Ông Trần Văn Dũng

Ông Trần Văn Dũng

10 năm, nhìn lại để bước tới!

(ĐTCK-online) 10 năm kể từ khi hình thành, TTCK ở Việt Nam đã vượt qua bao thăng trầm, phát triển đến quy mô vốn hóa gần 50% GDP, với 2 Sở GDCK có trên 500 DN niêm yết, gần 1 triệu NĐT, trên 100 CTCK…, được công nhận là một kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển đất nước. Những thành tựu nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, theo tôi là kết quả nỗ lực của biết bao con người suốt khoảng 20 năm qua.

Tháng 11/2003, tôi được lãnh đạo UBCK điều động làm Giám đốc Trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC). Thời gian khá dài làm việc tại Văn phòng UBCK đã giúp tôi rất nhiều trong việc tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong tổ chức và điều hành thị trường. Tuy vậy, chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn trước một khối công việc khổng lồ và những khó khăn vô hình đang chờ đợi trước mắt. Còn nhớ, vào dịp kỷ niệm 3 năm hoạt động của Trung tâm GDCK TP. HCM, có nhiều ý kiến băn khoăn về vai trò và hiệu quả của TTCK ở Việt Nam, vì lúc đó chỉ có khoảng 20 DN niêm yết và chưa có DN nào phát hành tăng vốn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, việc ra đời thêm HASTC là không cần thiết, nhưng tập thể lãnh đạo UBCK vẫn quyết tâm mở HASTC với hướng đi theo mô hình thị trường phi tập trung dành cho các DN chưa niêm yết, nhằm thử nghiệm một cơ chế mới để phát triển TTCK Việt Nam.

10 năm, nhìn lại để bước tới! ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và các quan khách chia vui với Sở GDCK Hà Nội ngày ra mắt

Chúng tôi bắt tay vào giai đoạn chuẩn bị cấp tập cho sự khai trương hoạt động của HASTC trong hoàn cảnh như vậy. Và trong tòa nhà số 2 Phan Chu Trinh, chúng tôi đã có những trải nghiệm không thể nào quên.

Khoảng quý III/2004, khi chúng tôi đang ráo riết chạy thử hệ thống giao dịch để chuẩn bị cho việc khai trương thì nhận được lệnh chuẩn bị khẩn trương các điều kiện đấu giá cổ phần hóa DNNN. Dù phải gấp rút chuẩn bị, nhưng chúng tôi thực sự lúng túng do không biết các cuộc đấu giá sẽ được tổ chức tại đâu.

Rồi một buổi chiều, chúng tôi bất ngờ được tin Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đến thăm Trung tâm. Bộ trưởng đến, không đi vào phòng họp mà đi thẳng vào các phòng làm việc kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất của Trung tâm. Ông dừng lại khá lâu ở sảnh lớn, nhíu mày tỏ vẻ không hài lòng trước cái vẻ hoang tàn của một không gian vốn rất đẹp theo lối kiến trúc Pháp nay trở thành nơi trông giữ ôtô, xe máy. Trong cuộc hội ý ngắn sau đó, ông quyết định phải sửa sang lại trụ sở của Trung tâm cho sạch sẽ trước khi khai trương và chỉ đạo phải thực hiện thật nhanh. Tháng 1/2005, Bộ Tài chính ban hành Quy chế tạm thời tổ chức GDCK tại HASTC. Chúng tôi đón Tết Nguyên đán năm đó trong tâm trạng khó tả, vừa phải tranh thủ các ngày nghỉ để rà soát lại lần cuối chức năng các phần mềm, vừa hồi hộp chờ đến ngày đưa HASTC đi vào hoạt động.

Ngày 8/3/2005, Lễ khai trương HASTC được tổ chức rất trọng thể. Ngay sau ngày khai trương, hai cuộc đấu giá cổ phần hóa đầu tiên qua HASTC được tổ chức cho Nhà máy Thiết bị Bưu điện (9/3) và Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (11/3). Từ đó, hình ảnh về các cuộc đấu giá lớn được tổ chức đồng thời ở cả hai Trung tâm GDCK và được truyền hình trực tiếp bắt đầu quen thuộc với NĐT trong cả nước. Chúng tôi một mặt duy trì các hoạt động đấu giá, mặt khác tiếp tục chuẩn bị cho ngày ra đời của thị trường truyền thống.

Tôi còn nhớ gương mặt trầm tư của Chủ tịch UBCK Trần Xuân Hà căn dặn tôi trước ngày mở cửa thị trường thứ cấp, anh nói, đã mở cửa thị trường thì phải bảo đảm có giao dịch. Tôi hỏi, anh kỳ vọng giá trị giao dịch mỗi phiên bao nhiêu. Anh trầm ngâm một lúc rồi nói: "Cố gắng đạt được 2 tỷ một phiên, tối thiểu cũng phải được 500 triệu". Hai tỷ đồng thì tôi chưa dám mơ tới, nhưng 500 triệu đồng thì chắc được, vì đó cũng là mức giao dịch của những ngày đầu ở Trung tâm GDCK TP. HCM. Thế là ngày 14/7/2005 được chọn để mở sàn thứ cấp với 6 DN được đăng ký giao dịch. Với quan điểm thận trọng, lãnh đạo UBCK cho phép chúng tôi mở cửa thị trường một tuần 3 phiên và chỉ áp dụng hệ thống giao dịch thỏa thuận. Sự đón nhận của công chúng đầu tư khá dè dặt, nhưng hoạt động giao dịch diễn ra suôn sẻ, do đó lãnh đạo UBCK cho phép chúng tôi đưa hệ thông khớp lệnh liên tục vào hoạt động.

Sáng 2/11/2005, cả HASTC gần như nín thở. Đây là ngày đầu tiên Trung tâm chạy đầy đủ cả hệ thống giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh liên tục. Nếu hệ thống chạy bình thường, HASTC sẽ tồn tại, nếu không, công lao nhọc nhằn của tập thể chúng tôi bị đổ xuống sông, xuống biển. Sáng hôm ấy không có lễ khai trương, chúng tôi cũng không mời lãnh đạo xuống chỉ đạo. Tất cả anh em liên quan đều tập trung ở phòng máy chủ, sàn giao dịch thứ cấp hoặc chờ đợi ở sàn đấu giá bên ngoài… Giờ G đã tới, tôi nhắm mắt lại, nghe ngóng và không thấy âm thanh gì lạ, tôi cảm nhận được thế là hệ thống đã chạy suôn sẻ. Có ai đó vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi từng cái bắt tay ấm áp. Không có tiếng vỗ tay chúc mừng, vì anh chị em vẫn chăm chú theo dõi từng biến động trên các màn hình, còn thị trường vẫn náo nhiệt với những âm thanh thường nhật. Khi phiên giao dịch khép lại mà không có một sai sót nào, niềm vui như vỡ òa. Tôi chợt nhận ra nhiều cặp mắt đỏ hoe, không phải do làm việc thâu đêm, mà do kìm nước mắt sung sướng. Nhiều người đã khóc, khóc vì quá sung sướng, quá hạnh phúc khi bao mồ hôi nước mắt, bao công sức nhọc nhằn của cả một đội ngũ gần 2 năm trời đã có kết quả khả quan, vì hệ thống GDCK đầu tiên ở Việt Nam do họ dày công xây dựng đã được hiện thực hóa.

Cái ngày ấy đã cách đây 5 năm. Cũng như 10 năm của TTCK Việt Nam, HASTC đã chứng kiến biết bao thay đổi. Trung tâm GDCK Hà Nội nay đã trở thành Sở GDCK Hà Nội với 3 thị trường hoạt động hiệu quả, trong đó thị trường niêm yết với gần 300 DN niêm yết, một thị trường dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết với gần 70 DN đăng ký giao dịch và một thị trường TPCP với quy mô gần 10% GDP. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên giao dịch trong năm 2009 đạt 800 tỷ đồng, vượt rất xa so với con số 500 triệu hay 2 tỷ đồng mơ ước trước khi mở cửa. TTCK Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn của DN, của Chính phủ, là kênh đầu tư được công chúng quan tâm.

Chúng tôi không còn phải mở những chiến dịch "tạo hàng" nữa, mà trở về được với công việc truyền thống của một Sở GDCK và tiếp tục hoạch định những sản phẩm mới, đề án mới cho tương lai. Tất cả chúng tôi đều coi những ngày gian khó chuẩn bị ra đời HASTC là những trải nghiệm khó quên, là điểm tựa để chúng tôi vượt qua những khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển sau này. Chúng tôi tin tưởng giai đoạn 10 năm tiếp theo sẽ tiếp tục trải nghiệm những bước phát triển bền vững và đầy thú vị của TTCK Việt Nam.