Đến năm 2020, dự kiến nâng số lượng chuẩn mực IFRS được tuân thủ lên 30

Đến năm 2020, dự kiến nâng số lượng chuẩn mực IFRS được tuân thủ lên 30

Áp dụng IFRS: Thách thức không chỉ ở thời gian

(ĐTCK) Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong báo cáo tài chính ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài. Tuy nhiên, chặng đường triển khai tại Việt Nam dự báo sẽ đầy chông gai.

Thực tiễn áp dụng IFRS

Tại hội thảo “IFRS - chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thực trạng áp dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước và Hội Kế toán viên công chứng Úc (CPA Australia) đồng tổ chức ngày 14/6, ông Ram Subramanian, cố vấn chính sách về báo cáo, chính sách và hoạt động đối ngoại, CPA Australia cho biết, trong khu vực ASEAN, Brunei đã áp dụng IFRS trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và định chế tài chính.

Singapore đã áp dụng một phần và đến ngày 1/1/2018 sẽ áp dụng cho các công ty niêm yết. Malaysia áp dụng trong tất cả các lĩnh vực, trừ nông nghiệp.

“Cộng đồng IFRS trên toàn cầu tiếp tục mở rộng và theo con số gần nhất, 126 quốc gia đã áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết. Việt Nam đang trên đà gia nhập cộng đồng IFRS này và tận hưởng những lợi ích kinh tế to lớn của việc sử dụng chung ngôn ngữ báo cáo tài chính toàn cầu mang lại”, ông Ram Subramanian nói.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Kế toán trưởng Vietcombank cho hay, trong quá trình làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực tài chính, vốn điều lệ, cũng như làm việc với các đơn vị xếp hạng quốc tế cho thấy, họ rất quan tâm đến việc Ngân hàng có báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế chưa, được kiểm toán theo chuẩn quốc tế chưa? Đặc biệt, báo cáo tài chính do Ngân hàng lập ra hay có sự hỗ trợ từ phía công ty kiểm toán?

“Vietcombank đang trong giai đoạn chuẩn bị và lập ra báo cáo tài chính kiểm toán chuẩn quốc tế có sự hỗ trợ chuyển đổi thủ công cùng công ty kiểm toán. Ở phương diện nào đó, khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp xúc thì đây cũng là sự hạn chế bởi nhà đầu tư mong muốn các ngân hàng có báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế do chính ngân hàng thực hiện chế độ kế toán theo chuẩn quốc tế, chứ không phải đơn thuần là công tác chuyển đổi báo cáo tài chính vào cuối năm”, bà Yến nói.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính, VPBank chia sẻ, từ năm 2010, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã quyết định chuyển đổi, xây dựng mô hình ngân hàng thành ngân hàng hiện đại. Theo đó, chiến lược của tất cả các khối hỗ trợ như tài chính, quản trị rủi ro… đều phải đặt ra mục tiêu chuyển đổi trong thời gian tới sẽ là gì.

Với khối tài chính, câu chuyện là phải có IFRS, nghĩa là kế hoạch này đã có từ năm 2010. Cùng với việc VPBank thuộc nhóm 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thực hiện thí điểm Basel 2, việc chuyển đổi của khối quản trị rủi ro đã hỗ trợ khối tài chính trong việc triển khai IFRS.

Về lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) thông tin, đến năm 2018, lựa chọn 10 - 20 chuẩn mực IFRS đơn giản và phù hợp với Việt Nam để một số đơn vị áp dụng thí điểm từ năm 2019 và các đơn vị có lợi ích công chúng áp dụng từ năm 2020.

Đến năm 2020, dự kiến nâng số lượng chuẩn mực IFRS được tuân thủ lên 30, khuyến khích các đơn vị không có lợi ích công chúng áp dụng. Năm 2023, tuyên bố tuân thủ hoàn toàn IFRS và đến năm 2025 phải hoàn tất quá trình chuyển đổi.

Theo bà Dương, một số ngân hàng trên thế giới đã chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS 9 từ năm 2014, ngay khi chuẩn mực này được ban hành. Bởi IFRS 9 là một bước tiến, xoay quanh 3 vấn đề của công cụ tài chính: phân loại đo lường, suy giảm giá trị và kế toán phòng ngừa. Cụ thể, hướng dẫn xây dựng mô hình “tổn thất tín dụng dự kiến” (ECL model), sử dụng thông tin định hướng tương lai, tiệm cận hơn với mô hình đo lường và quản trị rủi ro.

“IFRS 9 bắt tính toán xác xuất vỡ nợ trong vòng 12 tháng và cả vòng đời, đây là khái niệm theo Basel và IFRS chưa có. Nếu Việt Nam áp dụng được là điều rất tốt bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rốt ráo yêu cầu báo cáo số liệu nợ xấu chuẩn xác, các ngân hàng nghiêm túc thực hiện báo cáo nợ xấu, chấn chỉnh hoạt động cho vay, tăng cường công tác trích lập dự phòng rủi ro”, bà Dương nhấn mạnh.

Được biết, kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của IFRS 9 do Cơ quan Ngân hàng châu Âu thực hiện trong năm 2016 so với IAS 39 (chuẩn mực kế toán quốc tế), IFRS 9 dự kiến sẽ dẫn đến các thay đổi sau: số dư dự phòng tăng trung bình 18 - 30%, tỷ lệ vốn cấp 1 giảm trung bình khoảng 0,59%.

“Tại Việt Nam hiện nay, nhiều ngân hàng đã nhận thức được lợi ích của việc đưa IFRS 9 vào thực tiễn, nhưng vẫn chưa thực sự bắt đầu xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn mực này”, bà Dương nhận xét.

Khó khăn, nhưng lợi ích lớn

Chưa đề cập đến IFRS 9, bà Dương nhận định, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Cụ thể, có sự khác biệt lớn giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với IFRS, chi phí cao để xây dựng hệ thống và tuyển dụng chuyên gia, thị trường năng động tại Việt Nam chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, thiếu thực tế áp dụng và kiến thức về IFRS, thiếu sự hỗ trợ từ hệ thống công nghệ thông tin và tâm lý e ngại khi áp dụng cái mới.

Đối với việc áp dụng IFRS 9, theo bà Dương, thách thức các ngân hàng phải đối mặt là chi phí lớn, bao gồm đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, chi phí chuẩn bị và triển khai dự án, chi phí tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực, chi phí đào tạo…

Trong khi đó, hiện thiếu cơ sở dữ liệu quá khứ để chạy mô hình; nguồn nhân lực chưa đủ kinh nghiệm để áp dụng IFRS 9; thiếu chuyên gia dự báo, quản trị rủi ro và hệ thống chưa sẵn sàng để thực hiện. Ngoài ra, áp dụng IFRS 9 phụ thuộc nhiều vào các dự báo về kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến việc áp dụng IFRS, ông Trương Anh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát hệ thống ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: “Cần phải thấy rõ, thực hiện IFRS là lợi ích kinh tế, chứ không phải nhằm mỗi mục tiêu thực hiện báo cáo tài chính”.

Bà Dương cho rằng, các ngân hàng cần nhanh chóng tiến hành phân tích thực trạng, tận dụng các nguồn lực có sẵn nhằm tiết kiệm chi phí; xây dựng ngân sách ngắn, trung, dài hạn, có tính đến chi phí nâng cấp hệ thống, xây dựng quy trình và nâng cao năng lực lập báo cáo tài chính; đào tạo, cập nhật kiến thức, trải nghiệm thực tế, xây dựng sổ tay, chính sách, quy trình; rà soát thực trạng và xác định sự cần thiết phải thay đổi hệ thống, xây dựng ngân sách để nâng cấp, phát triển hệ thống cũng như tạo môi trường khuyến khích sự thay đổi và chấp nhận cái mới.

Với IFRS 9, bà Dương khuyến nghị, cần xây dựng lộ trình áp dụng tổng quan; đánh giá ảnh hưởng, chuẩn bị nguồn lực và xây dựng mô hình, tiến hành thử nghiệm và triển khai. Đối với các ngân hàng đã triển khai Basel II, các ngân hàng cũng cần phải có lộ trình trong việc chuyển đổi từ mô hình tính toán rủi ro tín dụng theo Basel sang mô hình tín dụng (EC 2) theo yêu cầu của IFRS 9.

“Việc thay đổi nhìn chung đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự đầu tư thích đáng về thời gian và nguồn lực. Nhưng chắc chắn, việc áp dụng thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn trong tương lai”, bà Dương nói.

Tin bài liên quan