Đoàn công tác Việt Nam chụp hình lưu niệm tại Finra, tổ chức có sứ mệnh giữ gìn sự liêm chính trên TTCK Mỹ

Đoàn công tác Việt Nam chụp hình lưu niệm tại Finra, tổ chức có sứ mệnh giữ gìn sự liêm chính trên TTCK Mỹ

Ấn tượng Việt Nam trên thị trường tài chính Mỹ

(ĐTCK) 1 tuần trước chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Washington, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì Đoàn công tác thực hiện Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại New York.

Hàng trăm nhà đầu tư Mỹ đã tiếp nhận thông điệp từ Việt Nam và gần 10 cuộc làm việc song phương của Bộ trưởng với các tổ chức tài chính, bảo hiểm sau đó đều chung một mục đích: kết nối nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam.

Ấn tượng Việt Nam trên thị trường tài chính Mỹ

Gần 170 nhà đầu tư Mỹ trong đó có các tổ chức lớn như JP Morgan Asset Manegement, Goldman Sachs, Prudential Fixed income, Golden Tree asset Managements, Morgan Stanley Investments Managements, Deutche Asset Management Americas... và ít nhất 32 tỷ phú người Mỹ đã có mặt tại hội nghị mang tên “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn” tổ chức giữa lòng New York trong những ngày cả nước Mỹ chuẩn bị mừng Quốc khánh.

Sự có mặt của nhiều nhà đầu tư Mỹ vào thời điểm khá đặc biệt này, theo đánh giá của Tổng giám đốc AIA Việt Nam, ông Wayne Besant, đã thể hiện sự quan tâm rất thực đến cơ hội từ Việt Nam.

“Nếu không thực sự quan tâm, nhà đầu tư Mỹ không dành thời gian đến dự sự kiện trong thời điểm đặc biệt như thế”, ông Wayne nói.

Đáp lại sự quan tâm của người Mỹ là những thông điệp rất cụ thể, rõ ràng và cởi mở từ Việt Nam. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam ghi nhận và luôn đánh giá cao vai trò của nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Trong hoạt động thương mại, quan hệ xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ không ngừng phát triển sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước.

Đến năm 2014, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt gần 29 tỷ USD, tăng 36 lần so với năm 2000, đưa Việt Nam trở thành quốc gia lớn nhất của khu vực ASEAN xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Trong hoạt động đầu tư trực tiếp, Mỹ hiện đứng vị trí thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD. Trong hoạt động đầu tư gián tiếp, có 995 nhà đầu tư Mỹ đã tham gia TTCK Việt Nam với tổng quy mô đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD – theo thống kê mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Con số này, theo Bộ trưởng, còn khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Mỹ và so với khả năng hấp thụ của thị trường vốn Việt Nam. “Mảng thị trường vốn còn rất nhiều dư địa cho hợp tác giữa hai nước”, Bộ trưởng nói.

Ấn tượng Việt Nam trên thị trường tài chính Mỹ ảnh 1

Tỷ phú Mỹ Ross bắt tay Bộ trưởng Bộ Tài chính trong niềm tin về triển vọng đầu tư tích cực tại Việt Nam  

Không chỉ dẫn ra những con số trong quan hệ với Mỹ, nhà đầu tư Hoa Kỳ bị thu hút mạnh hơn khi Bộ trưởng chia sẻ thông tin về quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt bình quân 6,4%/năm, thuộc nhóm 3 nước có tăng trưởng đứng đầu châu Á.

Lạm phát được kiểm soát và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở lại đà tăng trưởng 7%/năm đang ngày một lớn, trên nền tảng một nền kinh tế đã thoát đáy, năng động và không ngừng đổi mới. Tuy nhiên, điểm gây ấn tượng đặc biệt với nhà đầu tư Mỹ là việc Chính phủ Việt Nam vừa chính thức ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, cho phép nhà đầu tư ngoại được mua không hạn chế cổ phần của các DN, trừ những DN thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Câu chuyện về sự đổi mới tư duy thu hút vốn ngoại sau gần 3 năm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính kiên trì xây dựng kiến nghị đến Chính phủ, đã trở thành chủ điểm được nhiều nhà đầu tư Mỹ tìm hiểu. Với họ, đó là món quà mới mẻ và thú vị khi họ đang tìm cơ hội bước chân vào thị trường tài chính Việt Nam.

Sự phát triển của Việt Nam, theo cảm nhận của ông Peter F. Wikinson, Phó Chủ tịch Manulife - tổ chức có 16 năm hoạt động tại Việt Nam, là: “Chúng tôi đã trải nghiệm và chúng tôi đang nhìn thấy một tương lai tươi sáng ở đất nước các bạn”.

Chủ tịch Quỹ Harbinger, ông Philip A Falcone - người trực tiếp đầu tư vào dự án Hồ Tràm trên bãi biển Vùng Tàu từ năm 2007 cũng chia sẻ, 8 năm qua, dự án của ông gặp không ít thăng trầm, nhưng ông tin ở nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, tin rằng Quỹ của ông đã chọn đúng cơ hội, đúng thời điểm, đúng chỗ.

“8 năm trước, nhiều người bạn đã hỏi tôi tại sao chọn Việt Nam cho dự án có quy mô hơn 4 tỷ USD. Tôi thì không có sự băn khoăn như họ, vì tôi tin vào cơ hội ở một nền kinh tế tăng trưởng cao với thị trường 90 triệu dân, chủ yếu là dân số trẻ, giàu nỗ lực và nơi có những ngành công nghiệp đang cần nhiều yếu tố để bật lên. Ở đó chắc chắn có cơ hội cho dự án của chúng tôi”, ông Philip nói.

Ấn tượng Việt Nam trên thị trường tài chính Mỹ ảnh 2

Gần 170 nhà đầu tư Mỹ đến dự Hội nghị tại New York. Trong ảnh, Tổng giám đốc VinaCapital (điều phối thảo luận) và Bộ trưởng đang đối thoại với nhà đầu tư 

Câu chuyện về triển vọng tăng trưởng ổn định ở mức cao của nền kinh tế Việt Nam, về quyết tâm cổ phần hóa, triển vọng hội nhập TPP, quyết sách nới room của Chính phủ đã được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới DNNN Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng thảo luận với nhiều nhà đầu tư Mỹ.

Nhìn theo những bước tiến về chính sách, nhà đầu tư tại đây dường như cảm nhận rõ khả năng về một sự bứt phá của TTCK, của nền kinh tế Việt Nam, như đã từng diễn ra khi Việt Nam mở cửa TTCK năm 2000, gia nhập WTO, hay khuyến khích các DN niêm yết bằng chính sách miễn giảm thuế năm 2006...

Một Việt Nam cởi mở, thân thiện và triển vọng đang “ghi điểm” với nhà đầu tư Mỹ. Ít nhất 2 tỷ phú Mỹ dự hội nghị đã cùng lên tiếng khuyên nhà đầu tư đừng để vuột mất cơ hội từ Việt Nam.

Khi người Mỹ khuyên người Mỹ

Phó chủ tịch US ABC, ông Marc Mealy đã mở đầu cuộc nói chuyện của mình bằng lời khuyên hãy nhìn Intel. “Intel đã đầu tư tại Việt Nam và đang đầu tư nhiều hơn nữa với mong muốn Việt Nam là đối tác quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Tập đoàn”, ông nói.

“Không phải đơn giản để tập đoàn công nghệ số 1 của Mỹ chọn Việt Nam. Đó là một minh chứng cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam là an toàn, thuận lợi và triển vọng tăng trưởng kinh tế rất sáng sủa”, ông tiếp.

Theo ông Marc, ở vị thế một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đang mở ra cơ hội tốt cho nhà đầu tư lớn vào các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghệ, thiết bị y tế, giáo dục... Đặc biệt, khi Hiệp định TPP được ký kết, Việt Nam không chỉ rất thuận lợi trong mối quan hệ thương mại với Mỹ, mà nơi đây rất có thể trở thành cánh cổng quan trọng để nhà đầu tư Mỹ bước vào thị trường ASEAN.

“Tôi được biết Tập đoàn Johnson&Johnson sẽ mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới, diễn biến này chắc chắn sẽ tạo thêm điểm nhấn thú vị cho môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Marc nói và chia sẻ, ông rất mừng là Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt về mức độ minh bạch và hội nhập.

Nhiều DN Việt Nam đã công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhiều cơ quan quản lý Việt Nam, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… đã công bố thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. “Đó là những việc rất cụ thể để giúp nhà đầu tư lớn dễ dàng tìm hiểu về Việt Nam”, ông nói.

Tỷ phú Wibur L. Ross, người giàu thứ 200 tại nước Mỹ thì đặt câu hỏi: tại sao các DN và nhà đầu tư cổ phiếu nên cân nhắc đến Việt Nam?

Trong cảm nhận của ông, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là đầu tư cổ phiếu khi Chính phủ kiên quyết cổ phần hóa, quyết định nới room và UBCK, Bộ Tài chính quyết tâm giảm các thủ tục hành chính để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

“Tôi đã đến Việt Nam dự một cuộc họp ở Metropole năm 2001, khi đó các gia đình ở đây chủ yếu đi bằng xe đạp. Mới đây, tôi có dịp trở lại Việt Nam và tôi nhận ra một Việt Nam rất khác, nhiều gia đình sở hữu ô tô, thậm chí sở hữu cả những khách sạn lớn”, ông nói.

Vị tỷ phú 77 tuổi này, giàu có bằng con đường mua lại các DN “sắp chết”, tìm cách cải tổ và bán lại giá cao, đã không ngần ngại nhận định, Việt Nam đang trải qua giai đoạn thay đổi trong mối quan hệ giữa Chính phủ và tư nhân về sở hữu. “Đây chính là lúc có thể tìm thấy nhiều cơ hội thú vị”, ông nói với nhà đầu tư Mỹ.

Gói trọn câu chuyện về Việt Nam trong một ngày làm việc giữa nhà đầu tư Mỹ với các nhà quản lý và nhiều DN lớn (SCIC, Vinacomin, Vinatex, HSC, Vina Capital, Dragon Capital...), Hội nghị đã gieo một ấn tượng đẹp về Việt Nam trên thị trường tài chính lớn nhất thế giới.

Sự xuất hiện của một số tỷ phú Mỹ tạo nên một điểm nhấn rất đặc biệt cho sự kiện. Từ sự khởi đầu này, nếu Việt Nam tiếp tục nỗ lực kết nối, đặc biệt là từ chính các DN muốn gọi dòng vốn lớn, chắc chắn những ấn tượng đẹp hôm nay sẽ trở thành cơ hội hợp tác cụ thể của nhà đầu tư Mỹ trong tương lai.

Tin bài liên quan