Tỷ giá tiếp tục ổn định do nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh

Tỷ giá tiếp tục ổn định do nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh

Áp lực tỷ giá sẽ nhẹ dần

0:00 / 0:00
0:00
Tỷ giá vẫn neo cao bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng một lượng tiền lớn.

Tỷ giá vẫn neo cao song sẽ giảm dần áp lực

Cuối tuần qua, USD bán ra tại Vietcombank ở mức 24.750 VND/USD, tăng gần 4,4% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm đã tăng hơn 2% so với đầu năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính khiến tỷ giá trong nước tăng là do USD tăng mạnh trên thế giới. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, bản thân giá USD đã tăng khoảng 4%. Như vậy, mức biến động tỷ giá trong nước tương đồng với mức độ tăng giá của đồng USD.

Theo chuyên gia này, USD vẫn mạnh trên thế giới, dù Fed không tăng lãi suất là do kinh tế Mỹ đang phục hồi tích cực nhờ sự tăng trưởng mạnh của công nghiệp vũ khí, công nghiệp nhiên liệu hóa lỏng và công nghiệp hóa dầu.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù Fed không tăng lãi suất trong phiên họp chính sách tháng 11 vừa diễn ra, song lãi suất của Fed vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 22 năm và “kỷ nguyên tiền đắt” sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, điều này khiến chỉ số USD Index tiếp tục tăng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, USD tăng giá do Fed sẽ còn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt một thời gian nữa. Dự kiến 3 năm tới, lãi suất của Fed mới về mức 2,9%, tức 3 năm nữa, lãi suất của Mỹ vẫn cao hơn mức lãi suất trung tính (2,5%). Nói cách khác, kỷ nguyên tiền đắt trên thế giới vẫn duy trì ít nhất 3 năm nữa.

Sự tăng giá của USD trên thế giới cộng với xu hướng đầu cơ USD tăng mạnh trong nước (do chênh lệch lãi suất USD - VND kéo dài suốt nửa năm qua) đẩy tỷ giá tăng cao gần chạm mức đỉnh của năm 2022. Trong bối cảnh đó, hơn một tháng qua, NHNN liên tiếp phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày để hút tiền về, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND để các ngân hàng không có động lực đầu cơ USD.

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, biện pháp trên của NHNN phần nào đã có hiệu quả khi lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại trong gần một tháng qua. Giải pháp này cũng giúp thị trường ổn định hơn là việc bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

Ưu tiên giảm lãi suất hơn “ghìm” tỷ giá

Dù tỷ giá vẫn đang neo cao và lãi suất liên ngân hàng đang giảm trở lại bất chấp nỗ lực hút ròng của NHNN, song các chuyên gia cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ giảm dần thời gian tới.

“NHNN đã can thiệp tỷ giá bằng cách phát hành tín phiếu hút ròng tiền về, theo tôi, không cần có can thiệp mạnh hơn. Hiện cung ngoại tệ trong nước rất dồi dào, nên không đáng ngại. Hơn nữa, dự báo, Fed sẽ giảm lãi suất từ năm 2024. Điều này sẽ khiến giá USD chững lại và áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm bớt”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB cũng dự báo rằng, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý IV/2023, song sẽ giảm xuống mức thấp hơn kể từ quý I/2024. UOB dự báo, tỷ giá sẽ giảm xuống chỉ còn 23.600 VND/USD trong quý III/2024.

Có hai giải pháp mạnh mà NHNN có thể tiến hành nếu muốn “ghìm” ngay tỷ giá, đó là tăng lãi suất điều hành hoặc bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Tuy vậy, trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang tập trung hỗ trợ tăng trưởng, giải pháp tăng lãi suất điều hành là không khả thi, thậm chí NHNN đang để ngỏ khả năng giảm thêm lãi suất điều hành.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên chấp nhận để tỷ giá mất giá 3-5% nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Khả năng tỷ giá có thể nhanh chóng hạ nhiệt khi cao điểm cầu ngoại tệ qua đi.

Hiện nay, có nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá.

Thứ nhất, cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng đầu năm ước xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD).

Thứ hai, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, kiều hối tiếp tục tăng trưởng ổn định và áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến.

Mặc dù rủi ro với tỷ giá là có, song các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, NHNN vẫn còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất. Theo nhận định của các chuyên gia ACBS, NHNN sẽ có 2 giải pháp trong ngắn hạn. Đó là tiếp tục phát hành tín phiếu hút tiền, hoặc xem xét sử dụng phương án bán kỳ hạn USD kỳ hạn 3 - 6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.

Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, giải pháp bán ngoại tệ can thiệp thị trường cũng là giải pháp cuối cùng được NHNN tính tới.

Về phía NHNN, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, USD đang tăng giảm theo giá thế giới và cung cầu thị trường.

“Doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá, vì NHNN sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá”, ông Đào Minh Tú khẳng định.

Mặc dù có một số ý kiến lo ngại về tỷ giá “nhảy múa”, song theo lãnh đạo NHNN, thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để “cứng đơ” thì không còn là kinh tế thị trường.

Tỷ giá có thể giảm vào cuối năm

Trong báo cáo vừa ban hành, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực đối với tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn do thách thức đến từ lợi suất tại thị trường Mỹ tăng về mức kỷ lục cùng với việc USD Index neo ở mức cao. Tuy vậy, áp lực mất giá tiền đồng sẽ được kiềm chế và tỷ giá có thể giảm trở lại vào cuối năm với kỳ vọng các yếu tố cơ bản về cung - cầu ngoại tệ trong nước sẽ hỗ trợ để chống chọi với áp lực từ bên ngoài.

Tin bài liên quan