Ẩn số giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những yếu tố chi phối giá dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường.

Khó hạ nhiệt ngay

Giá dầu thô trên thị trường thế giới từng tăng vọt lên mức 120 USD/thùng trong giai đoạn xung đột Nga - Ukraine mới xảy ra, vượt xa mọi dự đoán được đưa ra trước đó. Mặc dù giá mặt hàng này đã giảm nhẹ so với giai đoạn trước, nhưng áp lực tăng trở lại vẫn hiện hữu, nhất là khi thế giới đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu tăng cường dự trữ xăng dầu, khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới.

Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới, vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế. Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của hầu hết lĩnh vực trong nền kinh tế nên khi giá tăng sẽ tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng cao, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Bởi vậy, trước những biến động liên tục của giá xăng, dầu, đòi hỏi phải có những dự báo và kịch bản ứng phó, để nền kinh tế giữ vững mức tăng trưởng ổn định, bền vững.

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 8/9/2022, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo giá dầu thời gian tới vẫn duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trên cơ sở đánh giá xu hướng cung - cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một số tổ chức quốc tế cho rằng, giá dầu bình quân năm 2022 dao động trong khoảng 100 - 115 USD/thùng (cao hơn khoảng 40 - 60% so với năm 2021) và giảm về mức 92 USD/thùng năm 2023, mức 80 USD/thùng vào năm 2024.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bank of America (BoA) và Morgan Stanley, trong kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh.

“Từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng với mức nhập khẩu tăng 30,2%/năm đối với dầu thô và 51,2%/năm đối với than trong giai đoạn 2016 - 2020. Do vậy, giá nhiên liệu, đặc biệt là dầu thô thế giới tăng cao sẽ gây áp lực tăng giá xăng dầu trong nước”, ông Tuấn Anh nói.

Trong bối cảnh này, theo ông Tuấn Anh, nhiều doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực như doanh nghiệp vận tải, khai thác thuỷ sản, khai thác than, da giầy, dệt may… Ước tính, trong tổng chi phí sản xuất của ngành khai thác thuỷ sản, chi phí xăng dầu chiếm tới 76,73%. Tương tự, với vận tải và khai thác than, các con số này là 63,36% và 45,18%. Chính vì vậy, giá xăng dầu tăng làm chi phí vận tải đường bộ bị đội lên 4 - 5%, còn chi phí logistics đối với ngành vận tải biển tăng cao 3 - 5 lần…

Ông Tuấn Anh cũng thông tin thêm, qua khảo sát nhanh kết quả kinh doanh quý II/2022 thì thấy rằng, chi phí của doanh nghiệp tăng cao so với quý liền kề và cùng kỳ năm ngoái; đồng thời cao hơn so với mức độ tăng doanh thu trong giai đoạn này.

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics vì phí xăng dầu chiếm hơn 30% tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.

Ứng phó với biến động giá dầu

Ông Lê Tuấn Anh khẳng định, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt. Cụ thể là điều hành giá xăng dầu bằng công cụ thuế (đã giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đánh lên xăng dầu, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt), đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam, ông Kenya Maeda, chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và cung ứng dầu thô, thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan Co.,Ltd (IKC) chia sẻ, dầu mỏ tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong danh mục năng lượng của tất cả các quốc gia, trong bối cảnh thị trường dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ chưa bình ổn do đại dịch Covid-19 và những tác động từ địa lý - chính trị như chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Ông Kenya Maeda cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là làm chủ toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng, đặc biệt là phải duy trì nguồn cung ổn định. Ở góc tiếp cận gần hơn, chìa khoá để đảm bảo nguồn cung ổn định chính là việc sở hữu nhà máy lọc dầu.

Nhìn từ góc độ chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, bối cảnh thị trường và điều kiện đất nước cho thấy, việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là cần thiết. Ví dụ để xây dựng một đường ống dẫn khí, phải chiểu theo nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Do đó, những quy định trong dự án luật nên theo hướng cho phép thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí theo chuỗi, tránh một việc phải trình nhiều cơ quan, bộ ngành, tránh xung đột về pháp lý.

Ông Hiếu cũng gợi ý vấn đề chuyển dịch năng lượng để hướng tới một nền kinh tế hiệu quả hơn, xanh hơn.

“Khi dầu diesel tăng rất mạnh, tại sao không sử dụng năng lượng tái tạo?”, vị đại biểu Quốc hội nêu vấn đề rồi giải thích rằng, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là chưa sẵn sàng để thay đổi, có thể mất tiền đầu tư và xác định 3 - 4 năm nữa vẫn chưa có lãi. Việc sử dụng năng lượng hoá thạch trong trung hạn nếu vẫn mang lại lợi ích thì cần tập trung vào việc nâng chất lượng, sạch hơn.

“Câu chuyện chuyển dịch cần được tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ cung năng lượng và cần giải pháp ở cả hai đầu, cần chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, đa dạng hoá nguồn năng lượng. Đồng thời, cần khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và có cơ chế hỗ trợ phù hợp”, ông Hiếu nói.

Khuyến nghị được ông Lê Tuấn Anh đưa ra, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát để hạn chế thất thoát; đàm phán với đơn vị đối tác để ổn định giá vận chuyển, đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất để tăng năng suất, giảm giá thành...

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, doanh nghiệp nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá thông qua những hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm để bình ổn sản xuất trong bối cảnh giá dầu bấp bênh. Trên thế giới, doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá kiểu này.

Ông Dũng kỳ vọng sớm có sự đồng bộ chính sách của các bộ, ban, ngành, để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng những công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả. Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả công cụ bảo hiểm giá này.

Tin bài liên quan