Nhờ thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội đã có bước phát triển nhanh trong thời gian qua

Nhờ thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội đã có bước phát triển nhanh trong thời gian qua

10 năm Hà Nội mở rộng: Giao thông vẫn là nút thắt lớn nhất

(ĐTCK) Theo nhận định của giới chuyên gia, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng cho tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, là “chìa khóa” để tạo nên diện mạo, sức hấp dẫn và bản sắc của bất kỳ đô thị nào, nhất là những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội.

Tiềm lực để hạ tầng giao thông phát triển

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội đã có bước phát triển khá nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội - đô thị. Kinh tế Hà Nội tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDPR) tăng bình quân khoảng 7,4%/năm. Các lĩnh vực xã hội ngày càng có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của đông đảo người dân Thủ đô ngày càng cải thiện.

Cũng trong 10 năm qua, không gian đô thị Hà Nội được mở rộng, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn ngày một phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Mạng lưới giao thông đối ngoại của Hà Nội gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không được đầu tư nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại ngày càng cao giữa Hà Nội với các địa phương lân cận, cũng như cả nước và quốc tế.

Mạng lưới giao thông đô thị đang được đầu tư hoàn thiện với hệ thống các đường vành đai, các tuyến hướng tâm và các trục chính đô thị. Có thể kể đến như đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), Vành đai 2 (đoạn Nội Bài - Nhật Tân - Cầu Giấy), Vành đai 2,5 (Nguyễn Văn Huyên - Trung Kính - Hoàng Minh Giám - Kim Đồng - Đền Lừ), Vành đai 3, Vành đai 3,5 (đoạn Lê Trọng Tấn và đoạn Phúc La, Văn Phú, Hà Đông), Vành đai 5 (Cầu Vĩnh Thịnh và đường dẫn hai đầu cầu).

Các trục đô thị hướng tâm như Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Đại Lộ Thăng Long, đường 5 kéo dài, Quốc lộ 1A, Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Ninh Bình, Hà Nội - TP. Hòa Bình… Ngoài ra, còn có các tuyến đường trục, mạng lưới đường kết nối trong đô thị với các tuyến chính như Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành, Kim Mã - Trần Phú…

Ngoài các trục đường vành đai, đường hướng tâm, giao thông công cộng của Hà Nội cũng ngày càng được chú trọng. Ngoài vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Hà Nội hiện đang tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị có năng lực vận chuyển lớn và hiện đại.

Theo các chuyên gia, để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông như trên cần nguồn vốn rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước và Thành phố hạn hẹp, nên việc Hà Nội kêu gọi đầu tư theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) là giải pháp hữu hiệu.

Có thể thấy, thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn của Hà Nội được hình thành gắn với tên tuổi của nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) với Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình, Công ty cổ phần Him Lam với Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên, Hà Nội, Công ty cổ phần Tasco với Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội), Tập đoàn Nam Cường với Dự án đường Tố Hữu…

Mới đây, Hà Nội tiếp tục trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về giao thông theo hình thức BT như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai, có tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng, giá trị công trình BT trên 848 tỷ đồng; Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông có tổng mức đầu tư khoảng trên 1.960 tỷ đồng, giá trị công trình BT là trên 1.637 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 có tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.620 tỷ đồng, giá trị công trình BT là gần 1.425 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân có tổng vốn đầu tư khoảng 1.412 tỷ đồng, giá trị công trình BT là 1.344 tỷ đồng...

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã có đóng góp rất lớn, xóa điểm nghẽn trong phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Mặc dù việc thực hiện BT còn gây bức xúc trên thực tế do thiếu chuyên nghiệp từ nhiều phía, nhưng hoàn thiện cơ chế BT, nâng cao tính chuyên nghiệp vẫn là giải pháp tốt cho phát triển hạ tầng hiện nay.

Vẫn còn nhiều thách thức

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Ths. Nguyễn Thanh Bình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng vật chất cho sự phát triển đô thị.

Với Hà Nội, dù đã có nhiều nỗ lực và không ít kết quả, song hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Thành phố vẫn còn lạc hậu, chưa đồng bộ. Nan giải nhất hiện nay là nguy cơ tắc nghẽn giao thông chậm được xử lý triệt để.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 9,5% (chưa bằng 1/2 so với tiêu chuẩn của đô thị hiện đại). Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) ở Hà Nội tăng rất cao, lên đến 12 - 15% mỗi năm, nhất là sự gia tăng nhanh số lượng xe ô tô cá nhân những năm gần đây.

Trong khi đó, các tuyến đường vành đai chưa khép kín, hệ thống đường hướng tâm còn thiếu và chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Hai tuyến đường sắt đô thị được đầu tư xây dựng thời gian qua vẫn đang dang dở, chưa đi vào vận hành, khiến giao thông công cộng ở Hà Nội hiện chỉ có xe buýt, nhưng cũng mới đáp ứng được tỷ lệ thấp, khoảng 13,5% nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn Thủ đô.

“Cũng như nhiều thành phố đang phát triển khác, đầu tư hoàn thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Hà Nội. Chất lượng đô thị, sức cạnh tranh, bản sắc của thành phố, chất lượng sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào quá trình này”, ông Bình nhấn mạnh.

Đa dạng hóa giao thông

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã khẳng định mạnh mẽ mục tiêu “Xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa và bảo vệ môi trường. Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu trên, Hà Nội cần có phương hướng đầu tư hoàn thiện về cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông đô thị theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt, cần làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị kỹ thuật, nhất là tập trung huy động được nguồn vốn để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông.

“Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách dưới các hình thức BOT, BT được coi là giải pháp mạnh cho huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn và thực tế nước ta, những công trình giao thông lớn đã và đang được xây dựng từ các nguồn vốn này.

Tuy nhiên, việc xử lý mối quan hệ lợi ích giữa nhà đầu tư với Nhà nước, thông qua tính số năm khai thác và bàn giao công trình; đặc biệt, giữa nhà đầu tư với người sử dụng công trình, thông qua tính phí giao thông, hay việc dùng quỹ đất trả quyền lợi cho các nhà đầu tư đã và đang gây nên những phản ứng cần phải có những xử lý lợi ích thỏa đáng”, ông Bình nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, PGS.TS.KTS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - Nông thôn Quốc gia cho hay, giao thông - vận tải là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần ưu tiên phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững, nhằm tạo điều kiện cho phát triển cả ở đô thị trung tâm và các đô thị trong vùng Thủ đô.

Hệ thống giao thông phải đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ và đáp ứng được các nhu cầu đa dạng về giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng đa phương thức (đường bộ, đường sắt…) kết nối giữa các đô thị trong và lân cận Thủ đô với nhau.

Mặt khác, hình thành các đầu mối trung chuyển giữa các loại hình giao thông, các đầu mối trung chuyển này có thể hình thành và phát triển đô thị TOD (phát triển theo định hướng giao thông công cộng). Các hệ thống giao thông Hà Nội sẽ hình thành các trục đường nối các đô thị với các tuyến vận tải hành khách công cộng, cùng với đó là việc nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, ưu tiên xây dựng các tuyến cao tố…

Cùng quan điểm, PGS.TS.KTS. Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chia sẻ, việc quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại, dừng đỗ xe, giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo việc phát triển đô thị bền vững và đồng bộ với hạ tầng giao thông vận tải là rất cần thiết.

“Việc quy hoạch hợp nhất đường sắt đô thị với quy hoạch phát triển không gian và sử dụng đất đô thị kết hợp với các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, không gian xây dựng ngầm đô thị sẽ tạo ra các cơ hội thực hiện các dự án đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại, bền vững, văn minh”, PGS. Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan