Xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm khởi sắc: Thị trường Mỹ vẫn "thấp thỏm" thuế quan

Xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm khởi sắc: Thị trường Mỹ vẫn "thấp thỏm" thuế quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (Vasep), tính đến hết tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên là nhờ sự tăng trưởng tích cực ở tất cả các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.

Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 30% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam), với kim ngạch đạt 389 triệu USD (tăng 103%) trong 4 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng 3 con số tại thị trường này là nhờ doanh số bán tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh.

Mới đây, Trung Quốc đã công bố Hướng dẫn phát triển thực phẩm và dinh dưỡng giai đoạn 2025 – 2030, nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng khẩu phần ăn thông qua tiêu thụ thực phẩm giàu protein. Hướng dẫn mới không chỉ nhấn mạnh vai trò của protein, mà còn đề xuất các chính sách nhằm tăng tiêu dùng cá và thủy sản – bao gồm việc tích hợp các sản phẩm này vào chương trình bữa ăn học đường. Thay đổi này có thể thúc đẩy đáng kể nhu cầu thủy sản trong đó có tôm tại thị trường này. Về lâu dài, các sản phẩm thủy sản có mức giá trung bình như cá tra, tôm cỡ trung bình và nhỏ sẽ được nước này tăng cường nhập khẩu.

Đối với Mỹ, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm nay đạt 193 triệu USD (tăng 15%). Riêng trong tháng 4, xuất khẩu tôm sang thị trường này ghi nhận tăng 25%. Đà tăng này chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế từ Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng này liệu có duy trì được lâu hay không còn chưa rõ ràng và phải chờ đợi quyết định chính thức từ Mỹ về chính sách thuế của họ đối với các nước.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đang tập trung cho các đơn hàng đã ký trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị chờ đợi, thì cũng có đơn vị vẫn ký hợp đồng mới, nhưng có những điều khoản để giải quyết khi mức thuế đối ứng được xác định. Ngoài ra, cũng có đơn vị chủ động dịch chuyển xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á, khôi phục quan hệ với khách hàng cũ và cắt giảm chi phí sản xuất.

Vasep kỳ vọng, cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được các kết quả như kỳ vọng và tích cực nhất.

Với thị trường EU, với kim ngạch xuất khẩu đạt 152 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2025, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam, EU tiếp tục giữ vai trò là một trong những thị trường quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ gặp áp lực từ các rào cản thuế quan ngày càng gia tăng.

Điểm nổi bật của thị trường EU là tính ổn định, ít biến động về giá. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thói quen tiêu dùng tôm tại nhà của người dân khu vực này, không phụ thuộc nhiều vào kênh nhà hàng, khách sạn, qua đó giảm thiểu ảnh hưởng từ biến động thị trường và các cú sốc chi phí. Ngoài ra, Hội chợ thủy sản quốc tế Barcelona diễn ra trong tháng 5 vừa qua cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ và tăng cường sự hiện diện của tôm Việt Nam tại thị trường EU.

Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 169 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Là thị trường truyền thống của tôm Việt Nam, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay.

Người tiêu dùng Nhật Bản có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm tôm có chất lượng cao, ổn định và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh tại thị trường này ngày càng gia tăng, đặc biệt từ các nhà cung cấp trong khu vực và các nước có lợi thế về chi phí.

Trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ gặp khó khăn do chính sách thuế, Vasep nhấn mạnh thị trường Nhật Bản cần được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn. Việc làm mới chiến lược tiếp cận là điều cần thiết, bao gồm tăng đầu tư vào các dòng sản phẩm chế biến sâu, phát triển sản phẩm phù hợp với khẩu vị và tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng Nhật Bản, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu tại thị trường này.

Dù xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi, nhưng triển vọng từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều biến động khó lường.

"Trong bối cảnh đó, việc tái cơ cấu chiến lược tiếp cận thị trường là yêu cầu cấp thiết, với trọng tâm là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và giảm thiểu phụ thuộc vào một số thị trường lớn", Vasep nhấn mạnh.

Tin bài liên quan