Đoàn nhà đầu tư đến tìm hiểu tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.

Đoàn nhà đầu tư đến tìm hiểu tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.

Analyst meeting và bất đối xứng thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít thông tin trong các room chat, diễn đàn đến từ chính các đội phân tích sau khi đi tham quan, gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp. Thông tin này thường là chuẩn xác, nhưng có kịp thời, đầy đủ hay không thì nhà đầu tư khó lòng biết được.

Đây cũng chính là hiện trạng rõ nét về việc bất đối xứng thông tin, tạo sự chênh lệch rất lớn về lợi thế giữa người có cơ hội gặp trực tiếp với đông đảo phần còn lại - hầu hết là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

“Ngân hàng chúng tôi thường xuyên đón tiếp các đoàn quỹ đầu tư, CTCK tới gặp gỡ và trao đổi, cập nhật thông tin”. Đó là chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng lớn với người viết trong sự kiện trao giải Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (nay đổi tên thành Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết) cách đây nhiều năm.

Từ đó đến nay, ngân hàng này vẫn thường xuyên tổ chức các buổi Analyst meeting (AM) với sự tham dự chủ yếu là các cổ đông lớn, nhà đầu tư tổ chức (các quỹ đầu tư) và các chuyên gia phân tích ở các CTCK trong và ngoài nước. Để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, ngân hàng này tổ chức cả bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Đây là một trong những hoạt động mà bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) của ngân hàng này chú trọng và rất quen thuộc. Lần gần nhất ngân hàng này tổ chức AM là tháng 5/2023, sau khi có kết quả kinh doanh quý I - với sự tham dự của khoảng 100 người - rất khiêm tốn so với con số vài chục nghìn cổ đông ở thời điểm chốt danh sách đại hội cổ đông 2023. Dù vậy, nhà đầu tư đại chúng có thể tìm ngay ra rất nhiều báo cáo, thậm chí còn được báo cáo phân tích cập nhật theo tháng từ các CTCK về ngân hàng này.

Diễn biến này tương tự ở một số ngân hàng lớn khác trong ngành, thường là các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh, được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, cũng thường xuyên tổ chức các buổi AM định kỳ với sự tham dự tương đối hạn chế.

Tương tự, ở các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ quy mô lớn, có câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn cũng được giới phân tích, quỹ đầu tư săn đón, họ sẽ đặt vấn đề với doanh nghiệp về việc tham quan và lắng nghe thông tin trực tiếp từ ban lãnh đạo định kỳ. Đây cũng là điều thường thấy kể từ khi thị trường chứng khoán thành lập tới nay và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tìm hiểu thông tin chính thống của các bên khi tham gia thị trường.

Vấn đề nằm ở điểm, hầu hết các nhà đầu tư cá nhân không dễ tiếp cận để đăng ký tham dự. Các thông tin trong các buổi AM, sẽ được đưa ra thị trường thông qua các bản báo cáo phân tích từ các công ty chứng khoán với độ trễ nhất định.

Đó là với những buổi AM chủ động của doanh nghiệp, còn với các cuộc tiếp xúc riêng để các quỹ đầu tư, hay chuyên viên phân tích của CTCK tìm hiểu riêng (thường do nhu cầu của tệp khách hàng VIP “đặt hàng”) thì có thể còn phân loại thời gian nhận được báo cáo giữa từng phân khúc khách hàng: nhà đầu tư tổ chức nhận báo cáo tiếng Anh trước, nhà đầu tư đại chúng nhận báo cáo tiếng Việt sau.

Rất hiếm các doanh nghiệp sau các buổi AM có biên bản cuộc họp để đăng tại lại trên website, tạo điều kiện cho những nhà đầu tư không thể tham gia vẫn tiếp cận được thông tin đầy đủ.

Sự lệch pha về “thời gian” tiếp cận thông tin, cũng như hình thức tiếp nhận thông tin “trực tiếp” - qua “báo cáo” tạo ra sự bất cân xứng thông tin (có sự khác biệt về thông tin giữa các bên giao dịch; có nhiều trở ngại trong việc chuyển thông tin giữa các bên; có một bên có thông tin chính xác hơn).

Thông tin bất cân xứng dẫn tới hai rủi ro chính trên thị trường tài chính: chọn lựa đối nghịch và rủi ro đạo đức (tạo ra sau khi cuộc giao dịch được diễn ra - chẳng hạn có các hành vi thao túng giá cổ phiếu).

Từng hỏi vị lãnh đạo ngân hàng ở trên, cũng như với nhiều doanh nghiệp lớn khác: vì sao không biến những buổi gặp gỡ như trên thành hoạt động có tính lan toả hơn thông qua việc phát trực tiếp, hoặc chí ít có bản thông tin đầy đủ sau buổi gặp cho tất cả các bên liên quan đều có thể tiếp cận thông tin.

Câu trả lời nghe có tính thuyết phục nhất là do khẩu vị cũng như nền tảng kiến thức, kinh nghiệm giữa các nhà đầu tư là khác nhau nên mức độ quan tâm về ngành, về doanh nghiệp là khác nhau.

Bởi vậy, doanh nghiệp sẵn sàng đón các đoàn để tham quan, trao đổi thông tin chính thống, đúng quy định và không có điều kiện loại trừ giữa các nhà đầu tư; còn câu hỏi sâu rộng đặt ra cho lãnh đạo tới đâu còn phụ thuộc vào “nội công” của mỗi nhà đầu tư.

Còn chưa kể nhiều nhà đầu tư yêu thích trading dựa trên phân tích kỹ thuật, họ thậm chí còn không tìm hiểu mô hình kinh doanh cũng như triển vọng của doanh nghiệp… Tức là nhu cầu thông tin là hoàn toàn khác nhau, nên phía doanh nghiệp đang thực hiện ở bước “hỏi gì đáp nấy” với các đoàn “ghé thăm”.

Nhưng thực tế còn có nhiều tình huống khác, mục đích khác. Không khó để thấy, không chỉ giới phân tích, mà nhiều đội môi giới cũng có thể gặp gỡ trực tiếp với doanh nghiệp (có thể sẽ có thêm các khách hàng VIP) thông qua việc tự tổ chức hoặc doanh nghiệp chủ động tổ chức.

Sau các cuộc gặp, thông tin được “phân phối” qua các room chat, cộng đồng, đội nhóm… tạo hiệu ứng lan toả lớn trong cộng đồng nhà đầu tư. Hiệu ứng này, để phục vụ cho mục đích gì, có lẽ, chỉ những người lan toả thông tin mới hiểu rõ nhất. Cần chú ý rằng, không ít các “đội lái” đã tận dụng việc có được trước thông tin và đưa thông tin ra thị trường dưới dạng “tin đồn” nhằm tác động đến diễn biến giá cổ phiếu.

Thông tin từ Chương trình IR Awards 2023, đã khảo sát 731 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX và ghi nhận có 364 doanh nghiệp niêm yết đạt Chuẩn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2023, tương ứng tỷ lệ chỉ khoảng 50%.

Doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thôg tin 13 năm qua (2011 – 2023).

Doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thôg tin 13 năm qua (2011 – 2023).

Các con số trên phần nào cho thấy, các doanh nghiệp có hoạt động IR chuẩn chỉnh, thông tin cởi mở với nhà đầu tư còn rất ít, phần đông còn lại tiếp xúc thông tin khá khó khăn, hoặc chỉ chia sẻ thông tin khi có mục đích truyền thông, quảng cáo cho các hoạt động tăng vốn, phát hành trái phiếu sắp tới. Xong mỗi đợt huy động vốn, doanh nghiệp lại trở về trạng thái “im lìm” về thông tin.

Theo IR Magazine, trong thời hậu đại dịch, mọi thứ đã thay đổi, bước sang giai đoạn mới và tập trung nhiều hơn vào việc tạo thêm giá trị cho nhà đầu tư. Thay vì như trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 phải nghĩ cách để kết nối được nhà đầu tư thông qua hình thức trực tuyến, các công ty đang tổ chức sự kiện bằng cả hình thức trực tuyến lẫn tổ chức trực tiếp, tập trung vào truyền đạt thông điệp, kể câu chuyện một cách thực sự có ý nghĩa. Việc để các chuyên viên phân tích tham gia tại nơi tổ chức, trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia trực tuyến sẽ là cách để tự do hóa thông tin đến với tất cả nhà đầu tư.

Tin bài liên quan