Lãnh đạo HKMA phải lưu tâm đến nguy cơ tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao

Lãnh đạo HKMA phải lưu tâm đến nguy cơ tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao

Bài học tự cải thiện quy trình thanh tra, giám sát từ Hồng Kông

(ĐTCK) Trong số các cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát hệ thống tài chính - ngân hàng, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (Hong Kong Monetary Authority - HKMA) được các tổ chức xếp hạng thế giới đánh giá là cơ quan quản lý nhà nước hoạt động tương đối hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ và ứng phó hợp lý với các diễn biến bất lợi của thị trường.

Việc nghiên cứu các vấn đề, tồn tại do HKMA phát hiện, cùng kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình áp dụng hoạt động thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro của cơ quan này là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro, rút ngắn thời gian triển khai khi áp dụng tại Việt Nam. 

Khuôn khổ thanh tra, giám sát của HKMA

Hiện tại, khuôn khổ thanh tra, giám sát tài chính của HKMA được xây dựng trên 5 cấu phần chính: Hệ thống xếp hạng CAMELS; Tiếp cận thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro (Risk-based supervisory approach - RSA); Quy trình đánh giá thanh tra, giám sát (Supervisory review process - SRP); Đánh giá an toàn vi mô (micro-prudential) và đánh giá an toàn vĩ mô (macro-prudential); và Các chương trình kiểm tra sức chịu đựng (Stress testing programme).

Năm cấu phần trên đưa ra đánh giá tổng thể về các loại hình rủi ro mà tổ chức tín dụng phải đối mặt, chất lượng hệ thống quản trị rủi ro và khả năng chịu đựng các cú sốc của tổ chức tín dụng. Hạt nhân của khuôn khổ là hệ thống thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, thực hiện đánh giá hồ sơ rủi ro của tổ chức tín dụng thông qua 8 loại rủi ro: tín dụng, thị trường, thanh khoản, lãi suất, hoạt động, pháp lý, danh tiếng và chiến lược.

Đối với mỗi loại rủi ro, HKMA đánh giá cấp độ rủi ro tiềm ẩn và chất lượng của hệ thống quản trị rủi ro kiểm soát các rủi ro đó, nhằm đạt được đánh giá hồ sơ rủi ro tổng thể. Kết quả này sau đó được đưa lên hệ thống SRP (đưa vào sử dụng vào tháng 1/2007). 

Tiếp đó, SRP được dùng làm đầu vào để đánh giá tổng quan về sự an toàn và hợp lý của các tổ chức tín dụng này theo hệ thống CAMELS. Các đánh giá được thu gọn lại thành hệ thống xếp hạng các tổ chức tín dụng gồm 13 vấn đề, tóm lược cái nhìn của HKMA đối với tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, đánh giá an toàn vĩ mô là công cụ giám sát từ xa định kỳ được lập 6 tháng/lần, tập trung vào nhận diện các loại hình rủi ro xuất hiện trên toàn bộ hệ thống tín dụng; xem xét các xu hướng an toàn vi mô liên quan đến hoạt động ngân hàng, giám sát tình hình thực hiện các khung ổn định tài chính.

Mặt khác, báo cáo đánh giá an toàn vi mô hàng quý tập trung vào rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng thông qua việc tập trung vào các đơn vị có thay đổi diễn biến xấu hoặc duy trì hoạt động tương đối yếu kém so với trung bình ngành. Các đánh giá này được tăng cường bằng các chương trình kiểm tra sức chịu đựng, dùng để giám sát, theo dõi hoạt động của một số tổ chức tín dụng chọn lọc.

Áp dụng những công cụ nêu trên, HKMA có thể nhận diện các tổ chức tín dụng nổi bật dễ bị tổn thương trước áp lực, cũng như các lĩnh vực rủi ro cao chủ chốt là tác nhân gây ra áp lực đó. 

Những vấn đề cần tháo gỡ

Khuôn khổ thanh tra, giám sát hiện tại của HKMA là khá toàn diện, khi có thể nhận diện được các rủi ro chủ yếu đối với hệ thống và từng tổ chức tín dụng đơn lẻ, được các tổ chức quốc tế đánh giá là hiệu quả, dễ tiếp cận, linh hoạt, không chỉ ở cấp độ khu vực mà còn trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá do ông David Carse (Cố vấn, nguyên Phó giám đốc HKMA), hệ thống thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro của HKMA còn tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết như: hợp lý hoá quy trình đánh giá từ xa, quy trình thanh tra tại chỗ và tăng cường giám sát an toàn vĩ mô.

Quy trình đánh giá từ xa của HKMA được xây dựng chủ yếu dựa trên Phương pháp tiếp cận thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro (RSA), Quy trình đánh giá thanh tra, giám sát (SPM) và hệ thống xếp hạng theo CAMELS. Các thông tin đánh giá về tổ chức tín dụng được đưa lên hệ thống SPM và CAMELS để từ đó định hướng các rủi ro lớn nhất của TCTD, là cơ sở để HKMA định hướng thanh tra tại chỗ. Tiếp đó, các hoạt động kiểm tra, họp/phỏng vấn tại chỗ cung cấp tài nguyên để cập nhật thông tin đánh giá từ xa, khép kín vòng lặp thanh tra - giám sát.

Tuy nhiên, quy trình thanh tra, giám sát này cần được: Bổ sung, cập nhật phù hợp với biến động tài chính - kinh tế của Hồng Kông; Giảm thiểu các mảng trùng lặp giữa RSA, SRP và CAMELS để giảm nhẹ khối lượng công việc (đặc biệt là các việc “không tên”) cho đội ngũ cán bộ tập trung đào tạo/tự đào tạo vào các lĩnh vực cần đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu; Có phương án cải thiện năng lực đội ngũ cán bộ đánh giá toàn diện và đúng đắn hồ sơ rủi ro của TCTD và bổ sung công cụ hỗ trợ thực hiện công việc được giao; Định hướng cán bộ tránh đánh giá TCTD xung quanh mức “trung bình” hoặc “chấp nhận được”; Làm rõ mối quan hệ giữa các rủi ro được phát hiện qua giám sát từ xa và định hướng thanh tra tại chỗ, đồng thời tránh việc cán bộ thanh tra chỉ tập trung vào kế hoạch thanh tra được vạch sẵn mà không phát hiện được vấn đề phát sinh khi thanh tra tại chỗ;…

Để tháo gỡ các tồn tại này, HKMA có thể: nhấn mạnh hơn vào hệ thống SPM, thậm chí tiến tới ngừng sử dụng CAMELS nếu quy trình SPM đã đầy đủ và chính xác; đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống ma trận rủi ro, hạn chế thuyết minh bằng lời dài dòng, không cần thiết.

Đối với vấn đề hợp lý hoá quy trình thanh tra tại chỗ, HKMA đã đẩy mạnh thanh tra theo chuyên đề (nguồn vốn, các sản phẩm phái sinh…). Tuy nhiên, việc giảm thanh tra thường kỳ và tập trung vào thanh tra chuyên đề tăng áp lực không chỉ lên nhân lực của HKMA, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng được thanh tra. Một số tổ chức tín dụng đã có ý kiến đối với việc bị thanh tra đến 6, 7 lần trong 1 năm, trong khi mỗi cuộc thanh tra kéo dài đến vài tuần và bản thân thanh tra viên đôi khi cần hàng tháng mới hoàn thiện được báo cáo thanh tra…

Nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên, HKMA có thể thực hiện một số phương án: Giảm bớt tần suất thanh tra, kiểm tra; Cân bằng giữa thanh tra trên cơ sở rủi ro toàn diện với thanh tra chuyên đề dựa trên hồ sơ rủi ro của tổ chức tín dụng; Cân bằng cấp độ chi tiết của các cuộc thanh tra (cân nhắc không kiểm tra từng nghiệp vụ cụ thể đối với các tổ chức tín dụng “tốt”); Tận dụng nguồn báo cáo từ các tổ chức kiểm toán độc lập…

Vấn đề cuối cùng cần đề cập là hệ thống giám sát an toàn vĩ mô, có tác dụng hỗ trợ giám sát từng tổ chức tín dụng qua việc tập trung vào các rủi ro mang tính hệ thống và cảnh báo sớm đối với các cú sốc hoặc áp lực, từ đó cả HKMA và tổ chức tín dụng đề ra biện pháp xử lý. Để thực hiện tốt chức năng này, các bộ phận của HKMA cần phối - kết hợp chặt chẽ hơn nữa; đẩy mạnh chính thức hoá cơ chế phối hợp giám sát thay vì chủ yếu mang tính tình thế; từng cán bộ thanh tra, giám sát đều có quyền tiếp cận với thông tin về các dự báo rủi ro này để định hướng nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng kế hoạch thanh tra cụ thể; tích cực kết hợp với thông tin cập nhật về thị trường qua trao đổi với tổ chức tín dụng.

Ngoài ba vấn đề chính và các phương án giải quyết nêu trên, lãnh đạo HKMA còn phải lưu tâm đến nguy cơ tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao, bởi đây là các nhân sự có trình độ tốt, thường được các tổ chức tín dụng đón mời. Hiện trạng này ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của cơ quan quản lý, quan hệ giữa cơ quan quản lý và tổ chức tín dụng. 

Kinh nghiệm quý cho Việt Nam

Tại Việt Nam, quá trình áp dụng thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro còn gặp nhiều hạn chế. Trong số đó, các vấn đề sau cần sớm được hoàn thiện.

Trước hết, cần xây dựng đầy đủ khung pháp lý, song hành với xây dựng cơ sở hạ tầng quản trị rủi ro đồng bộ tại các tổ chức tín dụng, cùng bộ công cụ hỗ trợ hoạt động thanh tra, giám sát liên tục dành riêng cho NHNN. Bên cạnh đảm bảo cơ quan quản lý theo kịp được hoạt động quản trị rủi ro của đối tượng thanh tra, hệ thống hỗ trợ giúp NHNN có khả năng bắt kịp, tiến tới phân tích, dự đoán các diễn tiến rủi ro của toàn thị trường, do thực tế chỉ NHNN mới có khả năng tiếp cận độc quyền với thông tin hệ thống mang tính tổng hợp, giúp đưa ra dự đoán đúng đắn và hợp lý.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đánh giá, rà soát hiệu quả quá trình triển khai một cách nghiêm túc, từ đó củng cố, xem xét, sửa đổi tiến trình thích hợp với các diễn biến thị trường mới, tối ưu hoá nguồn lực và thời gian triển khai. Việc đánh giá lại liên tục còn góp phần giúp NHNN xây dựng khung pháp lý chuẩn, đề ra các chính sách điều hành nền kinh tế tương thích với thông lệ quốc tế và trong khả năng đáp ứng của các tổ chức tín dụng.

Thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro là quy trình tích hợp chặt chẽ, do đó, NHNN cần đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa các đơn vị thanh tra, giám sát trên cơ sở hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Quá trình phối hợp giữa các cục, vụ, phòng ban cần được triển khai thành quy định, quy chế cụ thể, không chỉ dừng ở hỗ trợ mà còn phải xây dựng các kênh chính thức tích hợp vào hệ thống công cụ làm việc. Quá trình chia sẻ này cần đúng người, đúng việc, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật thông tin.

Ngoài ra, cần lưu tâm tới yếu tố con người và hoạt động đào tạo, phân bổ nguồn lực. Hoạt động thanh tra trên cơ sở rủi ro đặt ra yêu cầu rất cao về kĩ năng và kinh nghiệm của người thanh tra, đòi hỏi đầu tư, tạo điều kiện đào tạo, nghiên cứu qua các khoá đào tạo chính quy và qua công việc. Trong khi đó, nhu cầu triển khai quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng trong thời gian tới ngày càng gắt gao hơn có thể dẫn đến chảy máu chất xám; cụ thể là các thanh tra viên có tay nghề chuyên môn sẽ là các nhân sự được tổ chức tín dụng đặc biệt chào đón.

Tin bài liên quan