Ẩn số tại Dự án PPP thành phần 2 sân bay Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Quảng Trị sẽ phải minh định khá nhiều nội dung liên quan Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP.
Ẩn số tại Dự án PPP thành phần 2 sân bay Quảng Trị

Nguy cơ tăng tổng mức đầu tư

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 9033/BKHĐT-GSTĐĐT gửi UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị giải trình, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức PPP.

Đây là một trong hai hợp phần của Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục tiêu đầu tư một cảng hàng không nội địa; công suất đến năm 2023 là 1 triệu lượt hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là Airbus 320/321 hoặc tương đương.

Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được triển khai trên địa bàn các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Giai đoạn chuẩn bị Dự án và đầu tư xây dựng là từ năm 2021 đến năm 2024.

Dự án được chia thành 2 dự án thành phần, gồm Dự án thành phần I (Giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan nhà nước tại Cảng hàng không) sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công; Dự án thành phần II (xây dựng Cảng hàng không) sẽ thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Mặc dù Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 được lập khá khoa học và công phu, nhưng vẫn còn một số nội dung, trong đó có tổng mức đầu tư, phương án tài chính được nhiều thành viên của Hội đồng Thẩm định liên ngành yêu cầu làm rõ.

Cụ thể, Cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định liên ngành ghi nhận việc tổng mức đầu tư tại Báo cáo Nghiên cứu khả thi tăng 76 tỷ đồng so với Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) theo phương thức PPP. Trước đó, tại bước lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi, UBND tỉnh Quảng Trị đã tính toán chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh, yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện Dự án.

“Đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị giải trình nguyên nhân tăng và giải pháp tài chính bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn và hiệu quả đầu tư cho Dự án”, đại diện Cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định cho biết.

Đối với Dự án thành phần 2, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - một trong 14 thành viên Hội đồng Thẩm định cho biết, tổng mức đầu tư trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi tăng 388,51 tỷ đồng, tương đương 7,1% so với sơ bộ tổng mức đầu tư được đề cập tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg (5.898,86 tỷ đồng/15.510,103 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng tăng 13,7%, chi phí thiết bị tăng 7,9%, chi phí quản lý dự án và tư vấn khác tăng 35,1%. Điều đáng nói là, chi phí dự phòng tại Dự án thành phần 2 lại giảm từ 13,4% (617,285 tỷ đồng) còn 8,3% (435,792 tỷ đồng) cho cả dự phòng khối lượng và trượt giá.

“Điều này có thể khiến tổng mức đầu tư Dự án trong giai đoạn triển khai tăng và vượt sơ bộ tổng mức đầu tư được phê duyệt, phải điều chỉnh từ chủ trương đầu tư đến Báo cáo Nghiên cứu khả thi, làm kéo dài thời gian thực hiện Dự án”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận xét.

Phụ thuộc vốn tín dụng

Một nội dung khác trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 được thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị làm rõ liên quan đến nguồn vốn thực hiện công trình.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước – thành viên Hội đồng Thẩm định cho biết, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham Dự án ở mức thấp; để tăng tính khả thi, hiệu quả của Dự án, cần xem xét tăng tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Theo hồ sơ dự án, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm khoảng 18,75% tổng vốn nhà đầu tư huy động.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tổng nhu cầu vốn tín dụng thực hiện Dự án ở cả 2 giai đoạn là 4.793 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn tín dụng giai đoạn I là 2.398 tỷ đồng, chiếm 81,34% tổng mức đầu tư giai đoạn I; giai đoạn II là 2.395 tỷ đồng, chiếm 81,15% tổng mức đầu tư giai đoạn II. Điều này cho thấy, nguồn vốn thực hiện Dự án chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng.

Cần phải nói thêm, theo Bản phân tích khả năng trả nợ do đơn vị đề xuất dự án lập, trong 12 năm đầu khai thác, Dự án không có khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, việc thời gian hoàn vốn cũng rất dài (47 năm 8 tháng) khiến Ngân hàng Nhà nước lo ngại về khả năng thu xếp tín dụng cho công trình hạ tầng hàng không này.

“Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện Dự án, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu đa dạng các nguồn vốn huy động để đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn của tổ chức tín dụng”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị.

Tin bài liên quan