Ai đứng sau các giao dịch lô lớn EIB?

Ai đứng sau các giao dịch lô lớn EIB?

(ĐTCK) Từ ngày 12/10 đến 1/11, giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank lên tới 113,3 triệu đơn vị, chiếm tới 90,6% trong số 125 triệu cổ phiếu EIB được sang tên.

Bên cạnh các sự kiện nóng mới đây ở Ngân hàng Sacombank, sự hiếu kỳ của giới đầu tư hiện nay hướng vào việc tìm hiểu  ai là chủ nhân của  giao dịch lô lớn cổ phiếu nói trên?

Ai là cổ đông EIB?

Theo báo cáo thường niên 2011 của Eximbank, về cơ cấu cổ đông, 30% cổ phần của Ngân hàng thuộc về các cổ đông nước ngoài, 70% còn lại thuộc về các cổ đông trong trong nước. Vào cuối năm ngoái, Eximbank có 16.519 cổ đông, trong đó, số cổ đông pháp nhân là 241 và thể nhân là 16.350 người. Trong số này, có tới 77,7% cổ phần của Eximbank thuộc về nhà đầu tư tổ chức, 22,3% còn lại thuộc về các nhà đầu tư cá nhân.

Ai đứng sau các giao dịch lô lớn EIB? ảnh 1

Cơ cấu cổ đông Eximbank đầu năm 2012. Nguồn BCTN năm 2011

Theo công bố, Eximbank tại thời điểm đầu năm nay, các cổ đông lớn của Eximbank bao gồm: nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 185,3 triệu cổ phiếu (15%); Ngân hàng Vietcombank nắm hơn 101 triệu cổ phiếu (8,2%); Quỹ đầu tư VOF Investment Ltd giữ hơn 62 triệu cổ phiếu (5,02%)… Ngoài ra, một số NĐT tổ chức nội địa khác đang sở hữu EIB như Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn nắm 2,073%, CTCP XNK Tổng hợp I Việt Nam giữ 1,042%... Những tổ chức này có cử đại diện tham gia HĐQT Eximbank.

Đây là các con số được công bố từ 10 tháng trước và hiện chưa có sự cập nhật, nên chắc chắn có sự khác nhau nhất định so với hiện trạng sở hữu EIB hiện nay. Chẳng hạn, theo các thông tin riêng ĐTCK tiếp cận được, vào tháng 2, tháng 3 năm nay, một doanh nhân từng có liên quan đến Ngân hàng ACB đã thực hiện một số đợt mua vào cổ phiếu EIB. Tình trạng sở hữu cổ phiếu lẫn nhau giữa các ngân hàng Việt Nam khá phổ biến. Theo một số nguồn tin, tại EIB, ngoài Vietcombank, nhóm cổ đông lớn của một NHTM cổ phần khác cũng nắm giữ số cổ phiếu EIB (theo hình thức trực tiếp và gián tiếp) ở tỷ lệ lên tới hai con số. Trong nửa đầu năm nay, số cổ phiếu này đã trở thành tâm điểm chú ý của thị trường khi diễn ra một số đợt giao dịch thỏa thuận làm chuyển dịch thành phần cổ đông Ngân hàng Eximbank.

Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông lớn được công bố chính thức của Eximbank 10 tháng qua không có nhiều thay đổi. Trong lần tiếp xúc với ĐTCK mới đây, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank tiết lộ, cổ đông lớn tại Ngân hàng hiện nay vẫn là SMBC, VOF, Vietcombank, Quỹ đầu tư Hàn Quốc Mireas Asset (gần 5%)…

 

Những giả thiết từ thị trường

Tự bản thân các giao dịch thỏa thuận diễn ra các “thỏa thuận” ngầm định giữa bên bán và bên mua. Đường đi của dòng tiền và cổ phiếu chỉ các bên liên quan và đơn vị cung cấp dịch vụ (CTCK, Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán) mới nắm được. Tuy nhiên, các đơn vị này không có nghĩa vụ cung cấp các thông tin giao dịch chi tiết ra thị trường nếu không xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc xuất hiện các cổ đông lớn mới. Nhưng trong hoàn cảnh thanh khoản của thị trường xuống thấp, cổ phiếu EIB tạo sóng ngầm giao dịch thỏa thuận tại thời điểm hiện nay đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Thậm chí, giao dịch thỏa thuận EIB trở thành chủ đề ưa thích lúc gặp gỡ của giới tài chính vào những ngày đầu tháng 11. Theo ghi nhận của ĐTCK, trên thị trường đang xuất hiện 3 giả thiết liên quan đến các giao dịch này:

Giả thiết thứ nhất: Dù không nhiều người thực sự tin, nhưng vẫn có một số ý kiến nghi ngờ Eximbank đối diện với một kịch bản thâu tóm tương tự Ngân hàng Sacombank trước đây. Cần nhắc lại là, hồi đầu năm nay trên thị trường cũng đã từng xuất hiện tin đồn này. Tuy nhiên, khi đó, nghi vấn đã bị hoàn toàn gạt bỏ khi cơ cấu cổ đông của Eximbank được đem ra phân tích: Eximbank hiện là một trong số ít NHTM cổ phần đa sở hữu, không có các nhóm cổ đông nội địa nắm giữ cổ phần ở mức chi phối tại các ngân hàng khác… Tại Eximbank, các nhóm cổ đông lớn nước ngoài và một số cổ đông lớn nội địa vẫn có nguyện vọng nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Vì vậy, trước mắt, kịch bản Eximbank bị thâu tóm khó có thể xảy ra.

Giả thiết thứ hai: Các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB thuộc về số cổ phần sở hữu gián tiếp của một doanh nhân mới đây có rắc rối với luật pháp. Tuy nhiên, một số quan điểm khác lại cho rằng, kịch bản này không thể xảy ra, bởi một cá nhân đang rắc rối với luật pháp, tài sản bị phong tỏa thì cổ phiếu khó có thể đem chuyển nhượng.

Giả thiết thứ ba: Một số cổ đông VIP của EIB đang rất cần tiền mặt. Đây là kịch bản được những người trong giới tài chính cho là khả thi nhất. Khối lượng cổ phiếu EIB được chuyển nhượng chóng mặt thời gian ngắn chỉ có thể là do các nhà đầu tư tầm cỡ thực hiện.

Cần lưu ý rằng, trong khoảng thời gian này, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không xê dịch. Một số NĐT tổ chức nội địa, có đại diện tham gia Ban lãnh đạo Eximbank nếu mua - bán đều nằm trong diện phải công bố thông tin. Vì vậy, chân dung bên bán đang được thị trường cho là do một nhóm cổ đông EIB thuộc một ngân hàng TMCP khác thực hiện. Mục đích giao dịch nhằm rút tiền mặt về để giải quyết các vấn đề tài chính phát sinh của ngân hàng này.

Giao dịch thỏa thuận lô lớn tại EIB diễn ra mạnh mẽ trên thị trường, nhưng chân dung người thực hiện thì hoàn toàn không rõ (các đối tượng này chưa chạm đến mức sở hữu phải công bố thông tin). Liệu có còn diễn biến gì bất ngờ sẽ xảy ra trong thời gian tới trong khối các ngân hàng lớn hay không? Dư luận đang lắng nghe để tìm dần câu trả lời.