Ấn Độ tiếp tục thắt chặt kiểm soát hàng nông sản

Ấn Độ tiếp tục thắt chặt kiểm soát hàng nông sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà chức trách Ấn Độ trong những ngày gần đây đã cấm xuất khẩu hành tây, hạn chế sử dụng đường để sản xuất ethanol và cắt giảm lượng lúa mì dự trữ mà các công ty kinh doanh hàng hóa và nhà bán lẻ được phép nắm giữ.

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp lớn nhất thế giới, nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng có thị trường nội địa rất nhạy cảm, với hàng trăm triệu người phụ thuộc vào thực phẩm giá rẻ được trợ giá.

Các động thái này diễn ra cùng với những hạn chế hiện có đối với xuất khẩu gạo, lúa mì và đường đã đẩy giá toàn cầu lên cao và làm gián đoạn nguồn cung cho các nhà nhập khẩu lớn vốn phụ thuộc vào thực phẩm của Ấn Độ.

Giá đường đã giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều năm một phần do kỳ vọng nguồn cung từ Ấn Độ giảm sau khi thời tiết xấu làm gián đoạn sản xuất. Tại nước láng giềng Bangladesh, giá hành tây đã tăng gấp đôi chỉ sau một đêm sau thông báo của chính quyền Ấn Độ về lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực vào ngày 8/12 và áp dụng cho đến tháng 3/2024.

Viễn cảnh thiếu hụt đã khiến tập đoàn thương mại nhà nước Bangladesh yêu cầu chính quyền Ấn Độ đẩy nhanh việc giao hàng nghìn tấn hành tây theo hợp đồng thư tín dụng hiện có.

Các nhà phân tích cho biết, các biện pháp của Ấn Độ là phản ứng trước tình trạng bất ổn trước tình trạng lạm phát lương thực dai dẳng khi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới.

Theo Ashok Gulati, nhà kinh tế nông nghiệp và cố vấn chính sách lâu năm của chính phủ Ấn Độ: “Mối lo ngại là làm thế nào để kiềm chế lạm phát trong nước vốn không ở mức dễ chịu và quá trình này sẽ tiếp tục cho đến cuộc bầu cử năm 2024… Chính trị trong nước luôn chiến thắng kinh tế hoặc thậm chí giá cả quốc tế”.

Tại cuộc họp chính sách tiền tệ tuần qua, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5%, một phần do rủi ro từ lạm phát lương thực.

Nỗi lo về nguồn cung ngày càng trầm trọng hơn do thời tiết xấu, khi các nhà khoa học cảnh báo rằng gió mùa hàng năm đã trở nên thất thường hơn do biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các nhà chức trách dự kiến sản lượng đường ở Ấn Độ - nước sản xuất và tiêu dùng lớn nhất thế giới - sẽ giảm gần 10% trong năm nay. Dự trữ đường trong nước đã giảm xuống chỉ còn khoảng hai tháng tiêu thụ, dưới ngưỡng đệm ba tháng của chính phủ.

Pushan Sharma, Giám đốc nghiên cứu của công ty phân tích Crisil cho biết: “Những gì chúng tôi đang thấy là ngày càng có nhiều hiện tượng thời tiết diễn ra, từ các đợt nắng nóng trong tháng 3 đến lượng mưa quá mức trong tháng 7. Những hiện tượng thời tiết này đang dẫn đến nhiều biến động về giá đối với hàng hóa nông sản”.

Thông báo mới nhất của Ấn Độ về đường đi kèm với lệnh cấm xuất khẩu vô thời hạn, được thiết kế để ngăn chặn nước mía được sử dụng để sản xuất ethanol. Crisil ước tính điều này sẽ thúc đẩy sản lượng đường tăng thêm khoảng 2,5 triệu tấn, tương đương khoảng 10% sản lượng dự kiến trong năm nay.

Các nhà phê bình cho rằng, những biện pháp can thiệp này có thể phản tác dụng đối với một quốc gia đang tìm cách xây dựng thị trường xuất khẩu của mình, trong khi Ấn Độ hiện có nguy cơ mất đi những khách hàng khó tính vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Những hạn chế hiện tại đối với xuất khẩu gạo được đưa ra vào đầu năm nay, đã đẩy giá gạo trên toàn cầu tăng cao và đe dọa tình trạng thiếu hụt gạo quốc tế tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Prakash Naiknavare, Giám đốc Liên đoàn quốc gia Ấn Độ của các nhà máy đường hợp tác xã lập luận rằng, các quốc gia nhập khẩu đường ở Đông Nam Á và châu Phi trước đây mua từ Ấn Độ giờ đây có khả năng tìm nguồn cung từ Brazil.

“Chúng tôi đã tạo ra thị trường, chúng tôi đã tạo ra hình ảnh thương hiệu, nhưng đáng tiếc là chúng tôi lại vắng mặt. Brazil sẽ tận dụng tối đa lợi thế”, ông cho biết.

Tin bài liên quan