Bài toán kinh tế hóc búa dành cho thủ tướng sắp tới của Anh

0:00 / 0:00
0:00
Theo nhà phân tích Danni Hewson, nhà đầu tư hy vọng ông Thủ tướng tiếp theo của Anh sẽ ổn định được nền kinh tế và tình hình chính trị - dù rất khó để có thể phân định nhiệm vụ nào khó khăn hơn.
Thủ tướng tiếp theo của Anh, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng tiếp theo của Anh, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng tiếp theo của Anh, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, sẽ "thừa kế" một nền kinh tế vốn đang trên đà suy thoái ngay cả trước khi xảy ra những bất ổn kinh tế và chính trị trong hơn 40 ngày bà Liz Truss cầm quyền.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Liz Truss đã từ chức sau khi các chính sách cắt giảm thuế của bà gây ra những cơn chấn động trên khắp các thị trường, khiến giá đồng bảng Anh lao dốc.

Những phản ứng của thị trường buộc chính phủ phải xoay ngược phần lớn các nội dung trong ngân sách, trong đó có việc thu hẹp quy mô biện pháp áp trần hóa đơn năng lượng vốn đang tăng cao góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của hàng triệu người dân Anh.

Các dữ liệu ngày 24/10 cho thấy kinh tế Anh tiếp tục suy giảm mạnh hơn trong tháng 10, với sản lượng của khu vực tư nhân giảm xuống mức thấp nhất trong 21 tháng qua.

Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, nhận định dữ liệu PMI trong tháng 10 chỉ ra tốc độ suy giảm kinh tế Anh đang tăng dần sau những biến động chính trị và thị trường tài chính gần đây.

Tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng đã khiến hoạt động kinh doanh lao dốc với tốc độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nếu không tính đến những tháng phong tỏa do đại dịch COVID-19. Theo chuyên gia trên, những dữ liệu sắp tới chắc chắn sẽ cho thấy kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, dư luận hy vọng ông Sunak, một cựu Bộ trưởng Tài chính, sẽ mang lại sự ổn định cho các thị trường. Ngay từ khi còn trong cuộc đua với bà Truss để tranh vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, kế nhiệm ông Boris Johnson làm Thủ tướng Anh diễn ra hồi tháng Chín, ông Sunak đã sớm cảnh báo các chính sách dựa vào nợ công để cắt giảm thuế của bà Truss là sai lầm.

Cảnh báo đó đã trở thành sự thực, thể hiện qua những diễn biến rối ren trên thị trường, đồng bảng Anh mất giá, nợ trái phiếu chính phủ tăng mạnh sau khi chính phủ công bố chính sách nêu trên.

Nhà phân tích tài chính Danni Hewson của AJ Bell cho biết các nhà đầu tư rõ ràng đang hy vọng ông Sunak sẽ ổn định được nền kinh tế và tình hình chính trị - dù hiện nay rất khó để có thể phân định nhiệm vụ nào khó khăn hơn. Những kỳ vọng trên bước đầu giúp ổn định các thị trường, giá trị đồng bảng Anh tăng và các chi phí vay nợ trái phiếu cũng giảm bớt nhờ tỷ giá cải thiện và tiếp đó sẽ là giá khí đốt châu Âu giảm.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Đông London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Đông London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tuy nhiên, với lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm (hơn 10%), nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ công bố một đợt tăng lãi suất mạnh trong cuộc họp chính sách thường kỳ vào tuần tới. Điều này sẽ gây thêm áp lực đối với những người đi vay, trong đó có những chủ sở hữu nhà ở vốn đã chứng kiến lãi suất thế chấp tăng vọt sau khi chính phủ của bà Truss công bố các chính sách mới.

Shevaun Haviland, lãnh đạo Phòng Thương mại Anh, kêu gọi ông Sunak có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì hóa đơn năng lượng tăng cao. Bà cho rằng sự bất ổn chính trị và kinh tế trong vài tháng qua đã gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin kinh doanh và phải chấm dứt ngay tình trạng này.

Theo bà, Thủ tướng mới phải là người "vững tay lái" để đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn ở phía trước, nghĩa là phải đặt ra các kế hoạch được tính toán chi phí tỉ mỉ để đối phó với các vấn đề lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt là hóa đơn năng lượng tăng cao, thiếu lao động, lạm phát gia tăng và lãi suất leo thang.

Tin bài liên quan