3 sự kiện chi phối thị trường chứng khoán thế giới tuần tới

3 sự kiện chi phối thị trường chứng khoán thế giới tuần tới

(ĐTCK) Có 3 thông tin quan trọng đến với thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần sau là cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để thảo luận những vấn đề hỗ trợ thị trường và nền kinh tế; những chuyển biến trong giai đoạn hậu phong toả đất nước; và báo cáo lợi nhuận của khoảng 1/5 các công ty trong S&P 500.

Fed còn vũ khí nào để sử dụng?

Theo Jonathan Golub, chiến lược gia của Credit Suisse: “Nếu nhìn vào trận chiến thực sự trên thị trường chứng khoán, thì đó là câu chuyện của phân tích cơ bản. Theo đó, các yếu tố đánh giá theo cơ bản đều cho thấy thị trường bị đánh giá thấp hơn và mặt khác Fed đang cố hết sức để hỗ trợ cho thị trường”.

Fed sẽ họp vào ngày thứ Ba (28/4) và thứ Tư (29/4) nhưng chưa có bất cứ dự kiến nào về những hành động tiếp theo, Fed có thể thảo luận về những chương trình có thể nhanh chóng triển khai để hỗ trợ nền kinh tế và gia tăng thanh khoản.

Luke Tilley, chuyên gia kinh tế trưởng tại Wilmington Trust cho biết: “Tôi dự đoán Fed sẽ không có bất cứ hành động nào liên quan đến lãi suất”.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết công việc của Fed chính là củng cố niềm tin của thị trường thông qua việc mua lại các tài sản và các chương trình khác để hỗ trợ các khoản thế chấp, tín dụng doanh nghiệp và trái phiếu đô thị. Ông hy vọng Fed cũng sẽ thảo luận về những chương trình như hỗ trợ cho vay doanh nghiệp nhỏ.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell cũng kỳ vọng lạc quan về khả năng hỗ trợ của ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế mặc dù có nhiều sự không chắc chắn không lường trước được về tình trạng suy giảm trong quý II.

Luke Tilley cho biết, ông dự đoán nền kinh tế sẽ thu hẹp tới 40% trong quý II.

Còn theo Jonathan Golub, cuộc họp này của Fed không quan trọng như những cuộc họp trước vì trước đó Fed đã thực hiện rất nhiều chính sách đặc biệt và hứa sẽ làm nhiều hơn nếu cần thiết.

“Fed đã nói rõ rằng nếu thị trường cần được cung cấp thanh khoản, Fed sẽ không cần chờ đợi cuộc họp này để làm điều đó. Cho dù bạn vay mượn từ ngân hàng hay vay trên thị trường vốn thì dòng vốn đó có sẵn trong nền kinh tế và hiệu quả ròng sẽ dẫn đến đẩy thị trường chứng khoán tăng lên”, ông nói.

Ảnh hưởng nền kinh tế

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi tiến trình mở lại hoạt động kinh doanh ở một số bang, như Georgia, Texas, Oklahoma và South Carolina. Đồng thời, Tổng thống Trump cũng cho biết, sẽ kéo dài thời gian giãn cách xã hội tới đầu mùa hè với những bang chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi Covid-19.

GDP quý I của Mỹ được dự kiến công bố vào thứ Tư (29/4) và dựa vào đó có thể đánh giá được mức độ tác động của việc đóng cửa nền kinh tế. Theo dự đoán từ Refinitiv, GDP quý I của Mỹ có thể thu hẹp 4,1%. Các nhà kinh tế dự báo quý II là thời điểm chịu ảnh ảnh hưởng lớn nhất từ suy thoái kinh tế và có thể có sự thu hẹp đến 30%.

Một số dữ liệu trong quý II sẽ được công bố trong tuần tới. Doanh số bán xe đã chậm lại trong tháng 4 và nhiều nhà sản xuất ô tô đã ngừng sản xuất.

Tác động của việc đó sẽ được nhận thấy trong doanh số bán xe được công bố vào ngày thứ Sáu (1/5) và chỉ số sản xuất PMI, nhưng dữ liệu quan trọng nhất chính là các số liệu về trợ cấp thất nghiệp, được dự báo sẽ có đến hàng triệu công nhân đăng kí nhận trợ cấp thất nghiệp.

Cho đến nay đã có 26,5 triệu người nộp đơn yêu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ trong vòng 5 tuần qua, xoá sạch tất cả những công việc được tạo ra kể từ Đại suy thoái. Báo cáo việc làm trong tháng 4 sẽ được công bố và các nhà kinh tế nói rằng thất nghiệp có khả năng sẽ cao nhất vào tháng 4 hoặc tháng 5 trước khi giảm trở lại.

“Chúng ta có thể nhìn thấy tỷ lệ thất nghiệp ở mức 20% hoặc cao hơn một chút”, Luke Tilley nói.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp

Mặc dù thị trường chứng khoán tăng điểm trong ngày thứ Sáu (24/4), nhưng đã đánh dấu một tuần tiêu cực sau 3 tuần tăng điểm do tác động của giá dầu. Các nhà đầu tư đang tập trung vào triển vọng công bố kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và sự không chắc chắn xung quanh thời điểm mở cửa của nền kinh tế.

Tuần sau là giai đoạn cao điểm của mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 và nhiều doanh nghiệp bluechips trong bối cảnh không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của virus đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này. Apple, Microsoft, Amazon, Facebook, Boeing và McDonald, nằm trong số khoảng 140 công ty S&P 500 báo cáo kết quả quý đầu tiên trong tuần sau.

Theo Refinitiv, công ty cung cấp dữ liệu tài chính tại Mỹ, lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý I/2020 có thể giảm khoảng 14% so với các ước tính và báo cáo trên thực tế. Kết quả kinh doanh quý II dự kiến sẽ tồi tệ hơn nhiều và có thể sụt giảm đến 32,2%.

Các công ty chăm sóc sức khỏe như Merck, Pfizer, AstraZeneca, Humana và Anthem đều báo cáo vào tuần sau. Các công ty dầu khí như Exxon Mobil và Chevron đều dự kiến công bố kết quả kinh doanh vào ngày 1/5, và thị tường chờ đợi phản ứng của họ trước sự sụt giảm mạnh gây sốc của giá dầu thô thời gian vừa qua.

Golub cho biết: “đối với nhà đầu tư, lợi nhuận quý I không phải là sự quan tâm đáng kể, mà là mất bao lâu để doanh nghiệp có thu nhập tăng trở lại. Theo ước tính của tôi, doanh nghiệp phải mất 3 năm để quay lại mức lợi nhuận cao nhất trước đây. Nhưng thị trường hiện tại đang ước tính lợi nhuận sẽ quay trở lại mức bình thường trong quý III/2021, tôi nghĩ rằng như vậy là quá lạc quan. Bên cạnh đó, việc ước tính phải tính tới trường hợp lợi nhuận sẽ giảm nhanh như thế nào thời gian sắp tới”.

Ông cho biết thêm: “EPS quý I/2020 sẽ giảm hơn 12% một chút, mặc dù một số ước tính có thể là giảm 16% hoặc 17%. Nền kinh tế đã có 10 tuần hoạt động bình và 3 tuần gặp khó khăn, như vậy trong quý I sự tiêu cực chủ yếu đến từ 3 tuần cuối. Tuy nhiên, khó khăn này trên diện rộng và ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế. Tôi dự báo lợi nhuận quý II sẽ giảm 40% cao hơn nhiều so với quý I".

Tin bài liên quan