3 yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam 2016

3 yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam 2016

(ĐTCK) Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) vừa công bố Báo cáo đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam và một số dự báo cho năm 2016.

Theo đó, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm và khảo sát ý kiến chuyên gia, NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý II đạt 6,28%, lạm phát ở mức 1,98%. Cả năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,39%, lạm phát 4,28%. Kết quả này chịu ảnh hưởng 3 yếu tố lớn là sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, biến động giá dầu và biến động thị trường tài chính thế giới .

Cụ thể, ảnh hưởng từ suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, giá các mặt hàng cơ bản trên thị trường thế giới sẽ giảm do nhu cầu từ Trung Quốc yếu đi, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào sản xuất của Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá lại cơ hội đầu tư và chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hơn như VIệt Nam.

Về tác động tiêu cực, nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc có thể tăng mạnh khi đồng nhân dân tệ bị phá giá, gây áp lực tăng nhập siêu, trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Theo tính toán của NCIF, với giả định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 0,1%, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm 0,02%.

Đối với biến động giá dầu, NCIF đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất, giả định giá dầu thế giới duy trì ở mức khoảng 43 USD/thùng kể từ quý II/2016 đến quý II/2017, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng 0,5%, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện thêm 0,33%.

Ngược lại, trường hợp giá dầu trung bình của thế giới từ quý II/2016 đến quý II/2017 giảm bằng mức giá trung bình của quý I/2016 là 32,7 USD/thùng thì tốc tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ giảm lần lượt 0,29% và 0,11%.

Yếu tố thứ 3 tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2016 là biến động thị trường tài chính thế giới. Báo cáo của NCIF nhận định, đồng USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới và giảm so với đồng VND (-0,95%) trong gần 5 tháng đầu năm 2016 sẽ khiến nợ ngoại tệ của Việt Nam tính bằng VND giảm xuống.

Ngoài ra, Việt Nam giao dịch thương mại với các nước trên thế giới chủ yếu bằng đồng USD nên khi USD giảm giá thì giá hàng nhập khẩu tính bằng USD sẽ rẻ hơn dẫn tới khuyến khích nhập khẩu, trong khi xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.

NCIF dự báo trong tháng 6, Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Với giả định này, NCIF tính toán, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng 0,007%, lạm phát tăng 0,04%.

Tin bài liên quan