Xuất nhập khẩu đạt mốc kỷ lục, cùng vượt 30 tỷ USD trong tháng 11

0:00 / 0:00
0:00
Thương mại hàng hóa của Việt Nam đã phục hồi rất mạnh, đạt kỷ lục và cùng vượt 30 tỷ USD trong tháng 11/2021 - mốc chưa từng xác lập trước đó.

Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tháng 11/2021, xuất nhập khẩu phục hồi mạnh, đạt kỷ lục từ trước tới nay và cùng vượt 30 tỷ USD - mốc chưa từng xác lập trước đó.

Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 11 đạt 62,48 tỷ USD, tăng 13,6% so với tháng trước, tương ứng tăng 7,47 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 31,87 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng trước (tương ứng tăng 3 tỷ USD); nhập khẩu đạt 30,61 tỷ USD, tăng 17,1% (tương ứng tăng 4,47 tỷ USD).

Lũy kế đến hết tháng 11/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 602 tỷ USD, tăng 22,9% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 112,25 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã vượt ngưỡng 600 tỷ USD. Đây cũng là một kỷ lục mới của thương mại hàng hóa của Việt Nam.

Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3%, tương ứng tăng 46,76 tỷ USD và nhập khẩu đạt 300,27 tỷ USD, tăng 27,9%, tương ứng tăng 65,49 tỷ USD.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,26 tỷ USD. Như vậy là tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,46 tỷ USD.

Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 11 tháng/2020 và 11 tháng/2021
Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 11 tháng/2020 và 11 tháng/2021

Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 43,56 tỷ USD, tăng 15,3% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng/2021 đạt 417,71 tỷ USD, tăng 25,3%, tương ứng tăng 84,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 23,09 tỷ USD, tăng 11,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 11 tháng/2021 lên 220,63 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11/2021 đạt 20,47 tỷ USD, tăng 19,8% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 11 tháng/2021 đạt 197,08 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11/2021 có mức thặng dư trị giá 2,62 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 11 tháng/2021 lên mức thặng dư trị giá 23,55 tỷ USD.

Xét về thị trường, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 11 tháng năm 2021, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 390,06 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,8%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong khi đó, trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 125,3 tỷ USD, tăng 24%; châu Âu: 66,14 tỷ USD, tăng 14,2%; châu Đại Dương: 12,82 tỷ USD, tăng 45,7% và châu Phi: 7,69 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, theo Tổng cục Hải quan, điện thoại các loại và linh kiện vẫn là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất, với 51,94 tỷ USD sau 11 tháng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 13,58 tỷ USD, tăng 32%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 8,74 tỷ USD, tăng 5,6%; sang EU (27 nước) đạt 7,09 tỷ USD, giảm 13,3%... so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 45,51 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu hàng dệt may đạt 29,14 tỷ USD, tăng 8% tương ứng tăng 2,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 3,04 tỷ USD, tăng 15,2%, tương ứng tăng 401 triệu USD so với tháng trước và phục hồi mạnh trở về mức trị giá cao so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Đây là tháng thứ 3 tính từ đầu năm tới nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có trị giá trên 3 tỷ USD (tháng 6, tháng 7 và tháng 11).

Tin bài liên quan