Chuẩn bị trước cho nhịp điều chỉnh
Trong tuần qua, động lực tăng điểm của VN-Index phân hóa rõ nét giữa nhóm cổ phiếu bluechip và phần còn lại của thị trường. Nhóm bất động sản, nổi bật là các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup, cổ phiếu HVN, cùng với nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt.
Các cổ phiếu bluechip trên là lực kéo chính giúp VN-Index tăng điểm trong hai phiên đầu tuần. Tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh dần ở nhóm này khiến thị trường điều chỉnh giảm trong phiên thứ Năm, cùng với khối lượng giao dịch tăng. Phiên cuối tuần, thị trường giao dịch trong trạng thái giằng co.
Nhìn lại 4 tuần gần nhất, VN-Index ghi nhận hai điểm nhấn kỹ thuật: Một là, chỉ số đã phục hồi mạnh, vượt lên dứt khoát trên hai đường trung bình động quan trọng MA 50 và MA 100, kèm theo tín hiệu động lượng tích cực từ chỉ báo RSI 14. Tuy nhiên, chỉ báo RSI 14 bắt đầu xuất hiện tín hiệu phân kỳ giảm từ ngày 14/5. Hai là, thanh khoản tăng ổn định, với 8 phiên liên tiếp vượt mức trung bình của 15 phiên liền trước. Việc thanh khoản tăng mạnh trong hai phiên giảm điểm 21 - 22/5 báo hiệu áp lực bán chốt lời.
Chúng tôi đánh giá, nhiều khả năng VN-Index sẽ có một nhịp điều chỉnh trong những phiên giao dịch tới. Động lực tăng điểm gần đây chủ yếu dựa trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ chưa có sự hưởng ứng tương xứng và chưa có sự lan tỏa của dòng tiền, điều này khiến tâm lý thị trường dễ bị dao động và thận trọng. Hành động chốt lời đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kèm với sự thận trọng đối với phần còn lại của VN-Index tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh kỹ thuật.
Vùng hỗ trợ đáng chú ý nằm tại các đường MA 50 và MA 100 (VN-Index quanh 1.271 điểm) và sâu hơn là mức Fibonacci 50% (1.235 điểm) tính từ đáy sóng tăng gần nhất. Nếu thị trường điều chỉnh, chúng tôi kỳ vọng, dòng tiền bắt đáy sẽ có sự xoay chuyển vào nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, cùng một số cổ phiếu vốn hóa lớn từng đóng vai trò dẫn dắt nhưng chưa tăng giá mạnh trong thời gian qua.
Lưu ý, yếu tố chính hạn chế đà hồi phục của thị trường chứng khoán hiện nay là lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam. Dù vậy, quá trình đàm phán đã có tiến triển tích cực sau vòng 2 và dự kiến sẽ tiếp tục bước vào vòng đàm phán kỹ thuật đầu tháng 6 tới.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm ít quốc gia được Mỹ ưu tiên đối thoại, trong khi phần lớn các nước khác có nguy cơ bị áp thuế đơn phương. Cùng với thông tin Tập đoàn Trump Organization triển khai dự án tại Hưng Yên, đây là những tín hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng về một kết quả thuận lợi cho Việt Nam.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, dòng tiền trên thị trường không dễ lan tỏa trở lại và nếu nhóm cổ phiếu bluechip bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật, chỉ số chung có thể chịu áp lực giảm. Do nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình chưa tăng nóng, nên khả năng thị trường điều chỉnh sâu không lớn, mà chỉ là nhịp điều chỉnh phân hóa.
Từ những nhận định trên, chúng tôi khuyến nghị, nhà đầu tư nên chốt lời ngắn hạn đối với các vị thế đã có lãi và duy trì tỷ trọng tiền mặt hợp lý, khoảng 30% giá trị tài sản ròng, nhằm chủ động ứng phó với rủi ro điều chỉnh và bảo vệ tâm lý nắm giữ.
Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không nên giải ngân lớn, mà chờ nhịp điều chỉnh rõ ràng hơn. Khi đó, có thể giải ngân từng phần và cơ cấu danh mục cân đối giữa cổ phiếu bluechip và nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ có nền tảng cơ bản tốt.
![]() |
Nguồn: Phòng Nghiên cứu Chiến lược thị trường HSC tổng hợp |
Biến động tài chính toàn cầu và sức hút vốn ngoại
Thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, đang ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý.
Một là, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài đồng loạt tăng, riêng trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 20 điểm cơ bản trong tuần qua, sau động thái hạ bậc tín nhiệm của Moody’s đối với Chính phủ Mỹ.
Hai là, đồng USD tiếp tục suy yếu khi chỉ số DXY giảm 1,12% trong tuần.
Ba là, chỉ số S&P 500 giảm 0,99% so với đầu năm 2025, kém hấp dẫn so với các thị trường lớn khác như Hồng Kông - Trung Quốc (tăng 21,43%), Trung Quốc đại lục (tăng 4,87%), Anh (tăng 6,15%), Đức (tăng 20,46%).
Những diễn biến trên phản ánh xu hướng điều chỉnh tỷ trọng trong danh mục đầu tư tại Mỹ - điều đã được dự báo do các yếu tố rủi ro như chính sách thương mại và đối ngoại thiếu ổn định, nợ công tăng cao và rủi ro tín dụng chính phủ ngày càng lớn.
Trong bối cảnh đó, dòng vốn toàn cầu đang chuyển sang trạng thái thận trọng, nhưng vẫn có khả năng xoay chuyển nhanh nếu xuất hiện các thị trường mới nổi hấp dẫn hơn. Đây chính là cơ hội cho khu vực châu Á nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.
Việt Nam nổi lên như một điểm đến tiềm năng nhờ kết hợp giữa yếu tố ngoại và nội tại thuận lợi.
Thứ nhất, đàm phán thương mại với Mỹ đang có tiến triển tích cực.
Thứ hai, tỷ giá USD/VND nhìn chung ổn định, tạo niềm tin vào chính sách tiền tệ.
Thứ ba, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa Việt Nam và nhiều thị trường đang phát triển vẫn giữ ở mức dương hoặc ổn định.
Thứ tư, tăng trưởng kinh tế vượt trội so với nhiều nước trong khu vực.
Những yếu tố đó càng củng cố kỳ vọng dòng vốn nước ngoài sớm quay trở lại, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường. Việc triển khai hệ thống KRX đang diễn ra suôn sẻ. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước có các động thái tích cực, dự kiến sẽ sớm đưa vào vận hành các tính năng mới của KRX như thanh toán giao dịch trong ngày (intra-day settlement), cho thấy nỗ lực cải thiện hạ tầng thị trường, qua đó gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.