Tổng công suất nhà máy chế biến cà phê hiện nay vượt quá sản lượng cà phê Việt Nam.

Tổng công suất nhà máy chế biến cà phê hiện nay vượt quá sản lượng cà phê Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê lỗ nặng vì đầu cơ

(ĐTCK) Phiên giao dịch cuối tuần trước được các nhà kinh doanh cà phê chua chát gọi là "Ngày thứ Sáu đổ máu" khi giá cà phê trên thị trường London tuột dốc mạnh, không ít doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng giao xa chờ chốt giá buộc phải thanh lý hợp đồng, mất trắng phần "để ngỏ". Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hòa kiêm thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam trao đổi với ĐTCK.

Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang chao đảo khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ lỗ nặng, ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

Hiện giá cà phê xuất khẩu robusta còn chưa có đáy, liên tục trồi sụt thất thường. Xuất phát của tình trạng này là do doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng giao xa với nhà nhập khẩu nước ngoài, chấp nhận mua hàng hóa trong nước với giá cao, chờ cơ hội chốt giá trên thị trường London cao hơn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cà phê trên thị trường London liên tục giảm, doanh nghiệp đã ký hợp đồng giao xa rồi chờ chốt giá không còn cơ hội. Nhiều doanh nghiệp hợp đồng treo hết thời gian phải chuyển tháng, có hợp đồng từ tháng 3 chuyển sang tháng 5, giờ lại sang tháng 7, tháng 9, thậm chí tháng 11. Tại thời điểm này, áp lực chốt giá, chuyển thời gian hợp đồng rất lớn. Một số hợp đồng chuyển từ tháng 7 sang tháng 9 mất phí 35 USD/tấn, chuyển sang tháng 11 mất tới 50 USD/tấn. Thậm chí, tuần qua có doanh nghiệp ký hợp đồng giao xa được nhà nhập khẩu ứng trước 70% hợp đồng, giá giao dịch xuống mạnh dưới cả giá đã ứng trước, hợp đồng tự động thanh lý, chỉ trong một ngày mà số lượng cà phê Việt Nam được hốt giá rẻ tới 5.000 lot (tương ứng 50.000 tấn).

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là doanh nghiệp Việt Nam dự báo sai diễn biến giá, đồng thời đua nhau đầu cơ, chỉ tính số hợp đồng đến hạn chốt giá tháng 7 đã tới 18.000 lot, ứng với 180.000 tấn, tương ứng 20% sản lượng cà phê niên vụ 2009. Nắm bắt được tình trạng này, các nhà nhập khẩu nước ngoài, quỹ đầu cơ đã dìm giá để có cơ hội hốt hàng giá thấp.

Với diễn biến như trên, đến thời điểm nào giá cả mới có thể bình ổn trở lại?

Thực tế lượng cà phê của Việt Nam không còn nhiều, nghịch lý ở chỗ lượng hợp đồng mở, phải chốt giá lớn. Sau đợt quét hàng này, lượng hợp đồng tồn đọng giảm bớt, ít nhất tháng 8 tới giá mới có cơ hội phục hồi. Một yếu tố nữa là sản lượng cà phê năm 2009 thấp hơn dự kiến, vì thế đến nay lượng hàng của Việt Nam không còn bao nhiêu. Đây đơn thuần là động tác kỹ thuật làm điêu đứng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông, doanh nghiệp ở thời điểm này nên hành động ra sao?

Doanh nghiệp không nên bán hàng giao xa, có hàng đến đâu bán đến đấy. Thái Hòa đã chỉ đạo quyết liệt các công ty thành viên phải chốt giá hàng hóa, song thị trường đảo chiều nhanh, một số đơn vị không tuân thủ nên kết quả kinh doanh cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên so với toàn thị trường thì số hợp đồng trong diện này không lớn.

Doanh nghiệp đầu cơ theo phong trào như vậy, vai trò của Hiệp hội ở đâu, thưa ông?

Ban chấp hành Hiệp hội đã thảo luận, góp ý kiến đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quyết định, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả xuất khẩu cà phê trong thời gian tới. Tuy nhiên, điểm yếu của ngành cà phê là tính liên kết giữa các doanh nghiệp không cao, doanh nghiệp không bảo nhau được. Đơn cử như tổng công suất nhà máy chế biến cà phê hiện nay vượt quá sản lượng cà phê Việt Nam, song tỷ lệ xuất khẩu cà phê qua chế biến chưa vượt 30% sản lượng. Có nhà máy không có nguyên liệu, khi hết vụ nhà máy đắp chiếu, trong khi xuất khẩu cà phê thô giá trị mang lại rất thấp, chất lượng không cao.

Với cơ quan quản lý, nên hỗ trợ thị trường như thế nào?

Khi tính liên kết, tự giác của các doanh nghiệp không cao, cần phải có biện pháp hành chính. Theo tôi, cơ quan quản lý nên tăng cường kiểm soát chất lượng cà phê xuất khẩu, điều tiết hàng hóa xuất khẩu thông qua biện pháp rõ ràng. Nếu không, cà phê lại rơi vào vòng luẩn quẩn, đầu vụ đua nhau xuất khẩu, giá bị dìm xuống thấp, đến kết thúc vụ lại không còn hàng.

Giá cà phê Việt Nam hoàn toàn bị khống chế, thao túng bởi công ty nước ngoài. Nhưng nhìn ra các nước, họ có chiến lược tốt đối với mũi nhọn xuất khẩu cà phê, đơn cử như Columbia, họ tự định đoạt giá cà phê của thị trường họ, không phụ thuộc cà phê tại sàn giao dịch New York. Trước kia, cà phê Columbia chỉ bán được giá New York cộng thêm 7 - 10 cent/pound, nay có thời kỳ cộng thêm tới 100 - 230 cent/pound. Brazil thì áp dụng khi hàng rớt giá, Nhà nước xuất toán mua vào, đợi giá cao bán ra giữ ổn định.