáo Phạm Thanh Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc Vinashin trình bày rằng, bị cáo chỉ là Phó tổng phụ trách Ban Tài chính kế toán, không phải là Phó tổng phụ trách tài chính của Tập đoàn, không chỉ đạo công tác tài chính của Tập đoàn. Về việc Vinashin nhận lãi ngoài, bị cáo hiểu rằng có một quỹ ngoài sổ sách từ nguồn tiền này, nhưng không có bằng chứng, không được báo cáo, không được biết chính xác. Sở dĩ bị cáo biết có quỹ này là vì thực tế thị trường, các ngân hàng đều chi lãi ngoài và vì tại Vinashin có những khoản chi không qua hạch toán. 

Bị cáo Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng giám đốc Vinashin khai nhận, khi gửi tiền, bị cáo chỉ nghĩ Vinashin rất khó khăn, gửi tiền có kỳ hạn để có hiệu quả, không biết có tiền lãi ngoài.

Trong khi các cấp lãnh đạo đổ lỗi cho nhau, phủ nhận hành vi, đổ lỗi cho cấp dưới thì hồ sơ vụ án cho thấy có nhiều tờ trình về nội dung gửi tiền có kỳ hạn do bị cáo Chính lập được trình lên bị cáo Sơn, bị cáo Tuyến, bị cáo Sự. Các tờ trình này đều có chữ ký nháy, có bút phê của các bị cáo. 

Trước khi bị khởi tố bị can, bị cáo Tuyến đã có bản tường trình tại cơ quan điều tra trong đó thể hiện bị cáo Tuyến biết rõ có nguồn chi lãi ngoài: “Tôi hiểu nhóm anh Sự, Sơn, Chính có lập quỹ riêng để chi tiêu đối ngoại, chạy chọt”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm). Những cựu lãnh đạo quản lý cấp cao cũng có lời khai về việc không kiểm tra, không nghiên cứu hồ sơ và chỉ nghe cấp dưới báo cáo.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Trần Việt Tân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an đã ký 6 văn bản liên quan đến 3 tài sản Vũ nhôm thâu tóm trái pháp luật bao gồm: nhà đất số 16 Bạch Đằng (TP. Đà Nẵng), số 8 Nguyễn Trung Trực (TP. HCM) và số 15 Thi Sách (TP. HCM). Cựu Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận được cấp dưới là Phan Hữu Tuấn (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục V) báo cáo trước khi ký.

Trong đó, liên quan đến dự án số 16 Bạch Đằng, bị cáo Tân lý giải, Phan Hữu Tuấn báo cáo đã giao đất, bị cáo chỉ ký văn bản theo thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đã chứng minh, thời điểm đó, chỉ có quyết định giao đất, doanh nghiệp được giao chưa nộp hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa hoàn thành thủ tục. Bị cáo Tân thừa nhận, ông chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ, chỉ nghe cấp dưới báo cáo, tin cấp dưới và ký văn bản.

Bị cáo Phan Hữu Tuấn, người tuyển chọn, trực tiếp quản lý nghiệp vụ với Phan Văn Anh Vũ cho rằng, ông không được Vũ báo cáo nhiều vấn đề như sau khi được nhận thuê đất, giao đất, bị cáo Vũ tự ý chuyển nhượng sang tài sản cá nhân hoặc chuyển nhượng, liên doanh, liên kết với đối tác bên ngoài. Trong khi đó, cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Tuấn soạn thảo, ký nháy, tham mưu cho lãnh đạo, hậu thuẫn cho bị cáo Vũ phạm tội, trục lợi hàng nghìn m2 đất công. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giúp sức tích cực cho bị cáo Vũ.

Chủ tọa phiên tòa Vũ nhôm đã cắt lời bị cáo Trần Việt Tân khi nghe ông lý giải về những sai phạm của mình. Chủ tọa nhắc: “Tin nhưng phải kiểm tra, còn kiểm tra thế nào phải phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của mỗi người”.

Đầu tư Chứng khoán sẽ theo tiếp diễn biến phiên tòa và thông tin đến bạn đọc.

Tin bài liên quan