Áp dụng quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam

Áp dụng quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả đánh giá quản trị doanh nghiệp qua các năm cho thấy, các doanh nghiệp quản trị tốt có giá cổ phiếu cao và kết quả kinh doanh tốt hơn các doanh nghiệp quản lý kém.

Những mặt phát huy tốt

Đối với quyền lợi của cổ đông, các doanh nghiệp đáp ứng tốt ở mức độ tuân thủ. Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh vào khoảng tháng 5, nhưng số doanh nghiệp tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đúng hạn lớn hơn nhiều so với năm 2020 do doanh nghiệp đã đối phó quen. Tài liệu họp được công ty chuẩn bị đầy đủ và công bố trước ĐHCĐ ít nhất 10 ngày. Tại ĐHCĐ có thông qua thù lao và chi phí cho thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát, đồng thời biên bản ĐHCĐ được công bố công khai vào ngày làm việc tiếp theo với kết quả biểu quyết đầy đủ cho từng chương trình nghị sự.

Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành thanh toán đầy đủ cổ tức cho cổ đông trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ. Tuy nhiên, thời gian này vẫn còn khá dài so với thông lệ của ASEAN yêu cầu doanh nghiệp chi trả cổ tức trong vòng 1 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ Tiên, Thành viên Hội đồng đánh giá Sơ khảo Quản trị công ty năm 2021
Bà Nguyễn Thị Thuỷ Tiên, Thành viên Hội đồng đánh giá Sơ khảo Quản trị công ty năm 2021

Đối với phát triển bền vững, các doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển bền vững song hành với mục tiêu tăng trưởng thường công bố thông tin đầy đủ về chính sách và thực hành liên quan đến vai trò của các bên liên quan, cũng như đáp ứng tốt ở mức thông lệ. Điều này cũng thấy rõ sự khác biệt giữa nhóm vốn hóa lớn và nhóm vốn hóa nhỏ.

Đối với tiêu chí công bố thông tin minh bạch, nhìn chung các doanh nghiệp thực hiện tốt ở mức độ tuân thủ theo quy định hiện hành của Thông tư 155/2015/TT-BTC, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế ở mức độ quản trị tiến bộ. Công bố báo cáo thường niên, báo cáo tình hình quản trị công ty đúng hạn; cung cấp đầy đủ thông tin về sở hữu cổ phần của cổ đông nội bộ.

Về vấn đề quản trị công ty, báo cáo của HĐQT, báo cáo tình hình quản trị công ty của hầu hết doanh nghiệp có mô tả chi tiết về hoạt động của HĐQT trong năm thể hiện vai trò lãnh đạo của HĐQT trong quá trình xây dựng, theo dõi, giám sát thực thi chiến lược cho công ty, đồng thời công khai các cuộc họp, tình hình tham gia cuộc họp của từng thành viên HĐQT, ban kiểm soát và tổng kết các cuộc họp, quyết định của HĐQT trong năm.

Nghị định 71/2017/NĐ-CP cho 3 năm để doanh nghiệp chuẩn bị tách bạch chức danh của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc/giám đốc, nhưng đến năm nay các doanh nghiệp mới thực hiện khá tốt điều này, hiện tại thẻ điểm VCGS cũng chuyển tiêu chí này từ thông lệ sang tuân thủ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đáp ứng được thông lệ tốt là không có thành viên HĐQT nào là tổng giám đốc từng tại vị trong thời gian 2 năm trước đây kể từ đầu năm đánh giá để ngăn ngừa tổng giám đốc cũ gây khó khăn, cản trở cho sự đổi mới, hay cố gắng che giấu cho sự sai phạm của mình.

Để xây dựng được một đội ngũ HĐQT hiệu quả có đầy đủ năng lực để chèo lái doanh nghiệp thì đa số các công ty có công bố quy trình tìm kiếm, tuyển chọn, giới thiệu, đề cử nhân sự cho HĐQT, nhưng chủ yếu là cách thức, quy trình đề cử, ứng cử và giới thiệu mẫu, trong khi các nước trong khu vực ASEAN thường dựa vào nhu cầu, chiến lược phát triển của công ty để đề ra các yêu cầu cho thành viên HĐQT về trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, giới tính ra sao, tính độc lập như thế nào và nguồn tìm kiếm ứng viên cũng đa dạng hơn.

Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực 1/1/2021 đã mở rộng phạm vi chuyên môn, kinh nghiệm cho trưởng ban kiểm soát/chủ tịch ủy ban kiểm toán các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong khi năm ngoái chỉ có chuyên môn hoặc kinh nghiệm về kế toán, kiểm toán, tài chính. Điều này làm tăng tỷ lệ các doanh nghiệp đạt được tiêu chí trên so với năm ngoái.

Những mặt hạn chế

Các khía cạnh quản trị công ty, trong tình hình dịch bệnh phức tạp và tình trạng giãn cách xã hội kéo dài gây khó khăn cho tổ chức ĐHCĐ trực tiếp, việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để tổ chức đại hội trực tuyến (e-meeting) và biểu quyết trực tuyến (e-voting) là việc cần thiết, nhưng dù có cải thiện hơn 2020, vẫn chỉ có 13% doanh nghiệp áp dụng do cả lý do chủ quan và khách quan.

Hơn nữa, trong thư mời họp hay quy chế tổ chức ĐHCĐ, cổ đông chưa được hướng dẫn để đóng góp ý kiến về vấn đề thảo luận trong các chương trình nghị sự trước ngày tham dự đại hội, hay chưa có cơ chế cho cổ đông/nhóm cổ đông nhỏ có cơ hội đề xuất ứng cử viên HĐQT.

Đối với các doanh nghiệp có bầu mới thành viên HĐQT hay ban kiểm soát, công ty chưa cung cấp thông tin hay cung cấp thông tin không đầy đủ về ứng viên mới. Biên bản ĐHCĐ chưa công bố danh sách thành viên HĐQT, ban kiểm soát, tổng giám đốc tham dự đại hội và danh sách các ứng viên công ty kiểm toán.

Về mặt đối xử bình đẳng giữa các cổ đông, công ty chưa đảm bảo tốt quyền lợi cho cổ đông nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin khi không công bố tài liệu họp và sau họp bằng tiếng Anh.

Năm 2021, mặc dù công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) có cải thiện, nhưng đa số được thực hiện ở các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất hạn chế.

Các tiêu chí về vai trò của các bên có quyền lợi liên quan chưa được các doanh nghiệp đáp ứng tốt, mặc dù đã có tiến bộ qua các năm. Chỉ có 49,9% doanh nghiệp có chính sách, quy định thủ tục cùng hành động thực tiễn đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chỉ có khoảng 4,2% doanh nghiệp công bố bộ tiêu chí liên quan đến môi trường và xã hội khi lựa chọn nhà cung cấp và 20% doanh nghiệp công bố chính sách và thực hành bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ của khách hàng.

Tương tự, các doanh nghiệp chưa chú trọng thực hiện các chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên, chương trình kế nhiệm, cũng như chính sách khen thưởng cho nhân viên gắn với hiệu quả hoạt động dài hạn, thay vì ngắn hạn.

Hiện tại, rất hiếm công ty cung cấp thông tin liên hệ trên website cho các bên có quyền lợi liên quan sử dụng để lên tiếng về lo ngại hay khiếu kiện khi có sai phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, cũng như chưa có chính sách báo cáo sai phạm về quy trình báo cáo, chính sách bảo mật thông tin người báo cáo tránh bị trả đũa, quy trình tiếp nhận và xử lý như thế nào để các bên liên quan thực hiện, chỉ có 9/520 doanh nghiệp đáp ứng.

Qua kết quả đánh giá năm 2021 cho thấy đã có tiến bộ, nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn GRI, báo cáo tích hợp, SASB.

Đối với vấn đề công bố thông tin, hầu hết các công ty đều chưa đạt điểm tối đa ở các tiêu chí tuân thủ vì thông tin công bố chưa đầy đủ, chi tiết theo yêu cầu nâng cao của câu hỏi. Phần lớn các doanh nghiệp chưa công bố rõ ràng về tính độc lập của thành viên HĐQT và vẫn còn yếu kém về việc cung cấp thông tin thù lao cho thành viên HĐQT, ban kiểm soát và lương của ban điều hành.

Kết quả đánh giá cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ nêu tuân thủ các quy định về quản trị công ty, tuân thủ Luật Doanh nghiệp, điều lệ, quy chế quản trị, mà chưa khẳng định sự tuân thủ đầy đủ với quy định về quản trị công ty, hay chưa nhận thức rõ những chuẩn mực đã thực hiện tốt, những chuẩn mực yếu kém cần cải thiện.

Việc thực hiện quản trị công ty ở Việt Nam còn mang hình thức đối phó hơn là tự nguyện, chẳng hạn Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2017 đến nay đã hơn 3 năm, nhưng các doanh nghiệp chưa bổ nhiệm chức danh người phụ trách quản trị công ty/thư ký công ty/thư ký HĐQT, nhưng kết quả đánh giá cho thấy tỷ lệ thực hiện đã cải thiện qua từng năm. Hiện nay, các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến việc cập nhật kiến thức cho các thành viên này hàng năm và chưa sẵn sàng áp dụng hay đánh giá về việc đã, đang và chuẩn bị áp dụng bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất được ban hành vào tháng 8/2019.

Từ thực tế đánh giá cho thấy, nâng cao năng lực quản trị cần thực hiện nhanh và triệt để hơn nữa. Với năng lực quản trị tốt, doanh nghiệp sẽ tối đa hoá được hiệu quả kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường, vượt qua và phục hồi sau khủng hoảng nhanh hơn, đồng thời giảm xung đột lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan. Doanh nghiệp cần vượt lên trên sự tuân thủ theo cách đối phó, mà cần tự nguyện áp dụng ở mức cao hơn luật, hướng đến quản trị doanh nghiệp ở mức tiến bộ. Các doanh nghiệp cần nhận thức rằng, quản trị tốt trước hết là làm vì lợi ích của doanh nghiệp, không phải thực thi đúng luật.

Tin bài liên quan