Bài học từ Trung Quốc cho các nền kinh tế toàn cầu

Bài học từ Trung Quốc cho các nền kinh tế toàn cầu

(ĐTCK) Nền kinh tế Trung Quốc lao dốc trong quý I/2020 ở mức mạnh nhất nhiều thập kỷ mang tới lời cảnh báo, cũng như bài học kinh nghiệm cho phần còn lại của thế giới, khi dịch Covid-19 đã lan rộng ra toàn cầu, đẩy nhiều nền kinh tế vào bờ vực suy thoái.

“Cả thế giới sẽ có những trải nghiệm tương tự những gì Trung Quốc trải qua trong tháng 2/2020 khi dịch bệnh ở mức đỉnh điểm. Cú sốc nguồn cung và nhu cầu hiện tại trở thành vấn đề toàn cầu”, Trinh Nguyen, nhà kinh tế cao cấp tại Natixis nhận định.

Dưới đây là những bài học kinh tế chính mà thế giới cần nhìn vào Trung Quốc để tự rút kinh nghiệm.

Mọi chuyện tệ hơn tưởng tượng

Số liệu được công bố trong tuần này cho thấy, doanh số bán lẻ, sản lượng đầu ra công nghiệp, đầu tư tài sản mang lại thu nhập cổ định đều cắm đầu lao dốc trong 2 tháng đầu năm 2020 tại Trung Quốc. Macquarie Group Ltd dự báo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý I sẽ ở mức âm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Bloomberg Economics dự báo, GDP Trung Quốc sẽ thấp hơn 20% so với những năm tăng trưởng thấp nhất trong 2 tháng đầu năm nay.

Các lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc (công nghiệp, bán lẻ, đầu tư tài sản mang lại thu nhập cố định) đồng loạt lao dốc 

Không riêng Trung quốc đánh giá thấp những tác động của dịch Covid 19. Vào khoảng giữa tháng 2/2020, nhiều tuần kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các nhà chính sách toàn cầu vẫn đưa ra kịch bản nền kinh tế nhanh chóng hồi phục như là nền tảng cơ bản trong năm nay. Các báo cáo công bố ngày19/2 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí không thay đổi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với dự báo trước đó, giữ ở mức tăng 3,3% trong năm nay so với 2,9% năm 2019.

Tuy nhiên, tới nay, mọi chuyện đã rõ ràng. Goldman Sachs, Morgan Stanley và nhiều tổ chức tài chính khác đều công bố suy thoái trở thành kịch bản nền trong năm nay.

Những điểm nóng

Dịch vụ là ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất so với các lĩnh vực còn lại, thậm chí nặng nề hơn sản xuất. Các nhà kinh tế Barclays trong tuần trước ước tính, ngành dịch vụ suy giảm 70% trong tháng 2, so với mức giảm 30 – 35% của ngành sản xuất,

Trong số các lĩnh vực, dịch vụ chịu tổn thương lớn nhất

Hiện tại, dù dịch bệnh tại Trung Quốc có phần lắng dịu nhưng làn sóng những người hồi hương vì tình hình dịch bệnh tại nước ngoài có thể khiến tình thế bị đảo ngược. Bởi vậy, các lệnh hạn chế đi lại và cách ly vẫn được áp dụng, làm trì trệ đà hồi phục của ngành dịch vụ, ngay cả khi hoạt động sản xuất đã phần nào quay trở lại quỹ đạo bình thường.

Bên cạnh đó, một số khu vực sẽ trở thành điểm nóng, cần được quan tâm đặc biệt. Dịch bệnh đã khiến toàn tỉnh Hồ Bắc phải đóng cửa – khu vực có quy mô kinh tế tương đương Thuỵ Điển. Đây là nơi sản xuất phốt pho lớn nhất Trung Quốc, thường được sử dụng trong ngành phân bón, đồng thời là thủ phủ của ngành công nghiệp sản xuất ô tô, với các thương hiệu nổi tiếng như Dongfeng Motor Group Co, PSA Group, Honda Motor Co…, chưa kể các nhà sản xuất nguyên phụ kiện đầu vào khác.

Bài học từ Trung Quốc cho các nền kinh tế toàn cầu ảnh 3

Hồ Bắc là nơi sản xuất ô tô lớn thứ 4 tại Trung Quốc

Học hỏi Trung Quốc, một số quốc gia cũng tiến hành phong toả những khu vực nhất định. Chẳng hạn, tại Ý, dịch bệnh đã khiến hoạt động tại Lombardy – nơi đóng góp 1/5 GDP của nền kinh tế Ý, cũng như miền bắc – động lực lớn của nền kinh tế bị phong toả.

Hiện tại, vẫn có những ý kiến cho rằng, việc đóng cửa hoàn toàn một khu vực kinh tế là quá “quyết liệt”. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh, đây cũng là một trường hợp điển hình để các nền kinh tế còn lại soi mình.

Thị trường tài chính

Giới chức tài chính Bắc Kinh đã hành động nhanh chóng để hỗ trợ các thị trường tài chính, hạn chế bất ổn gia tăng, điều đang diễn ra tại hầu hết các thị trường còn lại trên toàn cầu. Trong khi đó, giới chức Mỹ chưa có hành động nào cho tới S&P 500 giảm 11% chỉ trong 1 tuần.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc được nhận định vẫn đang theo đuổi những chính sách với tính kỷ luật cao. Thay vì công bố các chương trình nới lỏng tiền tệ lớn, gia tăng nguồn cung tiền ồ ạt, dòng vốn tại đây được tập trung vào cho vay doanh nghiệp. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm tiền vào hệ thống tài chính và giảm tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của các nhà băng với mục đích bơm vốn cho doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh.

Mặt khác, chính phủ Trung Quốc tiến hành giảm thuế, gia tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Chính quyền địa phương được phép bán các trái phiếu đặc biệt để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, buộc phải giảm thuế và đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng mất việc làm vì sản xuất – kinh doanh đình trệ.

Bloomberg Economics ước tính, tỷ lệ quay trở lại làm việc tại Trung Quốc đã tăng lên khoảng 80 – 85% trong tuần kết thúc vào ngày 13/3. Phải thừa nhận rằng, việc đưa mọi chuyện trở về bình thường là không hề dễ dàng, tuy nhiên, với những chuyển biến hiện tại, có cơ sở để đặt niềm tin vào sự hồi phục.

“Đối với Trung Quốc, cú đánh mạnh nhất vào nền kinh tế chủ yếu bởi những quy định phong toả nghiêm ngặt mà chính phủ áp dụng nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, chứ không phải do dịch bệnh gây ra”, Wang Tao, nhà kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc của UBS Group AG nhận định.

Tin bài liên quan