Áp lực chốt lời có thể xuất hiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tiếp tục tăng, tiến tới ngưỡng kháng cự tiếp theo, nhưng nhóm ngân hàng đã tăng giá mạnh có thể xuất hiện áp lực chốt lời trong thời gian tới.
Áp lực chốt lời có thể xuất hiện

Nhóm ngân hàng vào vùng “quá mua”

Tuần giao dịch từ 15 - 19/1/2024 khiến giới đầu tư hài lòng khi VN-Index tăng 2,39%, đạt 1.181,5 điểm. Nhịp tăng của chỉ số khá mạnh, vượt qua vùng kháng cự 1.160 - 1.170 điểm, qua đó mở ra cơ hội tiến tới vùng kháng cự tiếp theo ở 1.190 - 1.200 điểm.

Thanh khoản duy trì ở mức tích cực, dù giảm nhẹ so với tuần trước đó, với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 15.000 tỷ đồng/đồng.

Dòng tiền có sự luân chuyển rõ ràng giữa các nhóm cổ phiếu chủ chốt như ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhóm ngành với vốn hóa trung bình lại chứng kiến mức tăng hạn chế, bao gồm chứng khoán, thép, thủy sản, hóa chất.

Như vậy, VN-Index đã ghi nhận mức tăng đáng kể sau giai đoạn kiểm tra lại các ngưỡng kháng cự mạnh. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu dựa vào các nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng. Với nhiều mã ngân hàng tăng trên 20%, thậm chí có mã tăng trên 40% như BID, CTG, đa số các mã trong nhóm đã vào vùng quá mua. Điều này tạo ra rủi ro điều chỉnh khi áp lực chốt lời gia tăng, trong bối cảnh hầu hết thông tin tích cực về ngành đã được phản ánh đầy đủ.

Do đó, nhà đầu tư không nên vội vã tham gia nhóm ngân hàng trong giai đoạn hiện tại, mà nên chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành khác, hoặc chờ mua khi giá điều chỉnh.

Bất động sản - Kỳ vọng phục hồi

Ngành bất động sản vừa trải qua giai đoạn trầm lắng, khi lượng giao dịch trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp giảm 35 - 40% so với một năm trước. Nguồn cung căn hộ và nhà đất cũng giảm mạnh do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình huy động vốn và tiếp cận vốn vay.

Tuy nhiên, vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có một quy định dự kiến có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản: “Đối với dự án đầu tư đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đấu thầu từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa giao đất, cho thuê đất mà thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, pháp luật có liên quan và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, chủ đầu tư theo quy định của Luật này”.

Điều khoản trên có thể tác động đáng kể lên chi phí vốn quỹ đất của các doanh nghiệp trong tương lai, bởi có khả năng các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí lớn hơn trong việc tích lũy quỹ đất cho dự án. Ngược lại, đây lại là lợi thế của các doanh nghiệp đã có sẵn quỹ đất lớn, vì chi phí sẽ cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp chưa có sẵn quỹ đất.

Có nhiều yếu tố tích cực mang lại triển vọng hồi phục cho ngành bất động sản trong năm 2024 bao gồm: 1) Mặt bằng lãi suất giảm kích thích nhu cầu của người mua nhà và doanh nghiệp phát triển bất động sản; 2) Các cơ quan chức năng đang quyết liệt tháo gỡ các nút thắt pháp lý của hàng loạt dự án bất động sản; 3) Các doanh nghiệp bất động sản có cấu trúc tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ vay tương đối thấp so với mặt bằng chung vẫn có thể triển khai dự án khi hoàn thiện pháp lý.

Do đó, chúng tôi ưu tiên tiềm năng cho các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn, phân khúc tập trung vào nhóm nhà ở trung cấp và cận trung cấp (có nhu cầu mua để ở thực cao). Ngoài ra, các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp hơn trung bình ngành sẽ có ưu thế trong việc triển khai các dự án mới.

Tin bài liên quan