Proptech đang “nở rộ” ở Việt Nam

Proptech đang “nở rộ” ở Việt Nam

2022 - “điểm nổ” của Proptech

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị thị trường lớn, tỷ lệ người dân thường xuyên sử dụng internet ở mức cao... là điều kiện lý tưởng để Proptech phát triển tại Việt Nam và năm 2022 được cho là “điểm nổ” của lĩnh vực này.

Ứng dụng công nghệ, làm chủ thị trường

Bạn có sẵn sàng mua nhà thông qua một chú robot, hay đặt cọc hàng trăm triệu đồng qua một ứng dụng điện thoại mà không cần thêm sự hỗ trợ từ các môi giới? Câu trả lời với nhiều người vào thời điểm hiện tại có lẽ sẽ là “không”, kèm theo đó là những hoài nghi nhất định.

Thế nhưng, chỉ một thập kỷ trước, việc gọi xe hay đặt thức ăn qua ứng dụng điện thoại gần như là bất khả thi. Trước đó không lâu, người ta thậm chí còn chế nhạo việc mua hàng qua mạng, xem điều đó là kém an toàn và sẽ sớm biến mất. Giờ đây, các công ty thương mại điện tử Amazon, Alibaba, Grab, Didi, Lazada, Shopee… đã trở thành những cái tên quen thuộc, những “gã khổng lồ” và đánh bại các doanh nghiệp thương mại truyền thống.

Thực tế, bất động sản là một loại hàng hóa đặc biệt, có giá trị rất lớn, nên việc “mục sở thị” trước khi ra quyết định mua - bán là cần thiết. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là sự hiện diện của các Proptech (ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản) đã thay đổi đáng kể phương thức giao dịch nhà đất, cũng như hình thành thêm nhiều hình thức đầu tư mới. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy ngành Proptech phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đã đầu tư mạnh cho các trang giao dịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ đa nền tảng để tăng cường kết nối với khách hàng, gia tăng hiệu quả hoạt động.

Mặt khác, với cơ cấu dân số trẻ, thường xuyên sử dụng công nghệ (64 triệu người dùng internet, chiếm khoảng 66% dân số) và quy mô thị trường bất động sản dự kiến lên tới 21 tỷ USD, Proptech có nhiều điều kiện lý tưởng để phát triển ở Việt Nam. Số liệu của FinREI Investment JSC cũng cho thấy, tại Việt Nam, lĩnh vực Proptech “nở rộ” với gần 60 công ty đang hoạt động và dự báo sẽ có nhiều start-up Proptech “chào sân” thời gian tới. Trong đó, 80% nền tảng Proptech là công ty nước ngoài hoặc được rót vốn từ nhà đầu tư ngoại (trích dẫn số liệu của Jone Lang Lasalle - JLL).

Thị trường proptech ở Việt Nam tuy còn sơ khai, nhưng được đánh giá giàu tiềm năng, là “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp khai phá, có thể kể đến Propzy, start-up trong lĩnh vực Proptech, hồi đầu năm 2021 đã gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Cùng thời điểm, một Proptech khác là Homebase cũng nhận được nguồn vốn hàng triệu USD. Start-up RealStake cũng huy động thành công khoản đầu tư vòng hạt giống từ 500 Startups Vietnam và các nhà đầu tư “thiên thần” khác.

Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Meey Land - nhà phát triển các ứng dụng Meey Map và Meey CRM cho biết, có nhiều yếu tố giúp Proptech lên ngôi, bao gồm cả sự phát triển vũ bão của internet. Theo ông Chung, hành vi khách hàng thay đổi, quá nhiều biến số ngoài doanh nghiệp, các dữ liệu trên giấy tờ, sổ sách cũ… không đủ làm giá trị cơ sở, buộc doanh nghiệp phải tìm đến công nghệ để giải quyết bài toán này và các start-up Proptech nhanh chóng bắt “trend”.

“Thêm vào đó, dịch Covid-19 xuất hiện càng thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp bất động sản, từ áp dụng các hệ thống quản trị thông minh, các ứng dụng về quản lý bán hàng, tra xét bản đồ quy hoạch, tới ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR/AR để đưa người dùng trải nghiệm ngôi nhà tương lai…”, ông Chung nói.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thành Nam, đơn vị phát triển phần mềm quy hoạch đô thị thông minh Tpizi.com cho hay, tại các đô thị thông minh, công nghệ giúp giải phóng nhiều thời gian hơn cho các nhóm quản lý tại chỗ để trả lời yêu cầu về bảo trì và nhiều nhu cầu khác của khách hàng, cư dân.

Một ví dụ đơn giản, khi khách hàng hỏi thăm thông tin về dự án, người bán có thể tư vấn cụ thể, rõ ràng về tổng thể vị trí, kết nối của dự án với bên ngoài và giá bán, chính sách thanh toán..., nhưng nếu khách hàng muốn tìm hiểu kỹ hơn về cảnh quan, vỉa hè, cây xanh… của từng mảnh đất, căn hộ trong dự án thì khó có thể trả lời đầy đủ và chính xác, thường chỉ sau khi dự án hoàn thành, người mua đến nhận bàn giao thì mới biết và đôi lúc có những phát sinh ngoài mong muốn. Hay trong quá trình sử dụng, khi có một sự cố phát sinh, cư dân sẽ thông báo cho ban quản lý, ban quản lý chuyển đến đội ngũ kỹ thuật xử lý và phản hồi về với cư dân. Trong quá trình này, nếu chậm trễ hoặc có sai sót sẽ làm giảm sự hài lòng của cư dân, chất lượng dịch vụ của dự án.

“Vậy tại sao lại không có một phần mềm trên các thiết bị di động thông minh thể hiện tất cả các thông tin của dự án và kết nối với tất cả những công việc phải xử lý?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Thay đổi hay đứng bên lề cuộc chơi?

Công nghệ là yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt và thành công cho Proptech tại Việt Nam, nếu doanh nghiệp làm chủ được công nghệ thì sẽ có cơ hội bứt phá và làm chủ thị trường. Hơn nữa, Covid-19 đã tạo ra áp lực thay đổi chưa từng có lên ngành bất động sản, vốn khá bảo thủ trước những đổi mới về công nghệ. Do vậy, kể từ năm 2020, tự động hóa trong quá trình tiếp thị và bán hàng không còn là một điều “có thì tốt, không có cũng không sao”, mà đã trở thành yếu tố “không thể thiếu” để các nhà phát triển bất động sản, đơn vị môi giới xây dựng cho mình vị thế nổi bật giữa vô số đối thủ cạnh tranh.

Trên thực tế, ngay trong thời gian giãn cách xã hội, hàng loạt ứng dụng Proptech đã được công bố ra thị trường và theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cengroup, năm 2022 sẽ là năm bùng nổ của các nền tảng công nghệ bất động sản.

“Proptech sẽ giúp các nhà phát triển dự án, doanh nghiệp kinh doanh địa ốc tiếp cận với thế hệ khách hàng mới. Ứng dụng sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, tiếp thị sản phẩm bất động sản đến với đúng đối tượng khách hàng tiềm năng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho biết, nhiều chủ đầu tư bắt đầu kết hợp các công nghệ xây dựng thông minh cho các sản phẩm, công tác quản lý, bán hàng, tiếp thị cũng được thực hiện trên môi trường online đã giúp giảm đáng kể chi phí so với các kênh truyền thống. Các giải pháp công nghệ còn mang lại cho cộng đồng cư dân có được trải nghiệm tốt hơn bằng nhiều tính năng tích hợp, xây dựng nền tảng cho cộng đồng môi giới trở nên chuyên nghiệp hơn, cũng như tạo nên mô hình đầu tư mới để mọi thành viên thị trường đều có thể dễ dàng tham gia...

“Đặc biệt, một xu thế quan trọng là mọi người muốn được sử dụng tất cả các tính năng chỉ trong một nền tảng để tiết kiệm nhiều thời gian hơn và đầu tư hiệu quả hơn”, ông Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh, đó là cơ sở tạo nên cuộc cách mạng Proptech tại Việt Nam.

Báo cáo Ứng dụng công nghệ trong bất động sản của JLL công bố hồi tháng 5/2021 đánh giá, bất chấp dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt và các Protech cũng bám sát sau. Theo JLL, việc ứng dụng công nghệ trong bất động sản đạt được thành công như ngày nay chủ yếu nhờ vào những cải tiến về tốc độ và mức độ chính xác của đường truyền internet. Cùng với công nghệ kỹ thuật cao, những giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí và gia tăng sự hiệu quả trong kinh doanh bất động sản lần lượt được ra đời.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng giúp các start-up dễ dàng thâm nhập thị trường công nghệ hơn, đồng thời tiếp cận nhanh hơn với thị trường bất động sản. Tại Việt Nam, nhiều công ty Proptech bắt đầu hợp tác với các công ty Fintech (tài chính công nghệ) và phân khúc nhà ở được xem là chiếc cầu nối đầu tiên giữa 2 mô hình công nghệ này bằng việc lồng ví điện tử vào các ứng dụng quản lý nhà để hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ, nâng cao trải nghiệm người dùng.

Tin bài liên quan