Ai sẽ theo Vietcombank hạ lãi suất huy động?

Ai sẽ theo Vietcombank hạ lãi suất huy động?

(ĐTCK) Vietcombank vừa gây chú ý với việc chủ động giảm mạnh lãi suất huy động. Liệu điều này có dẫn đến một làn sóng giảm lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng thời gian tới?

Ai sẽ theo Vietcombank hạ lãi suất huy động? ảnh 1

Liệu sẽ có làn sóng hạ lãi suất huy động?

Đầu tuần này, Vietcombank chính thức điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng xuống còn 6%/năm, 2 tháng còn 6,5%/năm và 3 tháng còn 6,8%/năm, các kỳ hạn 6 - 9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, thấp hơn mức trần quy định của NHNN nhiều nhất đến 1,5 điểm phần trăm. Đây là lần thứ 2 Vietcombank tiên phong điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND tính từ khi NHNN áp trần lãi suất huy động 7,5%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn của một NHTM nhận định, quy định trần lãi suất huy động của NHNN không có nghĩa là phải huy động đúng trần mà có thể giảm xuống. Việc cắt giảm lãi suất là điều tất yếu, bởi thực tế tăng trưởng huy động đạt gần 5,4% trong đó tín dụng chỉ tăng gần 1,5%. Từ năm 2012 đến nay, tăng trưởng huy động luôn cao hơn tăng trưởng cho vay, nghĩa là hệ thống ngân hàng đang thừa thanh khoản.

Bên cạnh đó, lạm phát hiện đang giảm xuống thấp hơn kỳ vọng với gần 2,5% trong 4 tháng đầu năm. Như vậy, người dân đang hưởng lãi suất thực dương nên lãi suất huy động có điều kiện để giảm tiếp. Trong khi đó, nền kinh tế đang suy yếu, tổng cầu vẫn đang trên đà suy giảm, dẫn đến cầu về tín dụng giảm theo. Vì vậy, hạ lãi suất sẽ phần nào hỗ trợ đà tăng của tín dụng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho rằng, nếu hạ lãi suất huy động xuống nữa thì có thể dân chúng sẽ rút tiền gửi tại ngân hàng sang đầu tư vào vàng. Bởi vậy, việc Vietcombank hạ lãi suất chưa chắc sẽ phát động một làn sóng hạ lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng.

“Là ngân hàng lớn, Vietcombank có điều kiện thuận lợi để hạ lãi suất huy động, còn OCB chưa cảm nhận thấy bất kỳ áp lực nào trong việc hạ lãi suất huy động này. Ban lãnh đạo Ngân hàng sẽ xem xét xu hướng chung của thị trường và đưa ra quyết định có hạ lãi suất huy động xuống hay không và mức hạ sẽ là bao nhiêu?”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nói.

Một lãnh đạo cao cấp của Vietinbank cho biết, Ngân hàng không bị áp lực bởi việc hạ lãi suất của Vietcombank. Vietinbank sẽ điều chỉnh lãi suất phù hợp, linh hoạt, căn cứ vào nhu cầu thực tế của thị trường và cân đối nguồn vốn thực tế của mình.

Chính ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cũng thừa nhận: “Thị trường luôn vận hành theo đúng quy luật của nó và không một ai có thể tồn tại mà nằm ngoài quy luật này. Việc giảm lãi suất của một ngân hàng dù lớn hay nhỏ ít nhiều cũng khiến các ngân hàng khác phải lưu tâm phân tích và đánh giá. Dẫu vậy, quyết định có giảm lãi suất hay không còn tuỳ thuộc vào mục tiêu, chiến lược kinh doanh riêng và đặc thù của mỗi ngân hàng”.

 

Quan trọng là hạ lãi suất cho vay

Kỳ vọng việc hạ lãi suất huy động sẽ là tiền đề để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giúp giảm bớt chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê IA GRAI phân tích, nhu cầu vốn lưu động để đảm bảo sản xuất kinh doanh của Công ty hàng năm trên dưới 100 tỷ đồng, song các NHTM mới đảm bảo cho Công ty vay được 40% số này. Do đó, Công ty phải huy động thêm ở bên ngoài với lãi suất lên đến 18%/năm trong năm 2012 và gần 16%/năm trong năm 2013, khiến chi phí tài chính hàng năm của công ty rất cao, lợi nhuận giảm sút.

“Hiện các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay xuống còn 12%/năm nhưng mức này vẫn còn cao. Giai đoạn hiện nay thì lãi suất cho vay chỉ 10%/năm là phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kỳ suy thoái kinh tế”, ông Ngọc nói.

Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Thuận An chia sẻ, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, phải đặt hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu, nhưng ngân hàng cũng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, là xương sống của nền kinh tế, nên phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc cung cấp đảm bảo nhu cầu vốn cho các thành phần của nền kinh tế. Hiện nay, lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn cần tiếp tục giảm thêm, dựa trên kết quả kiềm chế lạm phát. Từ nay đến hết năm 2013, lãi suất cho vay ngắn hạn nên về khoảng 10%/năm là phù hợp.

“Các ngân hàng thương mại nên tiết kiệm tối đa chi phí để tạo thêm dư địa cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp nhất có thể, kết hợp với việc tìm kiếm các nguồn tín dụng ưu đãi nước ngoài để phục vụ cho doanh nghiệp trong nước”, bà Trinh nói.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang nói: “Nguồn vốn huy động của ngân hàng luôn dư thừa trong khi dư nợ của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất khiêm tốn. Cần có chính sách ưu đãi về lãi suất cho đối tượng đặc biệt này”.